Thứ Hai, 16/03/2020 16:35

Doanh nghiệp thủy sản đề xuất giải pháp về tài chính vượt qua Covid- 19

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid- 19) kéo dài đang đẩy doanh nghiệp (DN) thủy sản vào tình trạng khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN trong ngành hàng này cũng đã đề xuất các chính sách để tiếp cận vốn, giảm chi phí vượt qua Covid- 19.

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam đạt 988,8 triệu USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, có thể thấy XK thủy sản tháng 02/2020 đã chịu tác động đáng kể bởi dịch Covid- 19. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, XK thủy sản sang 2 thị trường lớn nhất là Nhật Bản và Hoa Kỳ tăng, trong khi XK sang Trung Quốc, EU và Hàn Quốc giảm. Trong đó, XK thủy sản sang EU 2 tháng đầu năm 2020 giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 109,2 triệu USD; XK sang Hàn Quốc đạt 97,4 triệu USD, giảm 8,7%; XK sang Trung Quốc đạt 61,4 triệu USD, giảm 48,8%; XK sang Thái Lan đạt 39,6 triệu USD, giảm 10,4%; XK sang Anh đạt 34,4 triệu USD, giảm 9,3%.

Tính tới thời điểm này, dịch Covid- 19 đã kéo dài hơn 3 tháng và vẫn đang ảnh hưởng lớn tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Thủy sản cũng là một trong các ngành kinh tế bị tác động ngày càng rõ nét hơn như: tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu bị gián đoạn hoặc đình trệ.

Doanh nghiệp thủy sản đề xuất các chính sách tiếp cận vốn, giảm chi phí vượt qua Covid- 19

Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep) thông tin, qua khảo sát các DN trong ngành thủy sản trước tác động của dịch Covid- 19 cho thấy, lượng hàng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất - nhập đang bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong tháng 3 - 4 - 5/2020, doanh thu XK cũng đã giảm đáng kể.

Đối với một số thị trường châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hàng hóa XK bị chậm chễ do thời gian xuất hàng kéo dài. Riêng tại Hàn Quốc, một số khách hàng đã từ chối thực hiện đơn hàng mới, khách hàng cũ cũng giảm lượng nhập do dịch bệnh.

Vasep cho hay, hiện nay, nhiều DN đang rất cần nguồn vốn vay ngân hàng lớn trong khi các ngân hàng lại đưa ra rất nhiều tiêu chí khó thực hiện. Ví dụ như, yêu cầu phải tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, chứng từ giải ngân đảm bảo tính pháp lý và phương án kinh doanh rõ ràng. Ngoài ra, còn có một số quy định khác như: dùng hàng hóa hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp cho khoản dư nợ vay chưa có tài sản đảm bảo. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN ngành thủy sản đều đề xuất ngân hàng cần có gói tín dụng lãi suất ưu đãi (nhỏ hơn 5%/năm) cho các DN sản xuất vay và giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, đồng thời giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 1/2/2020.

Các DN thủy sản cũng đề xuất các Ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay như: chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp; dựa vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để cấp thêm hạn mức tín chấp để DN dễ tiếp cận nguồn vốn; Cho vay dự trữ hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng; Chấp nhận cho vay chiết khấu các bộ hồ sơ thanh toán quốc tế qua các điều kiện và hình thức thanh toán quốc tế: L/C., D/P., TTr...

Về cơ cấu thời hạn trả nợ, DN kiến nghị điều chỉnh kỳ hạn trả nợ kỳ hạn so với đăng ký lên 3 tháng; các món vay thời hạn từ 60 ngày lên 120 ngày; các món vay thời hạn từ 180 ngày lên 240 ngày; tăng thời hạn trả nợ ngắn hạn thêm 2 - 3 tháng; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lúc khó khăn khi vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng (thời gian cần cho vòng quay vốn).

Những khoản vay đến hạn do các trường hợp ảnh hưởng này nên được gia hạn; gia hạn nợ khi dòng tiền về không kịp để đáo hạn; gia hạn nợ tới hạn DN trả không kịp thêm 30 ngày. Không tính lãi phạt trong thời gian được gia hạn và có thể trả chậm không tính lãi phạt….

Trong thời gian tới, XK thủy sản của Việt Nam tiếp tục được dự báo nhiều khả năng sẽ bị tác động bởi dịch Covid- 19 đã bùng phát tại nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, nhiều nước như Hoa Kỳ, một số nước trong EU đã ban hành lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid- 19. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngoài gia đình giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản có giá cao. Tuy nhiên, XK thủy sản sang Trung Quốc sẽ phục hồi khi tình hình dịch Covid- 19 tại nước này có nhiều dấu hiệu cho thấy đã được kiểm soát tốt.

Nguyễn Hạnh

Congthuong

Các tin tức khác

>   Công ty cấp nước Bến Tre xin lỗi vì cấp 'nước mặn' cho dân sử dụng (16/03/2020)

>   Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 thứ 55 và 56, thêm nguồn lây từ châu Âu (15/03/2020)

>   Dự báo 'làn sóng' người nhập cảnh về từ các nước có dịch Covid-19 (15/03/2020)

>   Thúc đầu tư công để có thêm việc làm trong bối cảnh dịch COVID-19 (14/03/2020)

>   Tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài từ 27 quốc gia châu Âu (14/03/2020)

>   700 kỹ sư Samsung từ Hàn Quốc được miễn cách ly tập trung (14/03/2020)

>   TP HCM phong toả chung cư có người nhiễm nCoV (14/03/2020)

>   Hoãn chặng đua F1 Việt Nam (13/03/2020)

>   Chuyển hình thức đầu tư, 3 dự án cao tốc sẽ xong trong 150 ngày? (13/03/2020)

>   Doanh nghiệp nào được giảm lãi, chậm trả nợ vì Covid-19? (13/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật