Dầu giảm 5 tuần liên tiếp khi nhu cầu toàn cầu suy yếu
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (27/03), khi nhu cầu toàn cầu sụt giảm do sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã khiến giá dầu lao dốc tuần thứ 5 liên tiếp, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ký một dự luật kích thích tài khóa nhằm giảm bớt thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra, MarketWatch đưa tin.
“Đối với dầu, trọng tâm tiếp tục tập trung vào phía nhu cầu của thị trường, với nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng đà suy giảm kỷ lục trong nhiều tuần tới khi ngày càng nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp phong tỏa”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex rớt 1.09 USD (tương đương 4.8%) xuống 21.51 USD/thùng và sụt 5% trong tuần qua, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn mất 1.41 USD (tương đương 5.4%) còn 24.93 USD/thùng, qua đó góp phần nới rộng đà lao dốc trong tuần lên 7.6%.
Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều lao dốc 5 tuần liên tiếp.
Giá dầu lao dốc đã dẫn đến 2 tuần sụt giảm nghiêm trọng số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ. Dữ liệu từ Baker Hughes vào ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 40 giàn xuống 624 giàn trong tuần này, sau khi mất 19 giàn trong tuần trước đó.
Trong khi đó, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả-rập Xê-út tiếp tục kéo dài. Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư quốc gia Nga, nói với Reuters vào ngày thứ Sáu rằng một thỏa thuận OPEC+ mới có thể đạt được nếu các nước khác tham gia. Ông Dmitriev cho hay Nga đang liên hệ với Ả-rập Xê-út và các nước khác.
Tuy nhiên, cũng trong ngày thứ Sáu, Ả-rập Xê-út cho biết Vương quốc này không có bất kỳ liên hệ nào với Moscow về việc cắt giảm sản lượng dầu hay xây dựng liên minh OPEC+, Bloomberg News đưa tin.
Giá dầu đã lao dốc trong tháng 3/2020, với sự phong tỏa của các nền kinh tế chủ chốt nhằm đối phó đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm nhu cầu dầu thô. Từ đầu tháng đến nay, dầu WTI và dầu Brent đều “bốc hơi” 50%.
An Trần
FILI
|