Covid-19 lan toàn Đông Nam Á
Myanmar và Lào là hai nước cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á xác nhận có ca nhiễm vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
Người lao động tại cửa khẩu Thái Lan - Lào
AFP
|
Tất cả các nước có dịch
Thông tấn xã Lào hôm qua đưa tin nước này đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. CNN dẫn lời Thứ trưởng Y tế Lào Phouthone Meuangpak cho biết một ca là nữ hướng dẫn viên du lịch (36 tuổi), có dẫn đoàn du khách châu Âu hồi đầu tháng 3 và người còn lại là nam nhân viên 28 tuổi tại khách sạn Crowne Plaza ở Vientiane. Hiện hai bệnh nhân đang được cách ly điều trị.
Trước đó, Bộ Y tế Myanmar cuối ngày 23.3 thông báo có hai người đầu tiên tại nước này dương tính với SARS-CoV-2, theo Reuters. Cả hai đều là công dân Myanmar, trong đó một người 36 tuổi từ Mỹ về và người còn lại 26 tuổi từ Anh về. Bộ Y tế Myanmar thông báo đang điều tra lịch sử đi lại và những người đã tiếp xúc với hai bệnh nhân trên để cách ly, xét nghiệm. Thông tin này làm người dân Myanmar cuống cuồng đổ về các siêu thị để mua hàng hóa, đặc biệt là tại thành phố Yangon. Trước đó, Myanmar đã đóng cửa biên giới với các nước lân cận và ra lệnh cấm tụ tập đông người nhằm đề phòng dịch. Các rạp chiếu phim bị dừng hoạt động nhưng quán rượu, nhà hàng vẫn mở cửa bình thường.
Như vậy, đại dịch Covid-19 đã hiện diện tại toàn bộ 11 nước Đông Nam Á. Trong đó, Malaysia là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.624 ca bệnh tính đến chiều 24.3 với 15 ca tử vong và 183 người hồi phục. Indonesia và Philippines hôm qua ghi nhận mức tăng kỷ lục với lần lượt 107 và 90 ca nhiễm mới. Tính đến hôm qua, Indonesia có 686 ca nhiễm và 55 người tử vong, trong khi con số của Philippines là 552 và 35. Trong khi đó, Thái Lan cùng ngày thông báo có thêm 106 ca nhiễm, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại nước này lên 827 người, theo tờ Bangkok Post.
Người dân Myanmar đổ xô đi mua hàng tại siêu thị ở Yangon Ảnh: Reuters
|
Người lao động dồn về biên giới
Theo Reuters, hàng ngàn người lao động Campuchia, Lào và Myanmar tại Thái Lan đã dồn về các khu vực biên giới vào ngày 23.3 để về nước sau khi nước sở tại ngừng các hoạt động kinh doanh, sản xuất nhằm ngăn dịch Covid-19. Ước tính có khoảng 4 - 5 triệu lao động nhập cư làm việc tại Thái Lan, trong đó chủ yếu là người từ 3 nước nói trên.
Giới chức Thái Lan ra lệnh đóng cửa biên giới từ trưa 23.3 nhưng do lượng người đổ về các cửa khẩu quá đông nên buộc phải tạm hoãn lại cho đến cuối ngày. Theo thông báo của cảnh sát hoàng gia Thái Lan, chỉ những xe tải chở hàng mới được qua biên giới và không ai được phép ở trên xe ngoài tài xế.
Việc người lao động di chuyển qua lại giữa các nước Đông Nam Á làm dấy lên lo ngại về khả năng lây lan dịch Covid-19. Trước đó, nhà chức trách Malaysia xác định một ổ dịch tại sự kiện Hồi giáo ở thủ đô Kuala Lumpur với hàng ngàn người tham dự, trong đó có cả người nước ngoài. Nhiều nước Đông Nam Á xác nhận các ca nhiễm có liên quan đến sự kiện này.
Thái Lan, Philippines gia tăng biện pháp đối phó
Sau cuộc họp nội các hôm qua, chính phủ Thái Lan thông báo sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26.3 và kéo dài trong 1 tháng. Các quy định chưa được công bố cụ thể nhưng Thủ tướng Prayut Chan-ocha kêu gọi người dân không nên ra khỏi nhà, sử dụng mạng xã hội đúng mực và không phá giá hàng hóa. Nhà lãnh đạo cảnh báo nếu tình hình không cải thiện, cả nước sẽ bị phong tỏa hoàn toàn.
Trong khi đó, quốc hội Philippines cùng ngày thông qua dự luật ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng được cung cấp nhiều quyền lực hơn trong việc ban hành quy định, chỉ thị cần thiết để chống dịch. Theo báo The Philippine Inquirer, người làm trái lệnh của chính quyền sẽ bị phạt từ 10.000 - 1 triệu peso (4,6 triệu - 463 triệu đồng) và ngồi tù 2 tháng.
|
Bảo Vinh
Thanh niên
|