Chủ tịch Lê Viết Hải (HBC): Cần khẩn trương đối phó trước diễn biến xấu rất nhanh của kinh tế
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vừa gửi thông điệp đến toàn thể cán bộ nhân viên Công ty về các đối sách trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
* Chủ tịch Lê Viết Hải (HBC): 7 giải pháp để phát triển ngành xây dựng Việt Nam
Theo ông Hải, Hòa Bình cần triển khai hết sức mạnh mẽ và khẩn trương các biện pháp đối phó với những diễn biến đang xấu đi rất nhanh chóng của tình hình kinh tế trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nhiều nội dung tái cấu trúc của Chương trình DPI (Double Profit & Internationalization - Quốc tế hóa và nhân đôi lợi nhuận) đã được thực thi, phần còn lại đã được hoàn thành giai đoạn lập kế hoạch. Các công tác chuẩn bị đang được triển khai khẩn trương để ngay trong tháng 4/2020 mô hình mới trong quản lý sản xuất kinh doanh sẽ được đưa vào áp dụng với kỳ vọng là khắc phục được những tồn tại, yếu kém đã được nhận dạng và góp phần quan trọng đưa Hòa Bình trở thành một trong những Công ty có trình độ ở mức xuất sắc trên phạm vi toàn cầu.
Song song với các giải pháp mang tính chiến lược cho hàng thập kỷ, lãnh đạo của Tập đoàn đã chuẩn bị những biện pháp vừa phù hợp với việc phát triển lâu dài, vừa đáp ứng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng để duy trì bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn hiện có; đồng thời, giúp Tập đoàn có thể khôi phục nhanh chóng và mạnh mẽ sau khủng hoảng.
Cụ thể, tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép phần lớn nhân viên có thể làm việc online, công việc không bị gián đoạn bởi vị trí địa lý. Tái cấu trúc về nguồn nhân lực theo phương châm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm hữu ích cho toàn thể thành viên Tập đoàn trong thời kỳ khủng hoảng, hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào phải bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm.
Chú trọng tăng cường việc phát triển kinh doanh và thị trường, nâng cao tính chủ động trong việc tiếp cận với khách hàng tiềm năng tại tất cả các cấp quản lý. Trong thời gian qua, mặc dù nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản bị giảm sút nhiều nhưng chính nhờ yếu tố tích cực và chủ động của toàn hệ thống trong tìm kiếm công việc, mở rộng thị trường chúng ta đã tham gia dự thầu nhiều dự án bao gồm cả công nghiệp, hạ tầng và nước ngoài với tổng giá trị dự thầu lên đến trên 26,000 tỉ đồng.
“Tôi tin rằng nếu chúng ta nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện; đồng thời, lập hồ sơ dự thầu thật xuất sắc với giá cạnh tranh thì với uy tín của Hòa Bình, nhà thầu lớn nhất tại Việt Nam, giá trị trúng thầu sẽ vượt trên 50% giá trị dự thầu (tức trên 13,000 tỷ đồng)” ông Hải gửi gắm.
Chủ tịch Lê Viết Hải (áo vest đen) cùng các cán bộ nhân viên tại một công trình
|
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính với mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định của Tập đoàn.
Hòa Bình cũng dự kiến lập một Quỹ phù hợp với quy định của pháp luật, khuyến khích các thành viên của Tập đoàn đầu tư vào cổ phiếu HBC thông qua Quỹ nói trên để tăng niềm tin của cổ đông và các nhà đầu tư.
“Hiện nay giá cổ phiếu HBC chỉ ở mức 7,890 đồng/cp, tương đương 50% so với giá trị sổ sách (15,560 đồng/cp). Sỡ dĩ có tình trạng này là do tác động tâm lý của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; mặt khác, do nhiều cổ đông đã đầu tư vào cổ phiếu HBC bằng tiền vay với thế chấp bởi chính cổ phiếu HBC đã bị buộc phải bán ra để trả nợ khi giá xuống quá thấp”, ông Hải nhấn mạnh.
Ban Lãnh đạo Tập đoàn đang nỗ lực xây dựng kế hoạch ứng phó rủi ro với kịch bản ở mức xấu nhất. Với thái độ tích cực và tinh thần chủ động, với truyền thống đoàn kết vượt khó của Tập đoàn, nhất định con thuyền Hòa Bình sẽ vượt qua sóng to gió cả để tiến lên mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng theo chiến lược vươn ra biển lớn.
Phương Châu
FILI
|