'Cho vay không thu lãi là cách tốt nhất để giải cứu nền kinh tế'
Nhật báo New York Times cho rằng có một cách tốt hơn việc tặng mỗi người Mỹ 1.000 USD như Tổng thống Donald Trump đề xuất.
* Hai kịch bản của nền kinh tế Mỹ dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
* Hàn Quốc dự kiến mở phiên họp 'hội đồng kinh tế khẩn cấp'
* Giới chức châu Âu đã làm gì cứu kinh tế
"Cần thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 bằng khoa học, nhưng cần đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế ngay từ bây giờ", chuyên gia Andrew Ross Sorkin, chủ mục Squawk Box của CNBC, viết trên New York Times.
Chuyên gia Sorkin cho rằng có một cách tốt hơn đề xuất cho mỗi người Mỹ 1.000 USD và hỗ trợ các ngành công nghiệp như hàng không của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đó là chính phủ có thể cung cấp cho mọi doanh nghiệp Mỹ, từ nhỏ đến lớn, các khoản vay bắc cầu không lãi suất, được đảm bảo suốt khoảng thời gian khủng hoảng và yêu cầu trả trong vòng 5 năm.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông qua gói cứu trợ kinh tế để chống dịch virus corona chủng mới. Ảnh: AP.
|
Bảo vệ người lao động
Điều kiện duy nhất dành cho các doanh nghiệp là họ phải tiếp tục sử dụng ít nhất 90% lực lượng lao động với mức lương không thay đổi so với trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra.
Và người lao động bị cho thôi việc trong 2 tuần qua được đi làm trở lại. Chương trình này sẽ giúp các công ty - từ hãng hàng không cho đến nhà hàng - duy trì hoạt động và người lao động không bị mất việc.
Khi đó, người lao động có niềm tin rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Chương trình cũng khuyến khích mọi người làm việc từ nhà, đảm bảo duy trì "khoảng cách xã hội" mà không sợ bị mất việc.
"Cái giá của biện pháp này? Cực lớn. Chính phủ Mỹ sẽ phải cho vay hàng nghìn tỷ USD nếu khủng hoảng kéo dài 3 tháng, thậm chí chạm mốc 10.000 tỷ USD. Con số này tương đương 50% GDP Mỹ", chuyên gia Sorkin cho biết.
Dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đang ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Ảnh: Getty Images.
|
Giả sử 20% các khoản vay không được thanh toán, chính phủ Mỹ sẽ tổn thất hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ USD tiền thuế của dân. Dù vậy, chuyên gia Sorkin cho rằng việc để nền kinh tế Mỹ tổn thương sẽ gây ra những thiệt hại khủng khiếp hơn nhiều.
"Quy mô của các gói giải cứu hiện tại là quá nhỏ và được đưa ra quá muộn. Hơn nữa, việc chỉ tập trung giải cứu một số ngành công nghiệp và doanh nghiệp đặc thù sẽ dẫn tới những nghi kỵ, giận dữ", chuyên gia Sorkin nhấn mạnh.
Những ngày qua, một số nghị sĩ đặt vấn đề các gói giải cứu kinh tế phải đem lại lợi ích cụ thể cho từng người lao động Mỹ và gia đình của họ, thay vì dành cho các tập đoàn, công ty.
Cần công ăn việc làm
Tuy nhiên, chuyên gia Sorkin lý giải việc trao tiền mặt cho các cá nhân và hộ gia đình sẽ không đem lại hiệu quả cần thiết. "Người lao động không chỉ cần tiền mặt. Điều quan trọng là họ có niềm tin rằng sau khi khủng hoảng chấm dứt, họ vẫn còn công ăn việc làm", ông nhấn mạnh.
Khoản tiền 1.000 USD cho mỗi người trưởng thành sẽ là không đủ để tái khởi động nền kinh tế Mỹ nếu như sau dịch, hàng loạt công ty rơi vào cảnh phá sản và người lao động bị sa thải.
Theo chuyên gia Sorkin, biện pháp ông đề ra sẽ ngăn chặn được nguy cơ đó. Các dễ nhất để thực hiện là thông qua các ngân hàng với sự đảm bảo của chính phủ Mỹ. Các nhà băng có lợi thế là sở hữu mối quan hệ sẵn có với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Nói một cách đơn giản là các ngân hàng cần tự nguyện thực hiện kế hoạch này miễn phí để đền đáp cho người nộp thuế đã bỏ tiền cho gói cứu trợ năm 2008. Hơn nữa, nếu nền kinh tế sụp đổ, các ngân hàng cũng đi tong", chuyên gia Sorkin quả quyết.
Người lao động Mỹ không chỉ cần 1.000 USD cứu trợ, mà cần được đảm bảo công ăn việc làm. Ảnh: Getty.
|
Chuyên gia Sorkin nói các cá nhân kinh doanh tự do cần được tiếp cận các khoản vay không lãi suất tính theo thu nhập của họ trong 12 tháng trước đó. Và chính phủ nên cấm các công ty sử dụng tiền vay để gia hạn nợ cũ hoặc mua lại cổ phiếu.
"Trong khủng hoảng, thời gian là kẻ thù. Với việc nền kinh tế đang giảm tốc rất nhanh, tỷ lệ thất nghiệp có thể đã nhanh chóng tăng lên 6% ở thời điểm này. Bản thân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp có thể vọt lên tới 20%".
“Trên thực tế, toàn bộ mục tiêu củ kế hoạch là đưa nền kinh tế trở lại trạng thái trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra và gây ra ít gián đoạn nhất có thể”, chuyên gia Sorkin khẳng định.
Phương Thảo
Zing.vn
|