Cả triệu cành hồng phải nhổ bỏ, vứt, đốt ngoài đồng
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, cả triệu cành hoa hồng không bán được phải vứt bỏ khiến làng hoa hồng dưới chân núi Lang Biang lao đao.
Hoa hồng không bán được phải đổ bỏ. Ảnh: Lâm Viên
|
Gần một tuần qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, cả triệu cành hoa hồng không bán được phải vứt bỏ khiến làng hoa hồng dưới chân núi Lang Biang, thị trấn Lạc Dương, H.Lạc Dương (Lâm Đồng) lâm cảnh lao đao.
Hàng triệu cành hoa hồng của làng hoa dưới chân núi Lang Biang không bán được phải vứt bỏ vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Lâm Viên
|
Hoa hồng đổ bờ
Từ thị trấn Lang Biang đi vào tổ dân phố Bơ Nơ B và thôn Đan Kia, chúng tôi chứng kiến dọc hai bên đường, dọc các con suối nhiều đống hoa hồng tuyệt đẹp nằm lăn lóc nhưng chẳng ai đoái hoài. Có nơi người dân còn đốt bỏ hoa.
Hoa hồng đổ bờ vì không bán được. Ảnh: Lâm Viên
|
Có người đốt hoa hồng vì không tiêu thụ được. Ảnh: Lâm Viên
|
Ông Nguyễn Mạnh Cường (Tổ B’Nơ B), buồn bã cho biết gia đình ông cùng 6 hộ khác canh tác liên kết sản xuất 3,5 ha hoa hồng, mỗi ngày thu hoạch khoảng 18.000 cành, cung cấp cho TP.HCM, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Vũng Tàu. Nhưng vài ngày qua, các chợ đầu mối ở TP.HCM, Hà Nội… đều đóng cửa, hoa không bán được. Ông và các hộ phải đổ bỏ hàng chục ngàn cành hoa hồng. Từ ngày 30.3, chuyển sang cắt bỏ ngay tại vườn để khỏi mất công vận chuyển đi đổ.
Hoa hồng chất đầy thùng rác ven đường 19 tháng 5, thị trấn Lạc Dương. Ảnh: Lâm Viên
|
|
Vợ chồng anh Trịnh Đình Mạnh (Tổ B’Nơ B) có 1 ha, mỗi ngày thu hoạch trên 5.000 cành, gởi đi các chợ lẻ, giá chỉ 200 - 300 đồng, trong khi thời điểm 8.3 năm trước giá không dưới 6.000 đồng/cành. Các hộ Nguyễn Thị Hoàn, Trần Thị Khương… cũng cố gắng vớt vát bằng cách đóng hoa đi các tỉnh lẻ bán với giá rẻ.
Người dâng làng hoa hồng Lang Biang đóng hoa đi các chợ lẻ để vớt vát trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Lâm Viên
|
Hoa vườn ế do vựa hoa ế. Vựa hoa Nguyễn Thị Phương (thôn Đan Kia), mỗi ngày đóng đi các tỉnh thành trên 30.000 cành hoa hồng, nhưng nay phải “ứng biến”, bán cho các mối đưa về Ban Mê Thuột hoặc các huyện trong tỉnh Lâm Đồng và những người bán gánh ở các chợ ở Đà Lạt gỡ gạc. Số lượng thì giảm không phanh.
“Hôm nay mình bán được gần 6.000 cành với giá 400 - 600 đồng/cành, như vậy là đỡ lắm rồi đó”, bà Phương chỉ tay ra vườn cho biết gia đình bà có 7.000 m2 hoa nở rộ nhưng không dám thu hoạch vì không bán được. Bà phải nhận hàng của những hộ bà nhận bao tiêu quanh năm với giá 1.200 đồng/cành.
Mong dịch Covid-19 mau chấm dứt
Ông Hoàng Bình Minh, người trồng hoa hồng lâu năm nhất ở thị trấn Lạc Dương, được gọi là “Trưởng làng hoa hồng”, cho biết: "Do tình hình chung phòng chống dịch Covid-19 nên người trồng hoa đang gánh chịu thiệt thòi như các ngành nghề khác, chúng tôi chỉ mong dịch bệnh mau chấm dứt để việc sản xuất, tiêu thụ hoa trở lại bình thường".
Ông Nguyễn Mạnh Cường mỗi ngày phải đổ bỏ hàng ngàn cành hoa hồng chất lượng cao. Ảnh: Lâm Viên
|
Theo ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Lạc Dương, làng hoa hồng dưới chân núi Lang Biang hiện có khoảng 200 ha hoa hồng canh tác ứng dụng công nghệ cao, mỗi ngày thu hoạch gần 1 triệu cành hoa, mỗi năm cho sản lượng trên 300 triệu cành, được bán ra cho thị trường khắp cả nước. Dịp lễ tình nhân 14.2, hoa hồng vẫn bán được tuy giá hạ hơn năm trước, nhưng từ dịp 8.3 đến nay hoa hồng bị dồn ứ. Đặc biệt từ ngày 28.3 khi các chợ đầu mối ở TP.HCM, Hà Nội “đóng cửa” thì hoa hồng gần như không bán được, nhiều nông hộ phải đổ bỏ, lâm cảnh lao đao.
Người dân làng hoa dưới chân núi Lang Biang mong dịch Covid-19 mau chấm dứt để việc sản xuất, tiêu thụ hoa sớm trở lại bình thường. Ảnh: Lâm Viên
|
Phòng nông nghiệp khuyến cáo các hộ có vườn hồng già nên đốn thân cây để dưỡng sức cho vụ hoa sau.
“Chưa bao giờ người trồng hoa hồng ở Lạc Dương lâm vào tình cảnh không bán được phải đổ bỏ hoa như thế này, chỉ mong dịch Covid-19 sớm chấm dứt, nếu dịch kéo dài người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hải chia sẻ.
Lâm Viên
Thanh niên
|