Thứ Sáu, 06/03/2020 10:45

Cả thế giới chờ Trung Quốc khôi phục sản xuất

'Nếu hồi phục, nền sản xuất của Trung Quốc có thể bù lỗ cho tháng 2. Ngược lại, các số liệu sẽ xấu đi và tình hình cho chuỗi giá trị toàn cầu sẽ còn tệ hơn nữa' - chuyên gia kinh tế của UNCTAD Alessandro Nicita nhận định.

* Có dễ cho Apple, Microsoft, Google chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc?

* Dịch COVID-19: Gần 300 triệu người ở Trung Quốc đã trở lại làm việc

* Trung Quốc sẽ đánh mất vị thế 'công xưởng thế giới' vì virus corona

Cả thế giới chờ Trung Quốc khôi phục sản xuất - Ảnh 1.
Công nhân tại một nhà máy sản xuất pin xe điện ở thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc họp báo ngày 5-3, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Hứa Hoành Tài (Xu Hongcai) cho biết nhiều cơ quan chính phủ đã phân bổ tổng cộng 110,48 tỉ NDT (khoảng 16 tỉ USD) cho các khoản chi liên quan đến dịch COVID-19, trong đó khoảng 71,43 tỉ NDT đã được chi dùng.

Bắc Kinh cũng dự tính tiếp tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ mới cho các ngành bị ảnh hưởng bởi COVID-19, vị thứ trưởng nói.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang chiếm 1/5 thương mại toàn cầu về sản phẩm trung gian, theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD). Nói cách khác, nhiều quốc gia trên thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn nguyên liệu đầu vào.

"Công xưởng" Trung Quốc vận hành trở lại

Theo Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CGTN), các nhà cung cấp thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau đã bắt đầu vận hành lại nhà xưởng tại Trung Quốc.

Điển hình, Foxconn, nhà cung cấp cho Apple, cho biết hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc sẽ quay trở về mức bình thường vào cuối tháng 3. Hơn một nửa nguồn nhân lực thời vụ của Foxconn tại Trung Quốc đã trở lại làm việc. Doanh nghiệp đến từ Đài Loan này được xem là nhà sản xuất theo hợp đồng hàng đầu của thế giới.

Tại Thượng Hải, 94,5% doanh nghiệp đạt quy mô quy định đã hoạt động trở lại. 97,4% công ty lớn ở Thượng Hải cũng tái vận hành, trong khi tỉ lệ này ở doanh nghiệp vừa và nhỏ là 53%. Các số liệu trên được Ủy ban Kinh tế và thông tin TP Thượng Hải công bố hôm 2-3, theo tờ Global Times.

Đi kèm những tín hiệu đáng mừng trong lĩnh vực sản xuất, truyền thông Trung Quốc cũng ghi nhận hoạt động của một số cảng lớn tại quốc gia này đang dần khôi phục.

CGTN dẫn chứng tỉ lệ tái vận hành của Tập đoàn cảng Liêu Ninh đã vượt mức 97%. Một số tuyến vận tải quan trọng đã hoạt động trở lại, đồng nghĩa rằng tập đoàn này đã dần cải thiện việc làm ăn.

Dù vậy, các chuyên gia quốc tế vẫn tỏ ra cẩn trọng khi xem xét tình hình tại Trung Quốc. "Nếu hồi phục, nền sản xuất của Trung Quốc có thể bù lỗ cho tháng 2. Ngược lại, các số liệu sẽ xấu đi và tình hình cho chuỗi giá trị toàn cầu sẽ còn tệ hơn nữa" - chuyên gia kinh tế của UNCTAD Alessandro Nicita nhận định.

Mất nguồn cung, thiệt hàng tỉ USD

Trong cuộc họp báo diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 4-3 theo giờ địa phương, UNCTAD ước tính hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đối với sản phẩm trung gian trong các lĩnh vực sản xuất, từ xe hơi cho tới điện thoại di động, sẽ giảm khoảng 2% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều quốc gia và nền công nghiệp của họ sẽ thiệt hại lên đến 50 tỷ USD vì xu hướng đó, theo UNCTAD.

"Hiệu ứng lan tỏa sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, lấy đi 50 tỷ USD khỏi hoạt động xuất khẩu khắp thế giới" - bà Pamela Coke-Hamilton, giám đốc bộ phận thương mại quốc tế của UNCTAD, cho biết.

Ước tính trên một phần dựa vào chỉ số thu mua (PMI) của Trung Quốc mới được công bố cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận trong tháng 2-2020, thậm chí tồi tệ hơn so với khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.

UNCTAD ghi nhận các quốc gia và vùng lãnh thổ chịu thiệt hại nhiều nhất vì thiếu hụt nguyên liệu đầu vào bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Việt Nam được ước tính sẽ mất 2,3 tỷ USD, trong khi EU sẽ thiệt hại nhiều nhất với gần 15,6 tỷ USD.

Giữa giai đoạn căng thẳng, nhiều doanh nghiệp đã tính tới việc tăng cường phân tán sản xuất khỏi Trung Quốc, bao gồm cả Apple, Microsoft và Google. Thế nhưng đây không phải là điều dễ dàng.

"Điểm thắt nằm ở chỗ linh kiện là thành phần thiết yếu trong quy trình sản xuất và hoàn thiện sản phẩm. Việc di dời sẽ rất khó vì đòi hỏi phải thay đổi toàn bộ hệ sinh thái sản xuất" - ông P. S. Subramaniam, đối tác của hãng tư vấn quản lý Kearney, nói với Đài CNBC hôm 4-3.

NGUYÊN HẠNH

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Có dễ cho Apple, Microsoft, Google chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc? (06/03/2020)

>   Hãng hàng không Flybe của Anh tuyên bố phá sản do kinh doanh bết bát (06/03/2020)

>   Thượng viện Mỹ phê duyệt 8,3 tỷ USD chống Covid-19 (06/03/2020)

>   Dịch COVID-19 ngày 6-3: 4 bang ở Mỹ có người nhiễm (06/03/2020)

>   Nỗi 'đau đầu' khi 300 triệu học sinh ở nhà (06/03/2020)

>   Thế giới đẩy mạnh dập dịch Covid-19 (06/03/2020)

>   Doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ, TQ sẽ trở thành 'nền kinh tế rỗng' (05/03/2020)

>   Covid-19 là cú sốc kép hiếm hoi với kinh tế toàn cầu (05/03/2020)

>   Nhật Bản sẽ thiệt hại hơn 12 tỷ USD nếu hủy Olympic vì dịch Covid-19 (05/03/2020)

>   TQ có thể suy thoái kinh tế lần đầu tiên sau 44 năm vì dịch Covid-19 (05/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật