8 ông lớn ngân hàng Mỹ dừng mua lại cổ phần để vượt qua khủng hoảng dịch bệnh
8 ngân hàng lớn nhất tại Mỹ đã tạm dừng chương trình mua lại cổ phần của họ với mục đích bảo tồn vốn để vượt qua cuộc khủng hoảng do bệnh dịch corona gây ra.
Vào tối ngày Chủ Nhật (15/3), ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có những hành động khẩn cấp để xoa dịu tình trạng suy thoái kinh tế, các tổ chức tài chính này đã đồng loạt đưa ra quyết định tạm dừng chương trình mua lại cổ phần.
Diễn đàn Dịch vụ Tài chính (FSF) thông báo các tổ chức thành viên của họ gồm Bank of America , Bank of New York Mellon, Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, State Street và Wells Fargo đang tạm thời trì hoãn việc mua lại cổ phần trong khoảng thời gian còn lại của quý 1 và thậm chí cho đến hết quý 2 của năm 2020 khi tình trạng dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Trong thông báo hôm Chủ Nhật, Diễn đàn Dịch vụ Tài chính cho rằng: “Dịch bệnh Covid-19 là một thử thách vô tiền khoáng hậu cho thế giới, cho nền kinh tế toàn cầu cũng như cho nền kinh tế Mỹ. Các ngân hàng lớn nhất nước này chắc chắn có khả năng và cam kết hỗ trợ cho các khách hàng và cho cả quốc gia”. Tổ chức này nói thêm rằng mỗi ngân hàng “sẽ khởi động lại chương trình mua lại cổ phần ngay khi tình hình trở nên khả quan hơn”.
Cùng ngày Chủ Nhật, US Bancorp, dù không phải là thành viên của Diễn đàn Dịch vụ Tài chính, cũng tuyên bố tạm hoãn việc mua lại cổ phần vì dịch bệnh corona.
Quyết định này cho thấy các ngân hàng đều nhận thức được rằng bản thân họ sẽ gặp khó khăn khi ưu ái cho các cổ đông bằng việc mua lại cổ phần ồ ạt trong khi họ lại đồng loạt có những hành động không mong muốn như tịch thu tài sản thế chấp, cắt giảm hạn mức tín dụng, không tuyển dụng mới và cho nhân viên nghỉ việc. Và cắt giảm chi trả cổ tức cũng sẽ giúp giảm áp lực cho các ngân hàng lớn.
“Áp lực chính trị cũng rất lớn khiến các ngân hàng phải bảo tồn vốn. Đây là một hành động hữu ích”, Jaret Seiberb, chuyên viên phân tích tại Cowen Washington Research Group, cho biết trong báo cáo gửi tới khách hàng.
Tuy nhiên, Seiberg cảnh báo rằng việc phải cắt giảm cổ tức sẽ gia tăng thêm áp lực cho các ngân hàng lớn nếu tình trạng khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên tệ hơn: “Điều này có thể trở thành một vấn đề mang tính chính trị nhiều hơn là một vấn đề về tính an toàn và hợp lý”.
Dịch bệnh corona đã tác động mạnh đến các thị trường toàn cầu. Được biết, trong tuần trước, chứng khoán Mỹ đã rơi vào thị trường con gấu.
Tuệ Nhiên (Theo CNN Money)
FILI
|