40 năm 'chăm nuôi', công nghiệp ô tô vẫn lụi tàn
Philippines phát triển công nghiệp ô tô đã 40 năm, song cũng giống như Việt Nam, đến nay vẫn khá lẹt đẹt. Các doanh nghiệp ô tô bỏ đi là tin buồn cho ngành công nghiệp ô tô Philippines, dù đã tung ra gói hỗ trợ lớn.
* 10 mẫu ô tô bền bỉ nhất, vẫn chạy tốt sau hơn 320.000 km
* Ô tô Thái Lan, Indonesia đổ về, xe Việt nội địa bị đè ép
* Hàng loạt chính sách 'giải cứu' ô tô nội, giá xe sắp tới có biến động?
Không trụ được, nhà đầu tư rời bỏ
Honda đã quyết định rút khỏi Philippines với việc dừng hoạt động nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô nằm ở phía Nam Thủ đô Manila vào tháng 3/2020. Đây là tin buồn cho ngành công nghiệp ô tô Philippines, dù đã tung ra gói hỗ trợ lớn, nhưng vẫn không giữ chân được các nhà đầu tư.
Nhà máy của Honda tại Philippines đi vào hoạt động từ năm 1992, hiện sản xuất các mẫu xe BR-V và City để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nguyên nhân Honda dừng hoạt động sản xuất là do xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về rẻ hơn xe trong nước. Năm 2019, Honda đã chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh tại Philippines, chỉ bán được 20.338 xe, giảm 12,7% so với 2018.
Công nghiệp ô tô Philippines được hưởng ưu đãi lớn
|
Philippines đã phát triển công nghiệp ô tô từ cách đây 40 năm. Song, cũng giống như Việt Nam, đến nay ngành công nghiệp này vẫn khá lẹt đẹt. Ô tô trong nước có sản lượng thấp, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Trong khi đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Philippines, theo ATIGA/CEPT, đã giảm về 0% từ năm 2010. Vì thế, ngành công nghiệp ô tô Philippines cũng chịu cạnh tranh khốc liệt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Giá thành ô tô sản xuất trong nước tại Philippines cũng cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Nhận thấy sức ép lớn lên nền kinh tế và an ninh quốc phòng, nước này quyết tâm thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển. Năm 2016, Chính phủ Philippines đã tung ra gói hỗ trợ với tổng ngân sách là 600 triệu USD, dành cho các dòng xe ưu tiên để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Theo đó, DN sản xuất, lắp ráp ô tô, đầu tư với quy mô lớn, có tổng sản lượng xe cộng dồn, tính đến thời điểm đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ, đạt 100.000 chiếc và cam kết cả vòng đời dự án đạt 200.000 chiếc, sẽ được nhận 1.000 USD/xe. Tiền sẽ để các DN đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất nhằm tăng sản lượng và sản xuất thân vỏ xe với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50%. Thời hạn hưởng ưu đãi ít nhất là 6 năm.
Cách tính ưu đãi để hỗ trợ của Philippines cũng rất đơn giản, dựa trên khối lượng linh kiện sản xuất. Tức là lấy một chiếc xe mẫu cân lên, xem tổng khối lượng bao nhiêu kg, rồi cân riêng các linh kiện DN sản xuất trong nước lắp trên xe. Nếu khối lượng linh kiện sản xuất trong nước đạt từ 50% tổng khối lượng xe trở lên sẽ được hỗ trợ 1.000 USD/xe.
Tuy nhiên, do xe nhập từ Thái Lan và Indonesia hưởng thuế 0% tràn vào, có giá rẻ hơn và Philippines còn cho nhập khẩu cả ô tô đã qua sử dụng với thuế thấp, nên xe trong nước vẫn không cạnh tranh nổi, sản lượng thấp, các nhà sản xuất cứ rút lui dần.
Các nhà sản xuất tại Philippines cho biết, với tổng số 200.000 xe chia đều cho 6 năm, mỗi năm mỗi mẫu xe cần đạt 35.000 chiếc là được hưởng ưu đãi, nhưng họ vẫn gặp khó khăn. Đến nay, đã bước sang năm thứ 5 thực hiện chính sách này nhưng công nghiệp ô tô Philippines vẫn không khởi sắc. Sau khi Honda rời đi, chỉ còn Toyota và Mitsubishi trụ lại, nhưng sản lượng cũng không lớn và đang chật vật cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
“Vết xe đổ” Philippines
Theo trang Kyodo News, việc Honda đóng cửa nhà máy ở Philippines sẽ ảnh hưởng tới khoảng 2.000 người lao động. Ngoài 400 lao động thường xuyên tại nhà máy, nhiều lao động tại 6 công ty cung cấp phụ tùng cũng sẽ mất việc làm. Liên đoàn Lao động, Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines đã phải vào cuộc để tìm các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.
Xe nhập khẩu nguyên chiếc tràn vào khiến ô tô sản xuất lắp ráp trong nước của Philippines không trụ nổi
|
So với Philippines, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng trong tình cảnh tương tự khi xe trong nước có tỷ lệ nội địa hóa thấp, sản lượng thấp và đang chịu sức ép lớn từ xe nhập khẩu hưởng thuế ưu đãi 0%.
Tuy nhiên, hiện các DN tại Việt Nam vẫn đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Mới đây nhất, Ford Việt Nam đã đầu tư 80 triệu USD để nâng công suất nhà máy từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm. Toyota Việt Nam đang đầu tư nâng công suất từ 50.000 xe/năm lên 93.000/xe/năm. Mitsubisshi Việt Nam cũng lên kế hoạch đầu tư nhà máy mới công suất 50.000 xe/năm tại Long An.
Với các DN trong nước, Công ty Trường Hải đã hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy ô tô Mazda công suất 50.000 xe/năm vào tháng 3/2018 và vừa nâng công suất nhà máy Kia từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm. Đặc biệt là Vingroup đầu tư nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng, với công suất 250.000 xe/năm giai đoạn 1 và TC Motor có kế hoạch đầu tư nhà máy 120.000 xe Hyundai/năm.
Tuy nhiên, đầu tư sản xuất ô tô đang gặp những khó khăn lớn. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 3,1 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với 2018, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước. Ô tô nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong khi ô tô sản xuất trong nước tăng trưởng âm. Chi phí sản xuất cao nên xe nội địa khó cạnh tranh với xe nhập khẩu về giá.
Bộ Công Thương cho rằng, nếu không có các ưu đãi đủ sức hấp dẫn, giúp xe trong nước cạnh tranh được với xe nhập khẩu nguyên chiếc, Việt Nam sẽ tiếp tục bỏ lỡ cơ hội thu hút các dự án đầu tư lớn ngành ô tô và ảnh hưởng đến sự tồn tại của các DN sản xuất ô tô nội địa như Trường Hải, TC Motor, VinFast.
Vừa qua, Chính phủ đã quyết định gỡ bỏ rào cản hành chính với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Thủ tục thông quan rất thông thoáng, trong khi xe nhập từ ASEAN về lại được hưởng thuế ưu đãi 0%, dự báo sẽ tràn vào ngày càng nhiều. Đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô trong nước rất rủi ro. Liệu Việt Nam có đi theo “vết xe đổ” của Philippines, khi các DN sản xuất lắp ráp ô tô dần rút khỏi thị trường?
Trần Thủy
Vietnamnet
|