12 năm sau khủng hoảng tài chính, các ngân hàng châu Âu lại đối mặt khủng hoảng mới
Các ngân hàng châu Âu đang chịu áp lực lớn khi dịch corona làm ngưng đọng tất cả nền kinh tế lớn, ngay thời điểm các tổ chức này vẫn đang vật lộn với những vấn đề còn lại của vụ sụp đổ tài chính năm 2008.
Các ngân hàng trong khu vực này đã trải qua sự thay đổi lớn kể từ năm 2008 bằng cách tăng vốn và tuân thủ những quy định cứng rắn hơn. Tuy nhiên, họ phải chật vật để trở về tình trạng đạt được trước khủng hoảng. Chỉ số ngân hàng châu Âu vẫn giảm hơn 50% từ tháng 03/2008 đến đầu năm nay. Việc bán tháo trên thị trường toàn cầu do tác động của virus corona có nghĩa là chỉ số đó hiện giảm 70% so với tháng 03/2008.
“Các ngân hàng châu Âu vẫn dễ bị tổn thương và mong manh từ những cuộc khủng hoảng tài chính và nợ nần, và cuộc khủng hoảng virus corona lại giáng thêm đòn mới cho ngành tài chính, khiến nhà đầu tư cảm thấy bất ổn”, Athanasia Kokkinogeni, một nhà phân tích cao cấp châu Âu tại công ty nghiên cứu DuckerFrontier, nói với CNBC hôm thứ Năm.
Một trong những vấn đề chính còn lại từ cuộc khủng hoảng trước là mức nợ xấu - bao gồm khoản vay của những người vay bị vỡ nợ. Số liệu mới nhất của Cơ quan quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA) cho thấy tính đến tháng 06/2019, tỷ lệ trung bình của các khoản nợ xấu đứng ở mức 3%, so với 6% vào năm 2015.
Tuy nhiên, sự bùng phát virus corona dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm mức nợ xấu trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải đóng cửa và sẽ vất vả để trả nợ.
“Lĩnh vực ngân hàng dường như được trang bị tốt hơn để đối phó với các cú sốc so với năm 2008 nếu chúng ta nhìn vào tỷ lệ vốn”, Maartje Wijffelaars, chuyên gia kinh tế tại Rabobank, nói với CNBC qua email.
“Ngay cả thế, ở hầu hết quốc gia thành viên khu vực đồng euro, tỷ lệ nợ xấu vẫn cao hơn so với năm 2008, dù đã giảm đáng kể so với mức đỉnh”, bà nói thêm.
Vào hôm thứ Sáu, Deutsche Bank cho biết sự bùng phát của virus corona có khả năng làm tổn thương các mục tiêu tài chính của họ trong năm nay.
“Chúng tôi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự suy thoái kéo dài trong khu vực hoặc toàn cầu”, Deutsche Bank viết trong một báo cáo. Ngân hàng này cũng cho biết rất khó dự báo tác động đầy đủ ở giai đoạn này.
Tuần này, Credit Suisse cũng nói rằng “tác động của đại dịch đối với kết quả tài chính của chúng tôi trong tương lai vẫn khó đánh giá”, họ đang theo dõi sát sao khả năng nguồn tiền cho vay có thể bị mất đi nếu người vay bị vỡ nợ khi virus lan rộng hơn.
Lãi suất thấp
Một vấn đề khác còn lại từ cuộc khủng hoảng 2008 mà các ngân hàng phải đối mặt là lãi suất thấp. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011. Các ngân hàng châu Âu nhiều lần phàn nàn rằng điều này làm giảm lợi nhuận của họ.
Ngoài các vấn đề tồn tại từ lâu, virus corona cũng đang tạo ra những thách thức mới.
Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ chỉ là một số quốc gia ở châu Âu đang bị phong tỏa hoàn toàn. Điều này có nghĩa là hoạt động kinh doanh thấp hơn rất nhiều. Mọi người không đi ra ngoài, trường học bị đóng cửa, và người lao động có thể có thu nhập ít hơn. Các hãng hàng không đã ngưng hầu hết hoạt động và toàn bộ ngành du lịch, từ khách sạn đến bảo tàng, đang ở tình trạng bế tắc.
“Chúng tôi nghĩ rằng rủi ro của một cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn còn tăng cao trong khu vực đồng euro. Điều này sẽ không cho phép các ngân hàng thoát khỏi khó khăn”, Davide Oneglia, chuyên gia kinh tế của công ty nghiên cứu TS Lombard, nói với CNBC, bất chấp các biện pháp kích thích gần đây của ECB.
Ngân hàng trung ương này đang mua trái phiếu công và tư với tổng trị giá 750 tỷ euro (tương đương 802 tỷ USD) trong năm nay để giảm tác động về mặt kinh tế của virus corona. Các Chính phủ trên toàn khu vực đồng euro cũng đã tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình và công ty.
Tuy nhiên, nếu không có một kết thúc rõ ràng trước mắt, cả ECB và các Chính phủ riêng lẻ có thể phải mở thêm hầu bao để đối phó với đợt dịch bệnh này.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
FILI
|