Vì sao gần 3.400 khách hàng chưa tố cáo Địa ốc Alibaba?
Số khách hàng của Địa ốc Alibaba đến cơ quan CSĐT trình báo chiếm chưa tới một nửa sau hơn 5 tháng lãnh đạo doanh nghiệp này bị bắt.
* Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo sớm xét xử vụ địa ốc Alibaba
* Chìa khóa lừa đảo từ địa ốc Alibaba đến Angel Lina
* Em trai "trùm địa ốc Alibaba" rửa tiền cho ai?
Ngay sau sự việc Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba là hai anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh bị công an bắt giữ, ngày 20/9/2019 đã có hàng trăm người đến trụ sở Phòng PC03 Công an TP.HCM để trình báo.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 5 tháng, số khách hàng của Địa ốc Alibaba đến cơ quan CSĐT trình báo mới chỉ có 3.312 người, chưa được một nửa tổng số khách hàng doanh nghiêp này.
Gần 3.400 khách hàng chưa tố cáo
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, tính đến ngày 20/2 đơn vị đã tiếp nhận tố cáo của 3.312 nạn nhân là khách hàng Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba với tổng số tiền lừa đảo hơn 1.800 tỷ đồng. Mặc dù vậy, theo tài liệu thu thập cũng như do Công ty Địa ốc Alibaba cung cấp, công ty này đã bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng với tổng số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng.
Như vậy, vẫn còn khoảng 3.400 khách hàng của Địa ốc Alibaba chưa trình báo với cơ quan CSĐT.
Luật sư Trần Minh Cường, người có thời gian dài theo sát và hỗ trợ nhiều khách hàng là nạn nhân của Địa ốc Alibaba, chia sẻ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng còn một số lượng rất lớn khách hàng chưa đến trình báo.
Hơn 3.300 khách hàng của Địa ốc Alibaba đã đến trình báo tại cơ quan CSĐT. Ảnh: An Huy.
|
Thứ nhất, trong tổng số 6.700 khách hàng của Địa ốc Alibaba có nhiều người là nhân viên của công ty. "Ngay từ đầu họ đã được chiết khấu và mua mới giá rẻ hơn, thậm chí có người còn để người nhà đứng tên hoặc đã bán lại cho người khác. Chính vì vậy nhóm khách hàng này sẽ khó tự giác đến cơ quan Công an đề tố cáo công ty của mình", ông Cường giải thích.
Ngoài ra, khách hàng của Địa ốc Alibaba rất đa dạng, trong đó có nhiều khách hàng lớn tuổi, không có cơ hội tiếp cận với các kênh thông thông tin về vụ việc.
Bên cạnh đó, do nghĩ rằng chưa có kết luận điều tra nên nhiều khách hàng vẫn tin mình sẽ được công ty này trả lại tiền.
"Trước đó, sau khi Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc bị bắt giữ, đại diện Địa ốc Alibaba vẫn lên tiếng trấn an khách hàng không tố cáo công ty và hứa hẹn nhiều điều. Chính vì vậy, nhiều người nghĩ rằng nếu họ không tố cáo thì sau này có thể được ưu tiên giải quyết nếu công ty trả lại tiền cho khách hàng", luật sư Cường nói thêm.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Tấn Tài đánh giá có thể vì lo ngại về uy tín, ảnh hưởng đến mối quan hệ với người thân nên nhiều người không dám trình báo với cơ quan Công an.
"Có khách hàng là những bà vợ từng tìm đến tôi nhờ tư vấn sau khi đổ một khoản tiền tiết kiệm của gia đình vào đất nền của Địa ốc Alibaba. Đến khi sự việc vỡ lở, do sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình nên họ chấp nhận mất vài trăm triệu thay vì đến cơ quan CSĐT trình báo", luật sư Tài kể lại.
Nên hợp tác để lấy lại tiền
Nhìn nhận về vấn đề, luật sư Trần Tấn Tài cũng khuyến nghị nạn nhân của Địa ốc Alibaba nên chủ động hợp tác với phía cơ quan điều tra để đẩy nhanh tiến trình điều tra, sớm đưa ra kết luận.
"Nếu không hợp tác thì sau này khi có kết luận điều tra, những người bị lừa sẽ phải chịu thiệt", ông Tài nói thêm.
Tương tự, luật sư Trần Minh Cường cũng khẳng định: "Khách hàng của Địa ốc Alibaba muốn lấy lại tiền trước hết phải chứng minh mình là nạn nhân của công ty này, phải trở thành người bị hại trước pháp luật. Số tài sản phía công an thu giữ của Địa ốc Alibaba khá lớn, có nhiều khả năng người bị hại sẽ được trả lại tiền dù ít hay nhiều".
Ông Cường cho biết đối với những vụ án lừa đảo lớn như Địa ốc Alibaba, thời gian điều tra thường kéo dài 12-15 tháng. Chính vì vậy, khách hàng nên phối hợp cung cấp hồ sơ và trình báo với cơ quan CSĐT, nếu không tài sản bị công ty này lừa đảo có thể mất trắng.
Bên cạnh đó, các luật sư cũng mong muốn cơ quan chức năng cần mở rộng tuyên truyền, kêu gọi rộng rãi hơn ở nhiều tỉnh thành có khách hàng của Địa ốc Alibaba sớm trình báo để bảo vệ quyền lợi của mình.
Công an TP.HCM nhận định hiện vẫn còn nhiều nạn nhân của Địa ốc Aliaba chưa ra trình báo. Phía nhà chức trách đề nghị các khách hàng mua đất nền của doanh nghiệp này mau chóng đến Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (số 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, TP.HCM) Công an TP.HCM để trình báo nhằm đảm bảo quyền lợi về sau.
Hà Bùi
Zing.vn