Vận tải lao đao
Thị trường hàng không, theo ước tính thiệt hại hơn 10.000 tỉ đồng; đường sắt, đường bộ sụt giảm gần nửa sản lượng... do Covid-19.
* Vietnam Airlines rao cho thuê máy bay, hàng không thiệt hại 10.000 tỉ mới chỉ ban đầu
* Virus corona 'ăn mòn' ngành hàng không
* Các hãng hàng không và công ty du lịch ‘run rẩy’ trước virus corona
Lượng khách hàng không giảm đáng kể từ khi có thông tin về dịch. Ảnh: M.H
|
Tuy nhiên, thị trường vận tải không chỉ dừng lại ở thiệt hại mà có thể rơi vào suy thoái nếu không có những chính sách tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Hàng không mất 400.000 khách mỗi tháng
Hiện có 14 hãng hàng không khai thác thị trường Việt Nam - Trung Quốc, trong đó 11 hãng hàng không Trung Quốc khai thác 32 đường bay với tổng tần suất đạt 240 chuyến/tuần. 3 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific khai thác 48 điểm đến với tổng tần suất 276 chuyến/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần không thường lệ, tổng cộng 421 chuyến/tuần.
Thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không trong nước với 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Việc dừng thị trường Trung Quốc khiến các hãng mất trung bình 400.000 khách/tháng và mất luôn nguồn khách này trên các đường bay nội địa. Ước tính sơ bộ của các hãng hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay lên tới hơn 10.000 tỉ đồng.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đường bay Trung Quốc chiếm 10% thị phần bay của hãng này. Việc tạm dừng các chuyến bay của hãng đến/đi từ Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến 70.000 khách hàng, chưa kể các khách hàng nối chuyến qua Trung Quốc. Theo giả định, thị trường phục hồi vào tháng 7.2020, dịch bệnh có thể gây ra thiệt hại tài chính cho hãng lên tới 196 triệu USD.
Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng bị ảnh hưởng lớn. Việc dừng khai thác hơn 640 chuyến bay/tuần thường lệ và không thường lệ của các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc khiến doanh thu của ACV và VATM đều sụt giảm so với kế hoạch.
Cục Hàng không Việt Nam đã lên 3 kịch bản cho thị trường hàng không theo thời điểm Trung Quốc công bố hết dịch.
Cụ thể, phương án cao nhất khi thị trường phục hồi vào tháng 4.2020, tổng thị trường khoảng 80 triệu khách, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019, lượng khách thông qua các cảng hàng không đạt 119 triệu khách, tăng 2,1%.
Phương án trung bình khi thị trường phục hồi vào tháng 6.2020, tổng thị trường 74,6 triệu khách, giảm 5,7% so với cùng kỳ, lượng khách thông qua các cảng hàng không là 111,6 triệu, giảm 4,2% so cùng kỳ. Kịch bản xấu nhất khi thị trường chỉ phục hồi vào tháng 8.2020, tổng thị trường đạt 65,5 triệu khách, giảm 17,2% so cùng kỳ, lượng khách thông qua các cảng hàng không là 98,5 triệu khách, giảm 15,5% so với cùng kỳ.
Theo đại diện một hãng hàng không, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, sự phục hồi của thị trường trong 2 - 3 tháng sắp tới rất khó xảy ra. Để đối phó với những tổn thất dự kiến, các hãng đều phải áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí, điều chỉnh giảm tải để tối đa hóa hiệu quả, giảm thiệt hại.
Đường sắt, đường bộ... đứng yên
Với đường sắt, tàu quá vắng khiến ngành này buộc phải dừng chạy các mác tàu Thống Nhất tăng cường, kết thúc sớm đợt vận tải tết. Trong đó, Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn cho đến ngày 10.2 đã phải bỏ 26 chuyến tàu, từ 10.2 phải bỏ một số mác tàu khu đoạn đang chạy thường xuyên hằng ngày là tàu du lịch đông khách như tàu SQN1/2 (Sài Gòn - Quy Nhơn), còn tàu SPT1/2 (Sài Gòn - Phan Thiết ) chỉ chạy dịp cuối tuần.
Với Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, lượng vé trả trong dịp Tết Nguyên đán khi có thông tin dịch là 26.630 vé, tổng số tiền trả vé hơn 13 tỉ đồng. Lượng hành khách đi tàu sụt giảm mạnh cũng khiến công ty phải dừng chạy 6 đôi tàu khách Thống Nhất, hằng ngày ngừng chạy một đôi tàu SP1/2 trên tuyến Hà Nội - Lào Cai từ ngày 1.2. Thống kê sơ bộ cho biết, sản lượng hành khách trong dịp Tết Nguyên đán 2020 chỉ đạt 410.420 lượt hành khách, bằng 84% so với tết 2019, doanh thu chỉ đạt 222,4 tỉ đồng, bằng 89% so với tết 2019. Đáng chú ý, doanh thu vận tải hành khách tháng 2 và tháng 3 dự kiến chỉ đạt được 50% so với cùng kỳ.
Không chỉ thiệt hại nặng nề về vận tải khách, vận tải hàng hóa liên vận qua Trung Quốc và ngược lại cũng bị ảnh hưởng, lượt tàu chạy giảm từ 6 - 8 đôi tàu/ngày xuống chỉ còn 2 đôi tàu/ngày. Tại cửa khẩu Đồng Đăng, đang đọng khoảng 120 toa xe chở sắn, tương đương 4.000 tấn, do phía Trung Quốc chưa tiếp nhận, lượng hàng tồn đọng chờ vận chuyển tại các ga khu vực miền Trung cũng dự kiến 30.000 tấn. Sản lượng, doanh thu vận tải hàng hóa dự kiến tháng 2 và tháng 3 chỉ đạt 70% so với cùng kỳ.
Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, rất khó dự đoán khả năng phục hồi lượng khách đi tàu, vì điều này phụ thuộc hoàn toàn vào việc dịch bệnh chấm dứt.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lượng khách qua các bến xe giảm sút nghiêm trọng, xấp xỉ 50%, kéo theo doanh thu sụt giảm. Đặc biệt, do xuất nhập từ thị trường rất lớn là Trung Quốc sụt giảm, lượng xe tải chờ đợi tại các cửa khẩu rất nhiều. Để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp, Hiệp hội sẽ có văn bản gửi Chính phủ xem xét giảm thuế, cơ cấu lại nợ vay ngân hàng đầu tư phương tiện, giảm phí sử dụng đường bộ...
Để hỗ trợ cho các hãng hàng không, Cục Hàng không cũng đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do nhà nước quản lý (điều hành bay đi/đến, hạ cất cánh), cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam. Đồng thời khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ như ACV, VATM... chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán phù hợp.
|
Mai Hà
Thanh niên