Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt quản lý, thu hồi và đấu giá đất công
Trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn tất việc kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; đảm bảo các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm.
* Gỡ 'vướng' đất công cho dự án nhà ở thương mại
* Lấy đất công viên, lấp sông phân lô bán nền
* Gần 200 ha 'đất công thành đất ông': Cơ quan chức năng nói gì?
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Thời gian qua, quản lý đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại nhiều bất cập. Nhiều cá nhân, trong đó có hai ông Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố "dính" vòng lao lý liên quan đến khu đất công số 2-4-6 Hai Bà Trưng, 15 Thi Sách, 8-12 Lê Duẩn…
Qua kiểm tra, nhiều khu đất công, các cơ quan Trung ương đã kiến nghị thành phố thu hồi dự án hoặc yêu cầu doanh nghiệp đóng thêm tiền sử dụng đất, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, trong đó điển hình là dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Để chấn chỉnh và nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là đất công, nhà thuộc sở hữu nhà nước, ngay từ đầu năm 2020, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng.
Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn tất việc kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, xác định được số lượng, loại hình, diện tích, vị trí, hồ sơ pháp lý, chủ thể quản lý, mục đích và hiện trạng sử dụng của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu là đảm bảo các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không có hiệu quả; thu hồi, xác lập sở hữu nhà nước các mặt bằng bỏ trống, nhà, đất có nguồn gốc sở hữu nhà nước đang bị chiếm dụng, chưa xác lập sở hữu để xác lập sở hữu, đưa vào diện quản lý của Nhà nước.
Đối với chức năng, nhiệm vụ quản lý của từng sở ngành chuyên môn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát sau cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là các dự án đầu tư có sử dụng đất; rà soát các trường hợp thuê đất công giá thấp, không hợp lý qua đó xây dựng giá cho thuê mới phù hợp quy định.
Sở kiểm tra việc thu hồi, đấu giá các khu đất; rà soát, chuẩn bị quỹ đất để thanh toán cho các dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2014/QĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hợp đồng xây dựng-chuyển giao (dự án BT).
Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết nhanh, đúng quy định các thủ tục về đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vốn là điểm nghẽn từ 2 năm trở lại đây khiến nhiều dự án bất động sản trên địa bàn thành phố “chôn vốn” mà không triển khai được.
Đồng thời, Sở tham mưu đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa; rà soát và báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố biện pháp thu hồi đối với các dự án chậm triển khai, “dự án treo” hoặc không triển khai.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Tài chính đấu giá trường hợp cụ thể, phê duyệt dự toán và bố trí kinh phí thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất đối với 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ tại phường Bình Khánh, Quận 2.
Sở Tài chính thành phố chịu trách nhiệm kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cơ sở pháp lý đối với nhà, đất thu hồi do sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ là thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nào theo Luật Đất đai 2013 để cơ quan nhà nước lập phương án hỗ trợ tái định cư cho hộ dân di dời.
Đối với Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu đánh giá tổng thể thực trạng, hiệu quả mô hình quản lý nhà nước trong công tác quản lý nhà, đất thuộc thẩm quyền, từ đó đề xuất mô hình quản lý thống nhất và sử dụng hiệu quả quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.
Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành giá biểu cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích làm việc, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đảm bảo sát với giá thị trường và theo quy định hiện hành.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, cấp bách của thành phố như dự án Xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), Khu Công nghệ cao (Quận 9), Khu đô thị Sing-Việt (huyện Bình Chánh).
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất 19 khu đất (quy mô gần 34ha) và dự kiến đưa ra đấu giá 10 khu đất (hơn 11ha).
Sở cũng trình Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đấu giá 37 nền đất công hoán đổi tại Quận 9; phối hợp với các cơ quan liên quan lập thủ tục thu hồi và thông báo thu hồi 8,6ha tại phường Phú Hữu, quận 9 và giải quyết hồ sơ bồi thường có vướng mắc, khiếu nại tại dự án quy mô 97ha phường Long Bình, Quận 9.
Đối với công tác thu hồi đất, thành phố sẽ tiếp nhận 16 khu đất, lập thủ tục đo đạc 12 khu đất, tiếp tục thực hiện thủ tục thu hồi các khu đất thanh toán hợp đồng BT các dự án trên địa bàn thành phố./.
Trần Xuân Tình
Vietnam+
|