Quản lý khối tài sản 2,3 triệu tỉ đồng, nhưng Siêu Ủy ban lại thiếu cán bộ giỏi
Được giao quản lý khối tài sản nhà nước lên tới 2,3 triệu tỉ đồng tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lại đang thiêu cán bộ giỏi, có kinh nghiệm quản lý vốn.
* Cổ phần hóa doanh nghiệp: Tài sản nhà nước thất thoát đủ kiểu
* Hoàn thiện cơ chế, lấp lỗ hổng làm thất thoát vốn và tài sản Nhà nước
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, phó chủ tịch Siêu Ủy ban, trình bày báo cáo - Ảnh: B.N
|
Tại cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) ngày 20-2, bà Nguyễn Thị Phú Hà, phó chủ tịch Siêu Ủy ban, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm quản lý vốn.
Theo bà Hà, đến nay chưa có quy định về việc điều động cán bộ có năng lực, chuyên môn và vị trí việc làm phù hợp từ các bộ, ngành, địa phương về ủy ban vốn.
Với chức năng quản lý kinh doanh vốn nhà nước, Siêu Ủy ban phải cử cán bộ kiểm soát viên nhà nước đối với 13 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nhưng đến nay, Siêu Ủy ban mới cử 21 kiểm soát viên xuống 13 tập đoàn, tổng công ty. Số lượng kiểm soát viên nhà nước hiện chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ kiểm soát hoạt động các tập đoàn, tổng công ty với hoạt động kinh doanh đa ngành, phức tạp.
"Cần bổ sung ít nhất 25 kiểm soát viên tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để bảo đảm hiệu quả giám sát" - bà Hà nhấn mạnh.
Người đại diện cho Siêu Ủy ban muốn các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện, phối hợp với ủy ban vốn trong việc điều động cán bộ có năng lực, chuyên môn và vị trí việc làm phù hợp về ủy ban công tác.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ cho phép ủy ban vốn thực hiện chế độ thi tuyển để chọn cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn; thực hiện chế độ thuê chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành cho ý kiến trong quá trình thẩm định, xem xét các dự án đầu tư lớn của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thời gian qua, sau khi tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ, ngành, Siêu Ủy ban đã tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xử lý 259 công việc các doanh nghiệp đang trình các bộ.
Ông Lê Minh Chuẩn, chủ tịch HĐQT TKV, kiến nghị cơ chế đặc biệt cho các dự án điện - Ảnh: B.N
|
Ông Nguyễn Cao Lục, tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng, đánh giá Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hoàn thành cơ bản các công việc dở dang các bộ, ngành để lại sau bàn giao. Trong năm 2019, Ủy ban vốn đã hoàn thành 156 trong tổng số 185 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, 29 nhiệm vụ còn lại đang xử lý.
Tuy nhiên, từ phía DN, ông Dương Quang Thành, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thẳng thắn cho rằng bối cảnh công nghệ 4.0 mà thủ tục hành chính với doanh nghiệp vẫn quá chậm. Nguyên nhân một phần do quan điểm của DN và cơ quan quản lý khác nhau. Có việc EVN trình lên Bộ Công thương nhưng không biết bộ có phải là cấp có thẩm quyền không?
Doanh thu 19 tập đoàn, tổng công ty trong năm đạt hơn 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018. Có 16 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lợi nhuận trong năm 2019, tổng lợi nhuận đạt hơn 99.800 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 221.000 tỉ đồng; 3 tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh không có lợi nhuận.
|
BẢO NGỌC
Tuổi trẻ