Những nền kinh tế lớn nào đang gặp rắc rối?
Sự bùng phát virus corona, căng thẳng thương mại và các cuộc biểu tình liên quan đến chính trị là những lý do có thể khiến các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đối mặt với suy thoái.
Theo IBTimes, các nền kinh tế sau có thể đối mặt với suy thoái trong năm 2020:
Mỹ
Mặc dù Mỹ đang có sự tăng trưởng kinh tế tương đối ổn, nhưng vẫn có một số dấu hiệu cảnh báo đối với nước này.
Thứ Sáu vừa qua, Axios đưa tin các công ty Mỹ không còn dám chi tiêu lớn trong năm 2019, do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra tại Mỹ. Axios lưu ý mặc dù lãi suất ở mức thấp lịch sử nhưng các công ty Mỹ đang “tiết kiệm bất thường, khi hoãn lại việc phát hành trái phiếu mới và tăng lượng tiền mặt trên bảng cân đối kế toán".
Sự bùng phát virus corona cũng là một rủi ro lớn cho nền kinh tế Mỹ. Bank of America cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế đã tăng lên, khi lợi suất trái phiếu kho bạc thời hạn 30 năm chạm mức thấp nhất mọi thời đại vào thứ Sáu tuần trước. IHS Markit cũng cho biết lĩnh vực dịch vụ của Mỹ bị giảm quy mô trong tháng Hai, lần giảm đầu tiên sau bốn năm.
Nhật Bản
Nền kinh tế Nhật Bản bị giảm 1.6% trong quý 4/2019 khi nước này đối phó với việc tăng thuế bán hàng và hậu quả của bão Hagibis. Virus corona có thể khiến nước này mất kiểm soát, tác động xấu đến chi tiêu của người tiêu dùng và làm tổn thương ngành công nghiệp du lịch của họ.
Robert Carnell, chuyên gia kinh tế trưởng và cũng là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương tại ING, nói: "Giờ đây, một cuộc suy thoái có vẻ là điều không thể tránh khỏi tại Nhật Bản”.
Đức
Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vất vả lắm mới tránh được suy thoái kinh tế vì ảnh hưởng bởi những căng thẳng thương mại toàn cầu. Sản xuất công nghiệp của nước này cũng đang suy giảm. Ngoài ra, Brexit vẫn là rủi ro lớn đối với Đức.
Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Đức đã chứng kiến sự sụt giảm đơn hàng do sự bùng phát của virus corona, do các nhà sản xuất phụ thuộc chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Ấn Độ
Ấn Độ đối mặt với sự tăng trưởng kinh tế yếu hơn trong năm 2019, khi hứng chịu cuộc khủng hoảng “ngân hàng bóng tối”. Ngoài ra, Ấn Độ cũng không tránh được những căng thẳng thương mại, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt đối xử thương mại đặc biệt dành cho nước này trong năm 2019. Đáp lại, Ấn Độ đã áp thuế lên hàng hóa của Mỹ.
Hồng Kông
Hồng Kông chìm vào suy thoái trong quý 3/2019 khi đối mặt với những cuộc biểu tình lớn nhằm ủng hộ dân chủ, làm gián đoạn nền kinh tế này. Sự bùng phát virus corona trên toàn cầu sẽ làm tổn thương thêm cho Hồng Kông, vì nền kinh tế của họ vẫn còn phụ thuộc Trung Quốc đại lục.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|