Thứ Năm, 27/02/2020 11:09

Nhà băng nào có cơ cấu thu nhập thay đổi nhiều nhất trong 3 năm qua?

Cơ cấu thu nhập của các nhà băng trong năm 2019 đang gia tăng trở lại sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, phải chăng các biện pháp giảm tỷ trọng thu nhập từ hoạt động truyền thống này của các nhà băng không còn phát huy tác dụng?

Năm 2019, các ngân hàng vẫn “sống” dựa vào mảnh đất tín dụng là chủ yếu, khi tốc độ tăng trưởng cũng như tỷ lệ đóng góp của thu nhập từ lãi có xu hướng tăng trở lại. Và theo đó, mọi nỗ lực gia tăng sự đóng góp của thu nhập ngoài lãi từ vào tổng thu nhập hoạt động để hạn chế phụ thuộc vào tín dụng của các nhà băng đã không còn hiệu quả như năm 2018.

Thống kê dữ liệu Vietstock cho thấy, tổng thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng của 26 ngân hàng trong năm 2019 đạt gần 248,052 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018, cao hơn mức tăng 16% của năm 2018 so với năm 2017. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng biến động qua các năm: từ 78% vào năm 2017 xuống còn 75% vào 2018 và tăng lên 76% vào năm 2019.

Trong khi đó, tổng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng có tỷ lệ đóng góp vào tổng thu nhập tăng từ 22% trong năm 2017 lên 25% trong năm 2018 và giảm về 24% trong năm 2019. Xét về giá trị tuyệt đối, tổng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng của các ngân hàng đạt hơn 78,628 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 19% so với năm 2018, thấp hơn mức tăng 31% của năm 2018 so với năm 2017.

SeABank là nhà băng có cơ cấu thu nhập thay đổi nhiều nhất trong 3 năm qua, với tỷ trọng thu nhập từ lãi trong tổng thu nhập hoạt động giảm từ 90% năm 2017 xuống 83% năm 2018, và còn 56% vào năm 2019. Như vậy sau 3 năm, tỷ lệ đóng góp của thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng của nhà băng này đã giảm xuống 44%, thay vào đó, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng đã đóng góp thêm 34% vào tổng thu nhập hoạt động.

Cơ cấu thu nhập của SeABank thay đổi đáng kể chủ yếu đến từ sự tăng trưởng được tính bằng lần của lãi thuần từ hoạt động khác và hoạt động dịch vụ. Trong đó, hoạt động khác có lãi năm 2019 đạt gần 1,534 tỷ đồng, chiếm 29% tổng thu nhập, và lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 335 tỷ đồng, chiếm 6% tổng thu nhập.

Vị trí thứ hai thuộc về Viet A Bank, khi mà năm 2017 đã hoàn toàn “độc canh tín dụng” với tỷ trọng thu nhập lãi thuần chiếm gần như toàn bộ trong tổng thu nhập. Đến năm 2019, tỷ trọng của thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập đã giảm đáng kể, xuống còn 82%.

Ngoài ra, sự tăng trưởng đều về tỷ lệ đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào tổng thu nhập hoạt động trong 3 năm qua, được thấy rõ tại những nhà băng như MBB, VIB, TPBank (TPB), OCB, ABBank.

Khác với việc đẩy mạnh hoạt động phi tín dụng như năm 2018, Vietcombank (VCB) và Techcombank (TCB) có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập hoạt động giảm trong năm 2019. Nguyên nhân ở TCB là do lãi thuần dịch vụ sụt giảm 8% so với năm 2018 khi thu lãi từ dịch vụ thanh toán, tiền mặt và thu nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán giảm. Còn Vietcombank, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh giảm hơn phân nửa và lợi nhuận khác giảm 5%.

Trước việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý chặt chẽ tăng trưởng dư nợ cho vay hằng năm của các NHTM, nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì hoạt động dịch vụ phi tín dụng là miếng bánh được các nhà băng mạnh tay khai thác trong những năm gần đây. Mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng để giảm bớt sự phụ thuộc và rủi ro từ “độc canh” tín dụng.

Song, nhìn vào bức tranh thu nhập chung của các ngân hàng trong 3 năm trở lại đây, thì vẫn còn nhiều nhà băng phụ thuộc rất lớn vào hoạt động tín dụng, điển hình như LPB, NVB, BAB.

Theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), thu nhập ngoài lãi sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng trong cơ cấu tổng thu nhập hoạt động (TOI). BSC cũng kỳ vọng việc tăng trưởng phí sẽ tiếp tục ở mức cao từ 20% đến 25% trong năm 2020, khi các ngân hàng đẩy mạnh thu phí từ dịch vụ thanh toán, bancassurance… Bên cạnh đó, một vài ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận các khoản thu nhập lớn đến từ thu một lần phí bancassurance.

Ái Minh

FILI

Các tin tức khác

>   SHB tăng trần trong phiên 26/02, 251 triệu cp sắp lên sàn vào tháng 3 (26/02/2020)

>   Người dùng được hỗ trợ gì từ ngân hàng giữa mùa dịch Covid-19? (26/02/2020)

>   Làm giả hàng chục hồ sơ vay của khách hàng để chiếm đoạt tiền tỉ (26/02/2020)

>   17 ngân hàng thương mại đầu tiên miễn, giảm phí dịch vụ chuyển tiền cho các giao dịch giá trị nhỏ (25/02/2020)

>   MB sắp phát hành riêng lẻ hơn 211 triệu cp (25/02/2020)

>   Danh sách khách hàng trúng thưởng giữa kỳ chương trình “Vạn sự như ý – Canh tý hết ý – Trúng vàng nguyên ký” (25/02/2020)

>   NHNN yêu cầu miễn giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (24/02/2020)

>   Vốn hóa BIDV ‘tan biến’ gần 21,000 tỷ đồng sau rao bán nợ xấu (24/02/2020)

>   Ngân hàng nào có tổng tài sản lớn nhất tính đến 31/12/2019? (26/02/2020)

>   Tăng trích lập dự phòng 10%, SCB báo lãi ròng 2019 suýt soát năm trước (24/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật