Ngành xây dựng tăng trưởng hơn 9%, doanh nghiệp niêm yết làm ăn ra sao?
Theo Bộ Xây dựng, giá trị sản xuất toàn ngành Xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9 - 9.2% trong năm 2019, tương đương với tốc độ tăng trưởng của năm trước (9.2%). Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp xây dựng niêm yết lại có doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.
Theo thống kê của Vietstock, 96 doanh nghiệp xây dựng niêm yết đã tạo ra gần 134 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần và 6.8 ngàn tỷ đồng lãi ròng trong năm 2019. So với năm 2018, doanh thu thuần của các doanh nghiệp này giảm nhẹ 3%, lãi ròng giảm 6%. Đáng lưu ý, toàn ngành chỉ còn mỗi Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) đạt lãi ròng trên 1,000 tỷ đồng. Có thể thấy con số này đang giảm dần kể từ đỉnh năm 2017.
Trong 96 doanh nghiệp trên, có 84 doanh nghiệp báo lãi, 12 doanh nghiệp báo lỗ, 36 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng và 43 doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm, 5 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi và 8 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.
Dẫn đầu lãi ròng nhưng...tăng trưởng đi lùi
Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu về lãi ròng vẫn là những cái tên quen thuộc như REE, CTD, VCG, HBC, PC1... Tuy nhiên, so với năm 2018, 3/10 doanh nghiệp trên có doanh thu thuần sụt giảm, 5/10 doanh nghiệp có lãi ròng sụt giảm.
Top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết đạt lãi ròng cao nhất năm 2019
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Vị trí dẫn đầu các doanh nghiệp xây dựng vẫn là công ty đa ngành Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE). Mặc dù trong năm qua, ông lớn này đạt gần 4,890 tỷ đồng doanh thu thuần và 1,638 tỷ đồng lãi ròng, nhưng kết quả này lại sụt giảm hơn 4% và 8% so với năm trước. Trong đó, cơ điện lạnh và hạ tầng điện, nước là 2 mảng khiến lợi nhuận của REE đi lùi khi doanh thu thuần giảm 7% và 5%; riêng mảng bất động sản của REE vẫn tăng trưởng hơn 10%, đạt 927 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh đi lùi của REE năm 2019 cũng chính thức chặn đứng chuỗi tăng trưởng liên tục trong 4 năm liền trước đó (2015 - 2018).
Đã có bất ngờ lớn trong thứ hạng lợi nhuận top 10 khi Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) vươn lên vị trí thứ 2 để đạt mức lãi ròng 720 tỷ đồng, gấp gần 8 lần so với kết quả đạt được ở năm trước, dù doanh thu thuần của Công ty giảm hơn 32%, đạt 1,819 tỷ đồng. Thực tế, kết quả này của CII là nhờ doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính tăng hơn 215% và lợi nhuận khác tăng gần 113%.
Lùi 1 bậc trên bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2019, Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) cũng có kết quả kinh doanh đi lùi trong năm qua với doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 17% và 53%. Hơn nữa, việc chưa tháo gỡ giữa những mâu thuẫn về đường hướng doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và nhóm cổ đông lớn nhất Kustocem cũng khiến cho CTD khó càng thêm khó.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đứng thứ 5 với mức lãi ròng 442 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay nợ và khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng của Tập đoàn trong quý 4/2019, đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm và quý liền kề trước đó.
3 doanh nghiệp tăng lãi trên 1,000%, CTX bấp bênh cùng lợi nhuận
Dẫn đầu trong việc tăng trưởng lợi nhuận, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim, HNX: CTX) mang về gần 217 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2019, gấp 26 lần kết quả đạt được ở năm trước, chủ yếu là do Tổng Công ty tăng hơn 800 tỷ đồng doanh thu đến từ việc chuyển nhượng bất động sản. Trong những năm qua, lãi ròng của CTX cũng thường xuyên lên xuống thất thường.
Lãi ròng của CTX “bấp bênh” qua các năm. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngoài CTX còn 2 doanh nghiệp tăng lãi trên 1,000% là Tổng Công ty Thăng Long (HNX: TTL) và CMVIETNAM (HNX: CMS) tuy nhiên, con số tuyệt đối mà 2 doanh nghiệp này mang về vẫn còn khá khiêm tốn, lần lượt đạt gần 18 tỷ đồng và 4 tỷ đồng.
Top 10 doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng lãi cao nhất 2019
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhiều doanh nghiệp đi lùi, lãi ròng chưa bằng 4 - 5 năm trước
Bên cạnh những doanh nghiệp tăng trưởng, thì sụt giảm lợi nhuận là việc mà năm nào cũng có. Tuy nhiên, với mức lãi ròng chỉ vài tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đã kéo lùi KQKD của mình về 4 - 5 năm trước.
Một số doanh nghiệp sụt giảm lãi ròng. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong đó, Tập đoàn COTANA (HNX: CSC) dẫn đầu với mức sụt giảm lãi ròng hơn 97%, tương ứng đạt 3 tỷ đồng đến từ việc sụt giảm doanh thu từ hợp đồng xây dựng và không có lãi từ khoản bán đầu tư tài chính như năm 2018. Tuy nhiên, diễn biến của giá cổ phiếu CSC lại không đồng thuận với KQKD khi tăng trưởng hơn 90%, lọt top 5 doanh nghiệp xây dựng tăng giá mạnh nhất năm 2019.
Top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết giảm lãi mạnh nhất năm 2019
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
PVX đối diện nguy cơ hủy niêm yết, PTC thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính
Trong năm 2019 có 12 doanh nghiệp báo lỗ. Trong đó, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) tiếp tục “đội sổ” với khoản lỗ ròng lên đến 198 tỷ đồng. Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp mà PVX báo lỗ, đồng nghĩa với việc Tổng Công ty phải đối diện với việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, nếu báo cáo kiểm toán không có gì thay đổi so với báo cáo tự lập.
Top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết báo lỗ trong năm 2019
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Với 8/12 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ, nhiều doanh nghiệp trong số đó chuyển từ khoản lãi nhỏ sang lỗ lớn như CLG, VE9, CEE.
Đáng chú ý, trong 5 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (HOSE: PTC) dẫn đầu với mức lãi ròng 60 tỷ đồng dù doanh thu thuần của Công ty chỉ đạt gần 11 tỷ, hơn nữa, còn sụt giảm đến 64% so với năm trước. Nguyên nhân giúp PTC tăng trưởng chủ yếu từ doanh thu hoạt động tài chính cao gấp 4 lần năm trước (đạt 88 tỷ đồng), và các khoản chi phí khác giảm đến 41 tỷ đồng (giảm 93%).
5 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi năm 2019
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
30% doanh nghiệp xây dựng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận
Trong 92 doanh nghiệp đề ra kế hoạch lợi nhuận (LNST và LNTT) có 18 doanh nghiệp vượt chỉ tiêu và 10 doanh nghiệp hoàn thành đúng 100% kế hoạch. Như vậy, có đến 70% doanh nghiệp xây dựng không đạt kế hoạch đề ra.
Top 10 doanh nghiệp xây dựng niêm yết hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2019
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance, (*) xét theo LNTT
|
Với kết quả kinh doanh không có nhiều chuyển biến tích cực, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này cũng buồn nhiều hơn vui với 41 mã tăng điểm và 54 mã giảm điểm.
Trong đó, Lilama 7 (HNX: LM7) dẫn đầu các mã tăng giá với mức tăng 254% từ vùng giá 3,500 đồng/cp lên 12,400 đồng/cp. Thế nhưng, chỉ trong 28 phiên giao dịch từ đầu năm 2020 đến nay (18/02), thành quả của LM7 trong năm 2019 gần như đã bị “cuốn trôi” khi cổ phiếu liên tục lao dốc, hiện đang giao dịch tại mức giá 3,900 đồng/cp.
Đối với cổ phiếu TKC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ, giá đã giảm gần 89% về còn 3,400 đồng/cp tại cuối năm 2019. Diễn biến này đồng thuận với kết quả kinh doanh của TKC khi doanh thu thuần của Công ty giảm gần 53% còn 588 tỷ đồng, và lãi ròng giảm hơn 93% còn 832 triệu đồng. Đây cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong top các doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận.
Top 5 mã xây dựng tăng/giảm mạnh nhất năm 2019*
Nguồn: VietstockFinance
(*) Giá cổ phiếu tính từ thời điểm cuối năm 2018 (28/12/2018) đến cuối năm 2019 (31/12/2019)
|
Như Xuân
FILI
|