Ngành dầu khí có lao đao trước 'cơn bão' corona?
Trong những diễn biến đầu tiên của năm 2020, cơn khủng hoảng gây ra bởi dịch cúm virus corona khiến nhiều ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có dầu khí.
CTCK VNDirect (VND) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là tại Trung Quốc. Do ảnh hưởng của nước này, nhu cầu xuất nhập khẩu trên toàn châu Á và cả thế giới gặp rủi ro trong ngắn hạn. VND chỉ ra nhóm ngành thương mại chịu tác động rủi ro gián tiếp, như cảng biển, hàng không, logistics và vận tải. Giá dầu cũng gặp sức ép giảm, điều này gây tác động không tốt về mặt tâm lý đối với toàn ngành dầu khí.
Nguồn: VND
|
Tại báo cáo “Virus corona và những tác động” - lần 2, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng áp lực giảm giá dầu WTI chủ yếu đến từ yếu tố lo ngại sụt giảm trong nguồn cầu tại Trung Quốc trong bối cảnh các hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Ngoài ra, sự gián đoạn của hoạt động vận chuyển hành khách du lịch ít nhiều cũng gây nên sự sụt giảm nguồn cung trong ngắn hạn.
Thực tế, giá dầu WTI đã giảm khoảng 12% kể từ đầu năm 2020, thậm chí có thời điểm rơi xuống dưới mốc 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
Theo thống kê của Goldman Sachs, trong đợt ảnh hưởng virus gần nhất, thị trường dầu mỏ chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu dầu mỏ tương đương khoảng 260,000 thùng/ngày, trong đó 170,000 thùng/ngày đến từ nhiên liệu máy bay. Trong đợt dịch SARS gần nhất, giá dầu cũng sụt giảm khoảng 20% từ mức đỉnh. Do đó, ngành dầu khí Việt Nam khó thoát khỏi ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm.
Tình hình giá cổ phiếu dầu khí từ đầu năm 2020 đến hết phiên 18/02/2020
Nguồn: VietstockFinance |
Thể hiện kỳ vọng và sự thận trọng của giới đầu tư, nhiều cổ phiếu dầu khí Việt Nam đã đồng loạt lao dốc từ cuối tháng 1/2020. Nhóm cổ phiếu này cũng chỉ mới ghi nhận sự hồi phục nhẹ từ đáy, đồng pha theo đà quay đầu của giá dầu thế giới vào tuần 10 - 14/02/2020.
*Dầu chứng kiến tuần tăng đầu tiên trong 6 tuần
Trước khi hứng bão corona, ngành dầu khí làm ăn ra sao?
Kết quả kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp dầu khí nhìn chung khá ổn định đồng pha với diễn biến giá dầu. Biên lãi gộp cải thiện đã giúp các nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí kết thúc năm 2019 với kết quả khả quan hơn năm trước.
Theo thống kê của Vietstock, các doanh nghiệp dầu khí niêm yết trong năm 2019 tạo ra gần 405,162 tỷ đồng doanh thu và hơn 18,596 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng gần 1.2% và hơn 5.9% so với năm trước.
Biên lãi gộp của một số doanh nghiệp dầu khí từ năm 2017 - 2019
Nguồn: VietstockFinance
|
Biên lãi gộp ở nhiều doanh nghiệp theo đó đã thể hiện sự cải thiện dù chưa nhiều. Đây rõ ràng là động lực chung cho cả ngành dầu khí trong năm 2019.
Kết thúc năm 2019, có 10 doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2019. Dẫn đầu về tỷ lệ thực hiện là Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (HNX: PVC) với 1,300% chỉ tiêu lãi trước thuế. Song, kết quả “hoành tráng” này của PVC do ban lãnh đạo Công ty đã thận trọng đặt kế hoạch lãi trước thuế chỉ ở mức 3.17 tỷ đồng.
Bên cạnh PVC thì POS, PVB và PVT là các đơn vị thực hiện hơn 2 lần về chỉ tiêu lợi nhuận. Cụ thể, cả năm 2019, Tổng CTCP Vận tải dầu khí (HOSE: PVT) đạt lãi ròng hơn 681 tỷ đồng, tăng 4.5% so với kết quả năm trước. Công ty này thực hiện được 202% chỉ tiêu lãi trước thuế đã đề ra.
Nhờ tiết giảm đáng kể chi phí, Tổng Công ty khí Việt Nam (HOSE: GAS) vẫn đạt kết quả lãi ròng tăng trưởng 4.5%, bất chấp việc lãi gộp sụt giảm nhẹ. Theo đó, ông lớn đầu ngành này đã vượt gần 60% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.
Về phần Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), đã vượt 22% kế hoạch lợi nhuận năm 2019. Tuy vậy, kết quả kinh doanh cả năm của đơn vị này ghi nhận đi lùi 30%. Riêng quý 4/2019, PVS lỗ thuần hơn 138 tỷ đồng. Công ty này thoát lỗ nhờ có khoản lãi khác gần 232 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp dầu khí. Đvt: Tỷ đồng
|
Duy Na
FILI
|