Thứ Hai, 03/02/2020 11:35

Lỗi tại ông Trump!

Nếu ai đó nghĩ rằng nền kinh tế đang hưởng lợi từ thương chiến và điều tương tự cũng chắc chắn diễn ra với thị trường chứng khoán Việt Nam thì có lẽ người đó nên… nghĩ lại.

“Tất cả là tại ông Trump. Chúng tôi đã vun đắp nhiều lợi thế nhưng đến bước nhảy cuối thì bị ông quăng gạch nên liểng xiểng”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch một hãng sản xuất chiếm 30% thị phần tôn mạ nội địa, đã nói như vậy tại cuộc họp thường niên diễn ra giữa tháng 01/2020 của doanh nghiệp.

Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) là một trong những cái tên chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài gần hai năm giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo lời ông Vũ, Hoa Sen đã có thể lãi 1,200-1,500 tỷ đồng trong năm 2018, gấp 3-4 lần kết quả thực tế, nếu Tổng thống Mỹ không quyết định áp mức thuế 25% lên mặt hàng thép nhập khẩu với tất cả các nước. “Khoản mất cân đối tài chính 1,700 tỷ đồng cũng sẽ không phát sinh”, ông nói.

Xe tải vận chuyển lô hàng tôn xuất khẩu của Hoa Sen đến cầu cảng. Nguồn: HSG

Gần hai năm qua, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia hưởng lợi rõ ràng từ thương chiến. Nằm ngay bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam sở hữu lực lượng nhân công giá rẻ, một chính sách thu hút đầu tư cởi mở và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng trùng với những sản phẩm mà quốc gia tỷ dân bị người khổng lồ bên kia đại dương đánh thuế.

Lĩnh vực sản xuất đang là động lực cho nền kinh tế Việt Nam. Danh sách các doanh nghiệp đã và đang xem xét dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam xếp hàng dài với những ông lớn như Hanwha Aero Engines, Foxconn, Lenovo, Nintendo, Kyocera, TCL, GoerTek,…

Còn trên thị trường chứng khoán, khối doanh nghiệp sản xuất lại chẳng phải những bên cầm trịch cuộc chơi (không chiếm phần lớn giá trị vốn hóa cổ phiếu trên thị trường) nhưng hóa ra đấy lại là điều may. Giữa bối cảnh thương chiến diễn biến phức tạp, dòng chảy FDI đẩy cao các chi phí đầu vào như giá thuê đất và tiền lương nhân công, những công ty vốn được xem là hưởng lợi giờ cũng phải đối mặt với tình thế ngặt nghèo.

11 tháng đầu năm 2019, trong khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng 34% lên 42.5 tỷ USD thì thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng tăng gần 43% lên 31.3 tỷ USD. Điều này làm nảy sinh mối lo về gian lận xuất xứ hàng hóa, hiểu đơn giản là việc sản phẩm từ Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế quan. Đây là nguyên nhân dẫn đến quyết định áp thuế lên đến 456% của Bộ Thương mại Mỹ đối với các sản phẩm thép Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp thép niêm yết lớn như Hòa Phát (HOSE: HPG), Hoa Sen (HOSE: HSG), Nam Kim (HOSE: NKG) khẳng định không ảnh hưởng do không sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Dù vậy, họ đang lên kế hoạch tập trung vào nội địa và đa dạng hóa xuất khẩu giữa bối cảnh có nhiều rủi ro, như những gì Hoa Sen đang làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tiềm lực để xoay chuyển như vậy.

FTM, doanh nghiệp nhỏ vốn nổi tiếng vì đợt giảm sàn của cổ phiếu hơn là dưới vai trò nhà sản xuất sợi, bắt đầu chịu tác động từ chiến tranh thương mại vào quý 3/2018.

9 tháng đầu năm 2019, biên lãi gộp của FTM tiêu biến. Gánh nặng lãi vay khiến doanh nghiệp ngậm ngùi báo lỗ ròng lớn (43 tỷ đồng) lần đầu tiên sau nhiều năm. Kế hoạch mở rộng của FTM đã phải dừng lại vì thị trường xấu, nhưng đó cũng chưa phải là phần tệ nhất.

Ngành sợi là một trong những nạn nhân rõ nét nhất của thương chiến. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của ngành xơ sợi Việt Nam với gần 60% kim ngạch xuất khẩu. Mỹ đánh thuế Trung Quốc đi kèm với việc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khiến các xưởng dệt nước này đồng loạt dừng nhập khẩu, ép giá đối với sợi Việt Nam. Tuy nhiên, FTM không thể dừng sản xuất bởi khi đó tình thế có thể trở thành thảm họa vì doanh nghiệp sẽ mất dòng tiền, công nhân thất nghiệp, khách hàng sẽ bỏ đi,…

Đối với ngành may, từng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ thương chiến nhưng đến nay thì hầu hết các thị trường xuất khẩu đều ghi nhận tăng trưởng chậm lại. Cả số lượng lẫn quy mô đơn hàng đều sụt giảm do những lo ngại của khách hàng về những bất ổn xoay quanh thương chiến. Thậm chí, không ít doanh nghiệp chỉ nhận được những đơn hàng ngắn hạn theo tháng, theo quý chứ không phải dài hạn.

Một số doanh nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng như EVE, TNG, STK, MSH, nhờ khả năng cải thiện cơ cấu sản phẩm, thì cổ phiếu vẫn giảm đáng kể theo xu hướng chung của ngành dệt may.

Biên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm vì giá bán trung bình thấp hơn.Theo VNDirect, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước của toàn ngành dệt may (niêm yết) giảm 1.6% nhưng lợi nhuận giảm đến 13.8%.

Công nhân làm việc trong một nhà máy dệt may tại Thuận An, Bình Dương. Nguồn: Brent Lewin

Dòng vốn FDI đẩy cao giá thuê đất và chi phí nhân công

Được vỗ béo bởi dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, ngành bất động sản khu công nghiệp là những người chiến thắng. Hàng loạt doanh nghiệp như Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (HOSE: D2D), Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP), Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) hay Viglacera (HOSE: VGC), Hiệp Phước (UPCoM: HPI),… lần lượt thu lãi lớn.

Sức hút của bất động sản khu công nghiệp thu hút cả những doanh nghiệp sở hữu nguồn lực đất đai lớn, chẳng hạn như các công ty cao su. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: GVR) sẽ không mở rộng diện tích vườn cây mà thay vào đó triển khai hàng ngàn ha khu công nghiệp trong những năm sắp tới.

Một cái tên hưởng lợi từ thương chiến nữa là nhà xuất khẩu vật liệu thạch anh nhân tạo Vicostone, khi thị trường chủ lực là Mỹ đã áp thuế rất cao lên mặt hàng đá ốp lát từ Trung Quốc.

Tỷ trọng nhập khẩu của đá tấm thạch anh (slab quartz) vào thị trường Mỹ
Nguồn: CTCK Phú Hưng (PHS)

Không thể phủ nhận hàng rào thuế quan của Mỹ với Trung Quốc là lực đẩy mạnh nhất dành cho Vicostone, nhưng một yếu tố khác ít được để ý cũng làm nên sự hấp dẫn của doanh nghiệp này chính là việc sản xuất của họ không thâm dụng nhiều lao động.

Đầu tháng 01/2020, Bloomberg cho biết tình hình thiếu hụt nhân công tại Việt Nam đang xấu đi đến mức một số nhà sản xuất nội thất phải thăm dò Cam-pu-chia và Băng-la-đét để đặt nhà máy mới, dẫn theo lời một giám đốc trong ngành. Chi phí lao động tại Việt Nam đang tăng lên và công nhân thì ngày càng khan hiếm, Tổng Giám đốc Clarence Smith của Haverty Furniture Cos. cho biết. Harverty là hãng nội thất của Mỹ với doanh thu 9 tháng đầu 2019 gần 600 triệu USD.

Những nhà sản xuất nội địa cũng có cùng suy tư. Chi phí nhân công tăng lên là nỗi lo thường trực của ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), người đang cố gắng vực dậy doanh nghiệp của mình khỏi tình cảnh ảm đạm kéo dài nhiều năm.

Những nhà sản xuất nội thất chuyển dịch nhà máy của họ đến Bình Dương, nơi TTF cũng đặt trụ sở và ồ ạt tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị cho những dây chuyền mới. Chẳng hạn như nhà máy 300 triệu USD tại khu công nghiệp Tân Uyên của Tập đoàn Manwha (Đài Loan), hãng sản xuất ghế sô pha hàng đầu thế giới. “Họ đang tuyển 30,000 nhân viên”, Chủ tịch TTF - Mai Hữu Tín từng cho biết tại cuộc họp thường niên hồi giữa năm 2019.

“Trên toàn đất nước Việt Nam hiện nay nhà máy nội thất đang xây của Trung Quốc, Đài Loan,… để chống lại thuế quan của Mỹ lên đến hơn 60. Mỗi ông ít nhất 5,000 - 7,000 lao động.”

Chi phí nhân công của Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc bỗng trở thành một nỗi lo, bởi lẽ những hãng sản xuất dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam sẽ có lý do để tự tin trong việc đặt giá ngày càng cao hơn cho chi phí đầu vào này, bên cạnh các mức giá thuê đất.

Cơn đau đầu của những người điều hành các công ty nội thất (và thậm chí cả dệt may) về vấn đề nhân công là điều dễ hiểu, đặc biệt là với những hãng tập trung vào dòng sản phẩm giá rẻ bởi lẽ biên lợi nhuận của họ vốn đã mỏng như dao cạo.

Khách hàng từ Mỹ đến Việt Nam để tìm nhà sản xuất rất nhiều nhưng vị Chủ tịch TTF tỏ ra thận trọng. “Chúng tôi hoàn toàn có thể ký 5,000 - 10,000 tỷ đồng đơn hàng, nhưng một khi đã ký giá nào thì sẽ cố định ở giá đó. Điều này nảy sinh một rủi ro vô cùng lớn giữa bối cảnh nhiều nhà sản xuất khác đang tuyển hàng trăm ngàn nhân công tại Bình Dương. Tiền lương mỗi tháng cho một lao động phổ thông hiện là 7 triệu đồng nhưng chỉ trong vòng hai năm nữa thôi có thể tăng lên mức 500-600 USD (11.5 - 13.8 triệu đồng)”.

Việc TTF đi lên những phân khúc sản phẩm cao cấp hơn cũng là một bước đi nhằm hạ thấp tỷ trọng chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm, ông Tín cho biết. “Nếu làm sản phẩm rẻ tiền thì chi phí lao động tăng một chút là lỗ ngay”.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   BID: Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 (21/01/2020)

>   SHG: Báo cáo tài chính quý 4/2019 (công ty mẹ) (21/01/2020)

>   TBC: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019 (21/01/2020)

>   STG: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019 (21/01/2020)

>   BIC: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019 (21/01/2020)

>   PXI: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019 (21/01/2020)

>   POW: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019 (21/01/2020)

>   HSG: Giải trình KQKD HN quý 1 niên độ tài chính 2019-2020 (21/01/2020)

>   ACB: Báo cáo tài chính quý 4/2019 (21/01/2020)

>   TBC: Đăng ký mô hình công ty và loại BCTC (21/01/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật