Thứ Hai, 24/02/2020 09:18

Liều vaccine phòng bệnh 'môi hở, răng lạnh'

Bên cạnh những hệ lụy nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội, dịch Covid-19 đang tạo ra sức ép to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp phải có chiến lược tái cấu trúc sản xuất và đa dạng hóa các thị trường đầu ra để dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

* Một tháng xáo trộn kinh tế toàn cầu của virus corona

* ‘Giải cứu nông sản làm mất đi nhuệ khí vào nền kinh tế thị trường'

* Thủ tướng: Khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển kinh tế phù hợp với diễn biến dịch Covid-19

Hình ảnh hàng nông sản phải nhờ đến sự giải cứu của người dân do Covid-19 gây ra cho thấy chính sách đầu vào đầu ra thiếu sự bền vững, đặc biệt là quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Điều này tương tự như một liều vaccine giúp nền kinh tế Việt Nam nâng cao khả năng đề kháng trước nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh từ bên ngoài trong tương lai, dù cho vô tình hay hữu ý.

Trung Quốc hắt hơi, Việt Nam cảm lạnh

Mà lần này Trung Quốc đang lâm trọng bệnh thì chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ rất nguy nan. Bởi lẽ, chúng ta đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong một thời gian dài, từ các yếu tố đầu vào, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất lẫn thị trường đầu ra của hàng hóa và dịch vụ.

Sự phụ thuộc đó đã làm cho nền kinh tế thiếu tính tự chủ và khả năng chống chọi yếu kém trước các cú sốc kinh tế. Một nền kinh tế liên tục phải giải cứu từ nông sản, thực phẩm cho đến thép, thực sự là một bất ổn vĩ mô to lớn cần phải được giải quyết triệt để và nhanh chóng.

Khi dịch cúm Covid-19 bùng phát và lan rộng thì càng khẳng định những hệ lụy to lớn từ sự phụ thuộc quá lớn vào kinh tế Trung Quốc.

Những ngày qua, có thể thấy chúng ta đã xử lý rất tốt những vấn đề liên quan đến phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh lây lan nhưng rõ ràng tác động tiêu cực về kinh tế vẫn chưa có các giải pháp kịp thời và hữu hiệu. Hậu quả nặng nề nhất hiện nay và có lẽ còn kéo dài thực ra không phải là các vấn đề về y tế và dịch tễ mà là những thiệt hại về kinh tế.

Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu gần như bị gián đoạn khi Trung Quốc giữ vai trò là trung tâm sản xuất, cung ứng các linh kiện, vật tư hoặc sản phẩm trung gian bị tê liệt do các lệnh phong tỏa.

Điều này đã khiến các ngành công nghiệp điện, điện tử, cơ khí lắp ráp, phụ tùng ô tô, dệt may và da giày của chúng ta bị thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu để duy trì sản xuất và đảm bảo tiến độ các đơn hàng xuất khẩu nếu như tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài.

Trong khi đó đầu ra của hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông sản của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc gần như bị đóng lại, hàng trăm ngàn tấn trái cây các loại không thể thông quan chắc chắn sẽ tạo ra những hệ lụy không nhỏ cho ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, nhất là ngành hàng không đều gánh chịu các thiệt hại nặng nề trong cơn dịch dã hiện nay.

Quan trọng hơn, những khó khăn của nền kinh tế thực lập tức sẽ được truyền dẫn nhanh chóng và bị khuếch đại bởi khu vực tài chính-ngân hàng. Những khó khăn của doanh nghiệp sẽ làm tăng các khoản nợ xấu, dòng vốn đầu tư sụt giảm và tâm lý bi quan, co cụm của công chúng sẽ khiến cho hành vi bầy đàn lấn át lý trí của nhà đầu tư.

Quan niệm “tiền mặt là trên hết” dễ khiến hệ thống tài chính rơi vào tình trạng mất thanh khoản nếu hệ thống không được kiểm soát tốt. Giá vàng thế giới vừa vượt mốc 1.600 USD/ouce là một đòn chí mạng giáng vào tâm lý đang dễ bị tổn thương của nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Trong khi đó, vàng lại là hàng hóa vô cùng nhạy cảm ở Việt Nam, giá vàng tăng rất có khả năng làm mất sự kiên nhẫn của nhà đầu tư trước các quyết định thoái vốn hoặc thực hiện chiến lược phòng ngừa rủi ro. Nếu mọi thứ bị đẩy đi xa hơn rối loạn sẽ xảy ra và đó thực sự là thảm họa kinh tế.

Có thể thấy rằng kinh tế của tất cả các nước đều chịu ảnh hưởng tiêu cực vì dịch cúm nhưng chúng ta phải gánh chịu những hậu quả to lớn và có tính hệ thống vì đã để cho Trung Quốc chiếm một tỷ trọng quá lớn trong danh mục “bạn hàng”.

Vì thế, nguyên nhân sâu xa của căn bệnh kinh tế lần này thực sự không phải do dịch cúm, càng không phải là vấn đề tài khóa hay tiền tệ. Dịch Covid-19 chỉ làm rõ hơn một vấn đề đã được nói đến từ rất lâu là sức đề kháng của nền kinh tế chúng ta quá yếu, cũng bởi vì suốt một thời gian dài đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc.

Thuốc đắng chưa chắc dã tật

Một sự trùng hợp trớ trêu rằng về phương diện y khoa thì hiện chưa có vaccine để phòng ngừa lẫn không có thuốc điều trị Covid-19. Những người khỏi bệnh hoặc tránh được sự lây lan, tiêm nhiễm chủ yếu dựa vào sức đề kháng của cơ thể.

Vội vã thực hiện các chính sách giải cứu kinh tế lúc này tựa như cho nền kinh tế uống thuốc giảm đau, gây tốn kém chi phí mà chỉ giúp che đậy các triệu chứng của căn bệnh chứ không giải quyết được các căn nguyên gốc rễ, khác nào tiền mất mà tật mang.

Có một sự tương đồng y hệt như vậy đối với kinh tế. Khi đã khẳng định nguyên nhân của căn bệnh không đến từ vấn đề tài khóa hay tiền tệ, các chính sách kích cầu hoặc hỗ trợ tài khóa chắc chắn sẽ không giải quyết được các vấn đề hiện nay mà ngược lại sẽ mang đến những tổn thất chi phí to lớn cho Chính phủ.

Giá vàng đã tăng, nếu NHNN thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng bằng cách bơm một lượng tiền ra nền kinh tế thông qua cắt giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc hoặc trực tiếp đẩy thanh khoản ra thị trường thì càng khiến cho niềm tin của công chúng vào tiền đồng bị lung lay.

Tác động tích cực từ việc gia tăng tổng cầu rất mong manh trong khi khả năng gây ra bất ổn cho hệ thống tài chính là điều gần như chắc chắn.

GS. Trần Ngọc Thơ đã cảnh báo: “Khả năng cắt giảm lãi suất của NHNN bị hạn chế đáng kể vì sẽ làm cho tiền đồng yếu đi. Tỷ giá USD/VNĐ tăng lên khiến Việt Nam gặp phải rủi ro bị Mỹ quy cho là quốc gia thao túng tiền tệ”.

Có thể thấy lĩnh vực dễ hưởng lợi nhất từ chính sách tiền tệ mở rộng là các doanh nghiệp bất động sản trong khi những khu vực đáng được hỗ trợ nhất hiện nay là nông nghiệp và các ngành sản xuất hàng xuất khẩu sẽ rất khó tiếp cận các lợi ích trực tiếp của chính sách này.

Vì vậy, mở rộng tiền tệ không hợp lý sẽ kéo theo bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, làm bất ổn hệ thống tài chính, gia tăng nợ xấu hệ thống ngân hàng và tiếp tục tạo ra bong bóng giá tài sản.

Trong khi đó, hỗ trợ tài khóa thông qua giảm thuế, giảm các khoản đóng bảo hiểm xã hội hoặc gia tăng chi tiêu công để tạo ra các động lực tăng trưởng kinh tế mới có thể sẽ khả thi về mặt lý thuyết.

Nhưng trên thực tế, vấn đề là làm sao xác định được đúng địa chỉ để các chính sách này hướng đến. Rủi ro đạo đức trong thực thi các chính sách hỗ trợ thuế khóa vừa làm tổn thất nguồn lực ngân sách vừa tạo ra bất công lớn cho xã hội, khác nào tự lấy đá ghè chân mình.

Vì vậy, vội vã thực hiện các chính sách giải cứu kinh tế lúc này tựa như cho nền kinh tế uống thuốc giảm đau, gây tốn kém chi phí mà chỉ giúp che đậy các triệu chứng của căn bệnh chứ không giải quyết được các căn nguyên gốc rễ, khác nào tiền mất mà tật mang. Điều cần làm bây giờ cũng hệt như các giải pháp Bộ Y tế đang ra sức tuyên truyền và vận động người dân, đó là gia tăng sức đề kháng và khả năng chịu đựng các cú sốc cho nền kinh tế.

Trước mắt, cần nhanh chóng rà soát để giảm bớt các thủ tục, quy trình gây phiền hà, nhũng nhiễu và tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp, giúp họ tiết kiệm các chi phí bôi trơn hoặc “phi chính thức” khác.

Kế đến, là có các hỗ trợ về thủ tục và tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý tưởng và kế hoạch rõ ràng trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc tái cấu trúc sản xuất để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của dịch cúm lần này và xa hơn dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Nhưng sự thật chắc chắn sẽ mất lòng

Cần nói thẳng rằng đó là mất lòng Trung Quốc. Nhưng sẵn sàng chấp nhận những khó khăn của sự mất lòng này để tận dụng cơ hội thoát khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc sẽ là một liều vaccine hữu hiệu cho Việt Nam nhằm ngăn ngừa những căn bệnh kinh tế lây nhiễm một cách ngẫu nhiên hay cố ý từ Trung Quốc trong tương lai.

Một lãnh đạo của ngành gỗ đã nói rằng những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc đã giảm mạnh do tác động của dịch cúm nhưng lại mở ra cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng. Một khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã chuyển hướng, mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu.

Câu chuyện nêu trên cho thấy một thực tế rằng hầu như việc lệ thuộc vào thị trường và nền kinh tế Trung Quốc từ lâu đã tạo ra một sức ì và sự lãng phí, kém hiệu quả rất lớn cho các ngành công nghiệp khác nhau và rộng hơn là nền kinh tế Việt Nam. Nhưng từ nhận thức đi đến hành động và có giải pháp cụ thể trước đây là một khoảng cách khá xa.

Một phần có thể vì những lợi ích trước mắt Trung Quốc mang lại cho các đối tác khi làm ăn với họ và các chiêu thức sau đó khiến họ bị lún sâu và không thể thoát khỏi “vòng kim cô” siết chặt. Phần nữa thị trường trong nước không đủ sức hấp thụ trong khi sự đòi hỏi khắt khe của các thị trường xuất khẩu cao cấp hơn lại làm các doanh nghiệp chúng ta thực hiện sự lựa chọn dễ dàng là tự khiến mình lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tình thế do Covid-19 gây ra lần này khiến cho các doanh nghiệp của chúng ta dù muốn hay không cũng buộc phải tìm các thị trường hoặc nhà cung cấp thay thế nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển.

Dịch cúm lần này được dự báo sẽ làm thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế, vì vậy nếu có chiến lược hiệu quả và quyết liệt thì Việt Nam sẽ có cơ hội để chen chân hoặc chí ít cũng giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Việc Samsung khá thoải mái và nhẹ nhõm trong việc sản xuất smartphone trong những ngày vừa qua vì đặt đại bản doanh tại Việt Nam trong khi Apple, Xiaomi hoặc Huawei đang phải chật vật với tình trạng thiếu linh kiện là một bằng chứng rõ ràng.

Đương nhiên, thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc không phải tẩy chay hay “nghỉ chơi” với Trung Quốc, càng không phải là chuyện một sớm một chiều hay của một ngành công nghiệp nào đó, mà cần một chiến lược dài hơi và tổng thể.

PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Trưởng Khoa Tài chính Đại học Kinh tế TPHCM

Sài Gòn Giải Phóng

Các tin tức khác

>   Ngành may mặc 'thấm đòn' virus corona (24/02/2020)

>   Kiểm soát khách Hàn Quốc theo quy trình 'đến từ vùng có dịch' (24/02/2020)

>   TP HCM hẹn gỡ khó các dự án bất động sản hàng tuần (23/02/2020)

>   Chưa hợp đồng vẫn chở lên biên giới, gần 700 xe nông sản 'nằm' chờ thông quan (23/02/2020)

>   Hà Nội xem xét dừng hoạt động quán bar, karaoke để chống dịch (23/02/2020)

>   Quy hoạch điện VII điều chỉnh: Nguồn điện EVN đầu tư chỉ chiếm 33,2% (23/02/2020)

>   Cởi trói quy định nhập khẩu, kỳ vọng giá xe giảm (23/02/2020)

>   Giám đốc công ty tân dược cầm đầu đường dây sản xuất thuốc giả (22/02/2020)

>   Mỹ tin Việt Nam sẽ chống COVID-19 hiệu quả, sắp cử đoàn sang hợp tác (22/02/2020)

>   Hàng không cũng muốn được giải cứu (22/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật