Thứ Sáu, 28/02/2020 16:15

Gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam vẫn khó

Công tác tháo gỡ Thẻ vàng” của EC cho thủy sản Việt Nam sẽ khó thành công nếu còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và không khắc phục được những tồn tại mà EC đã chỉ ra.

* Diễn biến mới nhất về 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam

Gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam vẫn khó
Bị "Thẻ vàng" của EC, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang châu Âu gặp khó khăn, trong đó có mặt hàng cá ngừ. Ảnh: Hoàng Trọng

Sáng 28.2, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Thủy sản Việt Nam và lãnh đạo 28 tỉnh, thành ven biển.

Thiệt hại cả giá trị và uy tín

Theo Bộ NN-PTNT, tháng 10.2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu vì chưa tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU. Việc này đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đánh bắt bởi đây là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (luôn chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua). Quyết định cảnh báo “Thẻ vàng” của EC được công khai trên các website và đang làm mất uy tín nghiêm trọng với hải sản Việt Nam, qua đó gia tăng nguy cơ bị Mỹ và những thị trường tiềm năng khác có hành động tương tự.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (ở giữa) đi kiểm tra công tác khắc phục "Thẻ vàng" của EC tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Hoàng Trọng

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện các lô hàng hải sản của Việt Nam xuất sang châu Âu bị giữ lại kiểm tra 100% với thời gian khoảng 3-4 tuần mỗi container. Ngoài chi phí kiểm tra nguồn gốc xuất xứ khoảng 500 Bảng Anh/container, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều lệ phí cũng như mất uy tín với phía khách hàng do chậm giao sản phẩm.

Sau 2 năm bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đã giảm 6,5% và tiếp tục chững lại trong năm 2019. Từ vị trí thứ 2, thị trường châu Âu đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13% trong bản đồ xuất khẩu thủy sản của VN.

Tàu cá vi phạm khai thác vẫn nhiều

Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, tháng 10.2017, EC đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, đồng thời đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam thực hiện. Tháng 6.2018, Đoàn EC lại sang Việt Nam kiểm tra, yêu cầu tiếp tục khắc phục 4 khuyến nghị: Khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật; Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Theo kế hoạch, từ ngày 25.5 đến ngày 5.6, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC, thì không những không tháo gỡ được “Thẻ vàng”, mà nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”.

Đoàn công tác của Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu kiểm tra công tác khắc phục đánh bắt IUU tại Cảng cá Quy Nhơn vào năm 2018. Ảnh: Hoàng Trọng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau gần 2,5 năm bị “thẻ vàng”, cũng chừng ấy thời gian ngành chức năng nước ta dồn nỗ lực khắc phục những khuyến nghị của EC và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đủ để EC quyết định rút “thẻ vàng”.

Số liệu của Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho thấy,đến hết tháng 1 năm nay, Việt Nam có 13.150 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 2.372 tàu có chiều dài trên 24 m (đạt 92 %) và 10.778 tàu từ 15 m đến dưới 24 m (chỉ đạt 37%). Công tác kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm thủy sản còn yếu. Trong công tác theo dõi tàu cá, khả năng của cơ quan chức năng trong việc xác định tàu cá có được khai thác tại vùng biển cho phép hay không còn hạn chế. Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm, tiếp tục diễn biến phức tạp. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường Châu Âu…

Nhiều tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đã được gắn thiết bị theo dõi hành trình. Ảnh: Hoàng Trọng

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương ven biển triệt ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. “Luật quy định rõ ràng rồi, phải kiên quyết thực hiện. Các địa phương không cần đi tìm lý do để không thực hiện được mà phải khắc phục cho bằng được. Tại sao không nhìn lại là vì sao trong số 28 tỉnh, thành chỉ còn có vài tỉnh, thành còn xảy ra vi phạm, trong đó có tỉnh mình?”, ông Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Trọng

Ông Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các địa phương tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá chỉ định và thu hồi 100% nhật kí khai thác của các tàu cá cập cảng để lên cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường Châu Âu. Đến ngày 1.4, phải hoàn thành lắp đặt hết thiết bị hành trình cho tàu cá từ 15 m trở lên…

Hoàng Trọng

Thanh niên

Các tin tức khác

>   'Loạn' giá hàng hóa tại các siêu thị (27/02/2020)

>   460 doanh nghiệp Mỹ được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam (25/02/2020)

>   Gà đông lạnh ngập thị trường, giá gà nuôi tăng không đủ bù lỗ (25/02/2020)

>   Gắn mác 'giải cứu' để bán hàng giá cao (25/02/2020)

>   Giá thịt heo tại chợ đã 'hạ nhiệt' 20.000 đồng/kg (24/02/2020)

>   Sự thật về tôm hùm 'giải cứu' (24/02/2020)

>   Chưa hợp đồng vẫn chở lên biên giới, gần 700 xe nông sản 'nằm' chờ thông quan (23/02/2020)

>   Thủ tướng: 'Nông nghiệp không chỉ đủ ăn mà còn làm giàu được' (21/02/2020)

>   Công nghệ chế biến lạc hậu, giá trị nông sản có ngành hàng thấp hơn thế giới 50% (21/02/2020)

>   ‘Giải cứu nông sản làm mất đi nhuệ khí vào nền kinh tế thị trường' (21/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật