Giảm 5 tuần liền, dầu ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất từ tháng 11/2018
Tuần qua, dầu WTI giảm 2.4% và dầu Brent sụt 3.8%
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục suy giảm vào ngày thứ Sáu (07/02) và ghi nhận tuần sụt giảm thứ 5 liên tiếp, khi sự tăng trưởng mạnh mẽ của số việc làm tại Mỹ đã không thể bù đắp những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu ngày càng tăng do sự lây lan virus corona, MarketWatch đưa tin.
Một báo cáo vào ngày thứ Sáu cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 225,000 việc làm trong tháng 01/2020, cao hơn dự báo 165,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của MarketWatch.
Tuy nhiên, “các nhà đầu tư tập trung hơn vào việc liệu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi là nhóm OPEC+, sẽ làm bất cứ điều gì liên quan đến nguồn cung hay không – chúng ta cần cắt giảm nguồn cung”, Naeem Aslam, Giám đốc phân tích thị trường tại AvaTrade, nhận định. “Sự đe đọa đối với cân bằng nhu cầu là rất lớn từ tác động của dịch virus corona, và đây là mối quan tâm chính”.
Trong bối cảnh đó, dầu đã chịu nhiều áp lực và bước vào thị trường “con gấu” – lao dốc ít nhất 20% từ đỉnh gần đây – hồi đầu tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex lùi 63 xu (tương đương 1.2%) xuống 50.32 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn mất 46 xu (tương đương 0.8%) còn 54.47 USD/thùng.
Tuần qua, dầu WTI giảm 2.4% và dầu Brent sụt 3.8%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Cả 2 hợp đồng dầu đều ghi nhận 5 tuần giảm liên tiếp, chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 11/2018.
Nhà đầu tư đã cân nhắc phản ứng của Nga đối với khuyến nghị của Ủy ban Kỹ thuật chung (JTC) OPEC+ vào ngày thứ Năm (06/02) về việc cắt giảm sản lượg của các thành viên và đồng minh thêm 600,000 thùng/ngày, trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu dầu do sự lây lan virus có nguồn gốc từ Trung Quốc. Platts đưa tin lời đề nghị này kêu gọi hành động cắt giảm bắt đầu vào tháng 4/2020 và kéo dài đến tháng 6/2020.
Tuy nhiên, Ủy ban này không phải là một cơ quan ra quyết định và khuyến nghị này sẽ phải được cân nhắc bởi các Bộ trưởng Năng lượng của OPEC. Các bộ trưởng của OPEC+ dự kiến nhóm họp vào ngày 05-06/3/2020 và vẫn chưa quyết định tổ chức một cuộc họp sớm hơn.
Lời đề nghị của JTC đã vấp phải sự kháng cự từ Nga, các cơ quan truyền thông đưa tin. Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết vào ngày thứ Sáu rằng nước này cần thêm thời gian để phân tích thị trường dầu mỏ và sẽ làm rõ lập trường của mình về việc cắt giảm sâu hơn vào tuần tới. Ông Novak cũng dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ giảm 150,000-200,000 thùng/ngày trong năm nay do dịch bệnh bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, theo tin từ CNBC.
Những nhận định của ông Novak được đưa ra khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào ngày thứ Sáu xác nhận hơn 31,000 ca nhiễm virus ở nước này, với hơn 630 người tử vong. Dịch bệnh này cũng tiếp tục lan ra ngoài Trung Quốc đại lục.
Nga, một nhà sản xuất dầu thô chủ chốt và là một thành viên của OPEC+, đang cân nhắc các biện pháp để ổn định giá dầu ngoài việc cắt giảm sản lượng hiện tại, với dự báo virus sẽ làm tổn hại lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất.
Sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 01/2020 giảm 470,000 thùng/ngày xuống 29.08 triệu thùng/ngày, một cuộc thăm dò của Platts cho thấy. Cuộc thăm dò cũng cho biết sự cắt giảm từ Ả-rập Xê-út và Libya đã khiến sản lượng của OPEC rớt xuống thấp nhất trong 4 tháng.
Ngoài ra, dữ liệu từ Baker Hughes trong ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 1 giàn lên 676 giàn trong tuần này. Trong khi đó, tổng số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ không thay đổi ở mức 790 giàn.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 3 tiến 1.7% lên 1.5239USD/gallon và tăng 1.3% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 lùi 1.3% xuống 1.6433 USD/gallon, nhưng vẫn tăng 0.9% trong tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 hạ 0.2% xuống 1.858 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 0.9%.
An Trần
FILI
|