Thứ Ba, 25/02/2020 13:19

Giải cứu tuyến đường sắt 'đắp chiếu' Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân?

Dừng triển khai từ năm 2011, dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân nằm đắp chiếu gần 10 năm nay. Dự án đang đứng trước bài toán làm tiếp hay dừng lại.

* Số phận của dự án đường sắt hơn 7.000 tỷ đồng sẽ ra sao?

* Khẩn trương thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Giải cứu tuyến đường sắt ‘đắp chiếu’ Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân?
Ga Cái Lân xây dựng xong từ năm 2014 nhưng vẫn để không. Ảnh: Huy Lộc

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định phương án triển khai dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân theo hướng tiếp tục, dừng hoặc kết thúc.

Được chấp thuận triển khai từ năm 2004, tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân có tổng mức đầu tư dự án 7.665 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Mục tiêu sau khi hoàn thành, tàu không phải chạy ngược từ ga Yên Viên (Hà Nội) lên Kép (Bắc Giang) để tới Hạ Long (Quảng Ninh) với hành trình 7 giờ 30 phút như hiện nay nữa, mà rút ngắn thời gian chạy tàu từ Yên Viên tới Hạ Long còn 1,5 - 2 tiếng với tàu khách, 3 - 4 tiếng với tàu hàng.

Dự án dự kiến hoàn thành năm 2011, nhưng thực hiện theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, nên tới nay vẫn dang dở và tạm đình hoãn. Trong văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng, dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập cho đời sống người dân sinh sống trong vùng quy hoạch dự án, gây khiếu kiện kéo dài.

Cũng trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị sớm khôi phục lại dự án hoàn thành trong thời gian sớm nhất hoặc nếu dừng thì hoàn trả lại mặt bằng để nhân dân ổn định cuộc sống.

Không chỉ Quảng Ninh, Hải Dương, gần 10 năm qua, Bộ GTVT vẫn đang loay hoay tìm hướng xử lý hàng nghìn tấn vật tư, thiết bị có giá trị hàng trăm tỉ của dự án đang để không, hoen rỉ, xuống cấp trầm trọng. Trước đó, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án sử dụng số ray, ghi, tà vẹt… vào các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Tuy nhiên, liên Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì hàng nghìn tấn vật tư, thiết bị thừa này là tài sản công và chỉ được thanh lý sau khi dự án kết thúc.

Dự án ‘đội’ thêm vài nghìn tỉ đồng

Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân đã ngừng triển khai từ năm 2011. Tới năm 2015, dự án đã được đánh giá lại, tính toán nhu cầu vốn cần bổ sung để tiếp tục triển khai. Bộ cũng đã đề xuất vốn cho dự án trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhưng do không cân đối được vốn nên dự án vẫn chưa thể khởi động trở lại.

“Chính phủ vừa yêu cầu đánh giá lại dự án, nên Bộ đang giao cho Viện chiến lược giao thông vận tải và Ban quản lý dự án đường sắt nghiên cứu tính toán tổng nhu cầu vốn để Chính phủ xem xét khả năng cân đối vốn, báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay. Nếu kịp có thể giao cho kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai dự án trở lại,” ông Đông cho biết.

Trả lời câu hỏi dự án đã ngừng trệ khá lâu, hiệu quả cũng giảm sút do tính kết nối không cao, bị cạnh tranh với đường bộ cao tốc cùng tuyến, theo ông Đông, dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân phù hợp chung với quy hoạch mạng lưới đường sắt toàn quốc, cũng như phù hợp với nhu cầu vận tải cần thiết có tuyến này.

“Tuyến đường sắt này sẽ phải cạnh tranh khá gay gắt với đường bộ song song cùng tuyến, tuy nhiên, đối tượng phục vụ chủ yếu là hàng hoá, kết nối vận chuyển hàng vào cảng biển Cái Lân. Nếu so về chi phí, vận chuyển tàu hàng sẽ rẻ hơn nhiều so với vận chuyển hàng hoá bằng xe container trên đường bộ”, ông Đông nhìn nhận.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, sẽ tính toán kỹ về khối lượng còn lại phải triển khai, ước tính kinh phí, có thể phân kỳ làm từng đoạn để đẩy nhanh kết nối tới cảng Cái Lân. Hiện, tuyến đường sắt này đã hoàn thiện đoạn 5 km từ Hạ Long - Cái Lân nhưng phải sử dụng tuyến đường sắt cũ để kết nối.

Trước đó, năm 2015 khi tính toán lại dự án lần đầu, Bộ GTVT đã ước tính dự án cần thêm 6.000 tỉ đồng bên cạnh 4.556,4 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được bố trí. Để hoàn thành dự án, tổng mức đầu tư đã tăng lên 10.556 tỉ đồng so với 7.665 tỉ được phê duyệt năm 2004, do thay đổi về giá nguyên vật liệu, nhân công, kinh phí giải phóng mặt bằng...

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có tổng chiều dài 131 km (trong đó có 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ); điểm đầu dự án từ tim ga Yên Viên và điểm cuối là bãi xếp dỡ của cảng Cái Lân. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án thành phần, vận hành độc lập.

Chủ đầu tư trước đây của dự án (Cục Đường sắt Việt Nam) đã triển khai ký hợp đồng với các nhà thầu để cung cấp vật tư thiết bị (ray, ghi, tà vẹt, các loại phụ kiện liên kết đồng bộ) từ năm 2007 - 2009, dự án đã chi phí khoảng hơn 4.200 tỉ đồng.

Mai Hà

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất được 'giải cứu'? (25/02/2020)

>   Xem xét kiến nghị chuyển 4 xã của huyện Bình Chánh lên thị trấn (21/02/2020)

>   Công ty Nhật Bản sẽ tư vấn TP.HCM kéo dài tuyến metro số 1 (21/02/2020)

>   TP.HCM xây 10 cầu vượt bộ hành trên xa lộ Hà Nội nối các ga metro (21/02/2020)

>   Số phận của dự án đường sắt hơn 7.000 tỷ đồng sẽ ra sao? (21/02/2020)

>   Cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ: Thiệt hại không chỉ hàng chục triệu đô (21/02/2020)

>   Huế sẽ có mô hình thành phố trong thành phố khi trực thuộc trung ương (20/02/2020)

>   'Thành phố phía đông' trong tương lai của TP.HCM đã có những gì? (20/02/2020)

>   Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: Từ cấp bách sang ì ạch (20/02/2020)

>   TP.HCM xin hướng dẫn thành lập 'thành phố phía đông' (20/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật