Dệt may, da giày lo thiếu nguyên liệu
Nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam phải phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đang lo lắng khi dịch viêm phổi cấp do vi rút Corona tiếp tục lan rộng.
* Lo virus corona, Trung Quốc xuống nước nhờ Mỹ nới lỏng thỏa thuận thương mại?
* NHNN: Hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do virus Corona
* Các hãng hàng không và công ty du lịch ‘run rẩy’ trước virus corona
Dệt may được coi là một trong các ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng bởi dịch viêm phổi do phụ thuộc nguyên phụ liệu. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam phải phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đang lo lắng khi dịch viêm phổi cấp do vi rút Corona tiếp tục lan rộng.
Không có nguyên phụ liệu sản xuất
Thời điểm để tổ chức lại
“Nếu dịch không dập tắt được trong 2 tháng tới, kinh tế toàn cầu, Trung Quốc, VN đều gặp khó khăn vô cùng. Tuy nhiên, với VN, tôi cho đây là cơ hội lớn để tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác. DN Việt hãy chọn cách làm như DN Thái, DN Ấn Độ hay Indonesia, giảm tỷ lệ phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng nêu ý kiến: Hiện tại lượng lớn lao động người Trung Quốc làm việc tại VN (sang VN bằng visa du lịch và ở lại làm việc) đang bị “mắc kẹt” tại quê nhà. Đây là cơ hội kiểm đếm lại lao động nước ngoài tại VN, xem lại có cần thuê chuyên gia, công nhân nước ngoài không hay sử dụng lao động trong nước.
|
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM, cho biết nguyên liệu đặc biệt là hóa chất trong ngành nhựa cao su Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, tới hơn 70%. Hiện lượng nguyên liệu của Công ty Đức Minh đủ sản xuất trong 1 tháng nữa. Nếu sau 1 tháng nữa, phía đối tác Trung Quốc vẫn chưa cung cấp được nguyên liệu thì buộc lòng doanh nghiệp (DN) phải nhập từ Nhật và Hàn Quốc với giá cao hơn 15 - 20%. “Sản xuất sẽ rất khó cạnh tranh nếu không nói là khó có lãi được, vì các đơn hàng đã có giá cả ký trước từ cuối năm ngoái”, ông Quốc Anh thông tin.
Với ngành da giày, sự phụ thuộc còn lớn hơn. Cơ sở chuyên may túi xách trên đường Trần Văn Đang (Q.3, TP.HCM) cũng đặt mua nguyên phụ liệu gồm da công nghiệp, dây kéo, khóa, xi… từ Trung Quốc. Thường hàng nhập về Quảng Ninh rồi đối tác tự chuyển hàng vào TP.HCM. Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ cơ sở, lo lắng: “Ngày 2.2 xưởng khai trương đầu năm nhưng không còn một miếng da để làm vì trước tết đã làm hết sạch. Nghỉ tết lại không muốn đặt hàng lưu kho sợ công tác phòng cháy chữa cháy không bảo đảm vì xưởng không có người… Nếu trong tuần này, nguyên phụ liệu mới không về kịp, sang tuần sau chúng tôi không thể sản xuất được”.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Tổng giám đốc Công ty giày Liên Phát (Bình Dương), cho biết công ty đã ký được đơn hàng gia công đến tháng 8 năm nay nên nguyên phụ liệu cũng chuẩn bị sẵn trong vòng 2 - 3 tháng. Khó khăn của công ty là một số chuyên gia người Trung Quốc về quê ăn tết, hiện không sang Việt Nam được vì lệnh cấm ra nước ngoài gây không ít khó khăn cho DN.
“Chúng tôi chủ yếu mua nguyên phụ liệu các loại từ Quảng Châu nhưng nguồn hàng sản xuất đến từ nhiều thành phố khác của Trung Quốc. Nếu dịch viêm phổi cấp Corona vẫn kéo dài thì việc cung ứng hàng hóa, vận chuyển… sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Hiện tại chưa thể nói gì nhiều hơn, nhưng phải theo dõi thường xuyên để có giải pháp kịp thời ứng phó, trong trường hợp xấu nhất là tạm ngưng sản xuất hoặc giãn sản xuất ra”, bà Liên chia sẻ.
Giới bán áo quần may sẵn trước nguy cơ “ngồi không”
Tỉnh Hồ Bắc hiện là thủ phủ của ngành ô tô, dệt may, thép, hóa dầu… của Trung Quốc nhưng đã khuyến cáo các công ty sản xuất không hoạt động lại cho đến ngày 14.2, và có khả năng hoạt động một cách hạn chế sau đó do lo sợ dịch viêm phổi cấp lan rộng. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến cung ứng nguồn nguyên phụ liệu cho các nhà sản xuất thế giới, trong đó có Việt Nam. Công ty cổ phần dệt may M. tại Q.Gò Vấp mới khai trương trở lại ngày 3.2 nhưng số nguyên phụ liệu hiện có chỉ đủ cho công nhân sản xuất trong vòng 2 tuần, sau đó chưa biết thế nào. Chủ DN này thông tin, nhà cung cấp từ Trung Quốc cho biết một số công ty sản xuất hàng nguyên phụ liệu may mặc vẫn cho công nhân kéo dài kỳ nghỉ tết để tránh lây lan dịch cúm từ Vũ Hán (Trung Quốc).
Một số thương nhân kinh doanh tại chợ An Đông cho biết hàng hóa đưa về bán tết đã hết, ra tết lẽ ra phải đánh tiếp hàng về mới có bán. Nhưng hiện các hộ kinh doanh hàng may mặc từ Trung Quốc đang có xu hướng “ngồi chơi xơi nước” là chính. Trong khi đó, mỗi ngày tại chợ An Đông, chi phí thuê sạp và thuế phí mất trung bình 2 triệu đồng/sạp. Nhắm mắt cũng thấy lỗ nếu tình trạng “bế quan tỏa cảng” kéo dài. Tại chợ Tân Bình, chủ sạp áo quần sỉ Hồng Diệu cho hay thương nhân kinh doanh áo quần may sẵn tại các chợ đầu mối đã và đang gặp khó khăn vì không thể đặt hàng từ Quảng Châu về do các xưởng bên đó ngưng sản xuất vì dịch bệnh, công nhân may về quê ăn tết chưa quay lại làm. Bà Diệu nói: “Mọi năm mùng 10 phải đặt hàng rồi, đến rằm tháng giêng có ít nhất 3 - 4 kiện hàng về bán đầu năm. Năm nay chắc chắn cả chợ ngồi không hết tháng giêng này”.
Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán SSI
(SSI Research) vừa có báo cáo phân tích đánh giá tác động của dịch vi rút Corona tới các nhóm ngành, trong đó nhấn mạnh 10 ngành có ảnh hưởng tiêu cực là ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không.
Vừa có chuyến đi thực tế tại một số nhà máy sản xuất và xuất khẩu linh kiện điện tử phía bắc, chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, cho biết nhiều nhà máy đang sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Thông quan hàng hóa bị đình trệ, nhiều khu công nghiệp lớn của Trung Quốc tạm ngưng sản xuất, không thể có nguồn hàng kịp về Việt Nam. Thế nên ảnh hưởng từ vi rút Corona tác động lớn đến Việt Nam từ nhiều chiều, không chỉ câu chuyện nguyên vật liệu. Nhiều ngành sản xuất gia công xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trong tháng 2 và tháng 3 tới.
Mai Phương
Thanh niên