Công ty Mỹ chế xong vắcxin COVID-19, chuẩn bị thử nghiệm trên người
Công ty công nghệ sinh học Moderna Therapeutics của Mỹ đã tạo ra được vắcxin ngừa virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19, chỉ 42 ngày sau khi Trung Quốc công bố bộ gen của chủng virus này.
* Trung Quốc sản xuất thành công vắc xin uống ngừa virus Corona
* Nhóm nghiên cứu Hồng Kông chế được vắc xin vi rút viêm phổi Vũ Hán
Văcxin của Moderna Therapeutics giống như một chương trình phần mềm cho cơ thể, giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch - Ảnh: TIME
|
Tạp chí Time ngày 25-2 đưa tin lô vắcxin (vaccine) đầu tiên của Moderna Therapeutics - có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts - đã được gửi đến Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID), một phân viện của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH). Quá trình thử nghiệm trên người có thể bắt đầu ngay từ đầu tháng 4-2020.
Loại vắcxin mới được chế tạo trong thời gian kỷ lục 42 ngày do dựa trên phương pháp gen mới không cần phải nuôi cấy một lượng lớn virus.
Thay vào đó, vắcxin được tạo ra từ mRNA, một vật liệu gen từ DNA có khả năng tạo ra protein. Moderna Therapeutics đã đưa vào vắcxin mới những mRNA được mã hóa cho protein của virus corona chủng mới.
Sau khi vắcxin được tiêm vào cơ thể, các tế bào miễn dịch trong hạch bạch huyết sẽ xử lý mRNA và bắt đầu tạo ra protein giúp các tế bào miễn dịch khác nhận diện virus để tiêu diệt.
Chủ tịch Moderna Therapeutics, tiến sĩ Stephen Hoge, cho biết mRNA giống như một phần mềm sinh học. "Vì vậy, vắcxin của chúng tôi giống như một chương trình phần mềm cho cơ thể, từ đó tạo ra các protein có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch" - ông Hoge nói. Điều đó có nghĩa là phương pháp vắcxin này có thể nhanh chóng được nhân rộng và tiết kiệm thời gian.
Cùng lúc, các nhà khoa học tại NIH cũng bắt đầu thử nghiệm thuốc chống virus Remdesivir, từng được phát triển để điều trị Ebola, cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Trước đây, thử nghiệm trên động vật đã cho thấy thuốc Remdesivir có hiệu quả chống lại hai chủng virus corona nguy hiểm gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
TRẦN PHƯƠNG
Tuổi trẻ