Thứ Tư, 26/02/2020 11:38

Có nên mua vàng thời điểm này?

Sau khi chạm đỉnh 7 năm tại mức giá 50 triệu đồng/lượng, giá vàng đảo chiều giảm hơn 8%, xuống còn khoảng 46 triệu đồng/lượng. Liệu đây là nhịp chỉnh bình thường hay đà tăng giá của vàng đã kết thúc?

* Sóng vàng đảo chiều 'quét sạch' túi nhà đầu tư

Có nên mua vàng thời điểm này?
Mua vàng trong ngắn hạn có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Ngọc Thắng

Chốt lãi, giá đảo chiều

Mở cửa phiên giao dịch sáng 26.2, giá vàng miếng SJC giảm thêm 400.000 đồng/lượng so với chiều 25.2. Giá mua của Tập đoàn DOJI còn 46,1 triệu đồng/lượng, bán ra 46,6 - 46,8 triệu đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giảm giá vàng miếng 400.000 - 500.000 đồng/lượng, mua vào còn 46 triệu đồng/lượng, bán ra 47 triệu đồng/lượng. Dù giá bán giảm mạnh, nhưng mức chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn duy trì 1 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, vàng giảm thêm 10 USD/ounce so với chiều 25.2, còn 1.640,6 USD/ounce. Đây là ngày thứ 3 trong tuần, giá vàng thế giới tăng giảm mạnh trong biên độ khoảng 35 USD/ounce. Quy đổi, giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới từ 800.000 đến 1 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân giá vàng giảm sau khi các nhà phân tích tại TD Securities (ngân hàng đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Canada) lưu ý rằng, sự tăng giá kéo dài và chạm sát mức 1.700 USD/ounce là ngưỡng cản khá mạnh. Tại vùng giá này, các nhà đầu tư đổ xô chốt lãi khiến kim loại quý đảo chiều.

Trong phiên giao dịch ngày 25.2, một điểm cần phải chú ý là rất hiếm khi vàng sụt giảm cùng với các cổ phiếu trên phố Wall. Các cổ phiếu giảm khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, việc lây lan Covid-19 ở Mỹ là "không thể tránh khỏi", và cảnh báo người Mỹ chuẩn bị cho sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày, dẫn đến việc bán cổ phiếu và mua trái phiếu hàng loạt.

Nhưng một số người đã nhìn thấy sự sụt giảm của vàng tích cực. Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết giống như trong hầu hết các xu hướng tăng giá, “pullback” (đảo chiều) là tín hiệu tốt sau khi vàng tăng nóng. Xét về đồ thị kỹ thuật, giá trượt về mức 1.650 USD/ounce có thể được xem là cơ hội mua.

“Nếu một mức 1.650 USD/ounce được giữ vững, vàng có thể không đấu tranh quá lâu để phá vỡ mức 1.700 USD/ounce trong thời gian tới", chuyên gia này nhận định.

Về các yêu tố vĩ mô, những lo ngại về sự lây lan của virus Corona chủng mới (Covid-19) trên khắp châu Á và bây giờ là châu Âu và Mỹ dẫn đến một đợt bán tháo mạnh các tài sản rủi ro, khiến các nhà đầu tư tìm mua trái phiếu. Và vàng thường cũng là một kênh trú ẩn khá an toàn trong “mùa bão Covid-19”.

Thực tế giao dịch cho thấy, với mức giảm khá sâu, Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã thực hiện mua vào 6,15 tấn vàng, tăng lượng vàng nắm giữ lên 940,09 tấn.

Vàng đảo chiều sau khi chạm mốc kỷ lục 50 triệu đồng/lượng. Ảnh: Ngọc Thắng

Dài hạn có thể tăng tiếp

Cho dù dịch bệnh do Covid-19 gây ra có được kiểm soát thì theo đánh giá, nền kinh tế trên toàn cầu sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, mức tổn thất do Covid-19 sẽ cao gấp 3 - 4 lần dịch SARS, lên tới khoảng 160 tỷ USD. Với GDP của Việt Nam, nếu dịch được khống chế trong quý 1/2020 sẽ tăng 6,25%; trường hợp xấu hơn, dịch được khống chế trong quý 2 thì GDP chỉ tăng có 5,96%.

Như vậy, để GDP năm 2020 đạt được mức tăng 6,8% theo mục tiêu đặt ra là vô cùng khó khăn. “Hàn thử biểu” đo sức khoẻ của toàn nền kinh tế - chỉ số Vn-Index đã “bay” gần 100 điểm kể từ mốc 1.010 sau khi dịch bùng phát. Cùng với sự đình đốn của xuất khẩu, sản xuất kinh doanh… rõ ràng, vàng vẫn còn khá nhiều cơ hội đối với các nhà đầu tư dài hạn.

Dự báo của nhiều tổ chức lớn trên thế giới cho rằng, nhiều khả năng vàng vẫn có thể vượt mức 1.700 USD/ounce.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc đầu tư vào vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trao đổi với Thanh Niên, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, có hai yếu tố chính dẫn tới vàng trong nước tăng giá thời gian qua, một là giá vàng thế giới và hai là yếu tố tâm lý. Điều đó chứng minh ngay khi chạm mốc 50 triệu đồng/lượng, vàng đã đảo chiều nhanh chóng và giảm rất mạnh.

Trong xu hướng dài hơi hơn, theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước, vẫn có những dự báo giá vàng sẽ tăng, song đó chỉ là dự báo và người dân cần thận trọng bởi những bất ổn trên thế giới đang diễn ra hết sức khó lường.

“Về cung - cầu vàng miếng trên thị trường hoàn toàn không có gì đột biến, bất thường. Vàng tăng đơn thuần chỉ do giá thế giới và yếu tố tâm lý tác động, ngay sau đó đã đảo chiều giảm mạnh. Ngân hàng nhà nước hoàn toàn đủ khả năng để can thiệp giữ ổn định thị trường”, ông Hưng khẳng định.

Theo chuyên gia kinh tế PGS - TS Ngô Trí Long, thời điểm này mua vàng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn.

“Vàng đảo chiều giảm nhưng đã tăng mạnh khoảng 20% kể từ đầu năm đến nay. Theo quy luật, khi giá tăng cao thì rủi ro càng lớn. Đó là chưa kể hiện còn tình trạng làm giá, thổi giá lên quá cao”, ông Long khuyến cáo.

Anh Vũ

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Giá vàng ngày 26/2: 'Bão' tiếp tục đổ, vàng giảm sâu (26/02/2020)

>   Sóng vàng đảo chiều 'quét sạch' túi nhà đầu tư (26/02/2020)

>   Vàng thế giới đảo chiều giảm hơn 1.5% (26/02/2020)

>   Khóc ròng vì mua vàng giá đỉnh (25/02/2020)

>   Tiệm vàng ở Hà Nội quá tải vì người dân đổ xô đi bán vàng (25/02/2020)

>   Giá vàng ngày 25/2: Giảm mạnh sau phiên tăng điên loạn, nhiều nhà đầu tư 'vỡ mộng' (25/02/2020)

>   Vàng tăng điên loạn, phá đỉnh kỷ lục (25/02/2020)

>   Vàng thế giới vọt gần 2% lên cao nhất kể từ tháng 02/2013 (25/02/2020)

>   Vàng lên 49 triệu đồng/lượng, đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại (24/02/2020)

>   Nhà đầu tư sẽ ấm lòng nếu nghe lời khuyến nghị mua vàng từ Ray Dalio và Mark Mobius từ trước (24/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật