Biến động cổ đông lớn tại VCP
Trong thời gian đầu năm 2020, CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Năng lượng Vinaconex (UPCoM: VCP) ghi nhận nhiều diễn biến liên quan tới sở hữu của cổ đông lớn.
Loạt cổ đông lớn thoái vốn, Quỹ đầu tư cơ hội PVI nâng sở hữu lên gần 41%
Vào ngày 10/02/2020, Quỹ đầu tư cơ hội PVI đã gom 3.9 triệu cp tương đương với việc sở hữu gần 24% vốn của VCP. Cũng trong ngày đó, CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất đã bán ra 3.9 triệu cp VCP, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10% xuống còn 3.16% (tương ứng 1.8 triệu cp). Vì cùng khối lượng khớp lệnh, có khả năng là 2 đơn vị này đã chuyền tay nhau số cổ phiếu trên.
Sau đó, ngày 14/02/2020, ĐHĐCĐ bất thường của VCP đã thông qua việc Quỹ đầu tư cơ hội PVI được nâng sở hữu mà không cần chào mua công khai.
Trong 2 ngày 17 và 18/02/2020, Quỹ đầu tư cơ hội PVI đã thành công gom thêm hơn 9 triệu cp VCP, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 40.88% (tương ứng 23.3 triệu cp).
Chưa hết, ngày 19/02/2020, VCP xuất hiện 2 cổ đông lớn gồm nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Tuấn Anh khi mua gần 11.5 triệu cp, tương ứng 20.16% vốn và tổ chức là Đầu tư Châu Á Thống Nhất mua 8 triệu cp, sở hữu 14.04% vốn (tổ chức này đã bán hết 1.8 triệu cp VCP trước khi mua 8 triệu cp).
Ở chiều ngược lại, bên bán có thể là 3 cổ đông lớn Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG), CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Mundus và CTCP Đầu tư VSD với tổng lượng cổ phiếu đã bán ra gần 25 triệu cp, tương đương với 44% vốn tại VCP nhằm cơ cấu lại khoản đầu tư.
Theo thông tin mới nhận thì Tổng Công ty Sông Đà cũng đăng ký đấu giá thoái vốn hơn 3.9 triệu cổ phần VCP với giá khởi điểm không thấp hơn 44,988 đồng/cp và giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp trước ngày công bố thông tin bán cổ phần. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào ngày 25/03/2020.
Như vậy, hiện cơ cấu cổ đông lớn của VCP đã có sự thay đổi đáng kể với 75% vốn đã thuộc về Quỹ đầu tư cơ hội PVI, Đầu tư Châu Á Thống Nhất và ông Nguyễn Tuấn Anh.
Thủy văn không thuận lợi, VCP báo lãi ròng quý 4 giảm hơn 39%
Kết quả kinh doanh năm 2019 của VCP
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4 của VCP
|
Trước khi có sự biến động mạnh trong cơ cấu cổ đông lớn, VCP khép lại một năm kinh doanh không như ý. Theo BCTC hợp nhất quý 4/2019, doanh thu thuần của Công ty đạt gần 95 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó giá vốn hàng bán tăng cao chiếm gần 47 tỷ đồng, tăng 40.4% làm cho lợi nhuận gộp Công ty giảm hơn 53%, đạt gần 48 tỷ đồng.
Theo giải trình, ngành sản xuất kinh doanh chính của Công ty là sản xuất điện năng, chủ yếu dựa vào sự biến đổi khí hậu và thời tiết. Nhưng do điều kiện thủy văn trong quý 4/2019 không thuận lợi cho công tác phát điện so với cùng kỳ năm 2018 nên sản lượng điện giảm đáng kể. Khép lại quý 4, lãi ròng VCP đạt 39.2 tỷ đồng, giảm hơn 39%.
Lũy kế cả năm 2019, Công ty thu về 491.6 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ hơn 4% so với năm trước. Lãi ròng của Công ty đạt gần 221 tỷ đồng, giảm 6%.
Tại ngày 31/12/2019, VCP ghi nhận tài sản ở mức 1,586 tỷ đồng, giảm gần 10% so với đầu năm. Vì ngành sản xuất chính là điện nên tài sản cố định của Công ty chiếm tỷ trọng lớn, đạt 1,432 tỷ đồng chiếm hơn 90%.
Nợ phải trả của Công ty ghi nhận ở mức gần 621 tỷ đồng, giảm hơn 29% so với đầu năm 2019. Trong đó, nợ dài hạn chiếm hơn 65%, đạt gần 401 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu đã điều chỉnh sau bước nhảy vọt năm 2019
Tuy không duy trì được tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh nhưng giá cổ phiếu VCP lại có bước nhảy vọt trong năm 2019, đặc biệt thời điểm 2 tháng cuối năm. Kết năm 2019, cổ phiếu VCP đạt mức giá gần 58,000 đồng/cp, tăng gần 85% so với đầu năm.
Hiện tại cổ phiếu VCP đã có sự điều chỉnh trở lại, đóng cửa phiến 20/02/2020, giá cổ phiếu của VCP đang ở mức 52,000 đồng/cp, giảm 19% từ đỉnh đạt được vào giữa tháng 11/2019. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 20,300 cp/phiên trong một năm trở lại đây.
VCP cũng dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE hoặc HNX vào quý 2 hoặc quý 3/2020.
Diễn biến giá cổ phiếu của VCP trong một năm trở lại đây
|
Tố Diệp
FILI
|