BIDV muốn đấu giá hơn 1,265 tỷ đồng nợ của Vinaxuki
Khoản nợ hơn 1,265 tỷ đồng của doanh nghiệp từng ôm giấc mơ về sản phẩm ô tô "made in Việt Nam" đang được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) rao bán.
Ngày 20/02/2020, BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Vinaxuki Thái Nguyên) với tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/09/2019 của 2 Công ty này tại BIDV hơn 1,265 tỷ đồng.
BIDV cho biết giá khởi điểm đấu giá khoản nợ trên sẽ bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên.
Theo đó, tài sản đảm bảo cho khoản nợ hơn nghìn tỷ này là quyền sử dụng đất tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội với tổng diện tích đất gần 138,815 m2 cùng với máy móc thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Mê Linh. Ngoài ra còn có quyền khai thác mỏ quặng Antinmon và dây chuyền tuyến quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút và tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.
Vinaxuki là cái tên gắn liền với đại gia Bùi Ngọc Huyên đã từng theo đuổi giấc mơ về "ngành công nghiệp bốn bánh made in Việt Nam" một thời.
Từ năm 2009, Vinaxuki bắt đầu thực hiện đầu tư. Toàn bộ dự án có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, trong đó có 300 tỷ được lấy ra từ lợi nhuận sản xuất lắp ráp xe tải, Chính phủ đồng ý cho vay ưu đãi 250 tỷ đồng và huy động thêm từ một số nguồn khác.
Tuy nhiên, số tiền 250 tỷ đồng vay ưu đãi, dù được Chính phủ đồng ý nhưng chưa giải ngân được. Vinaxuki lúc đó phải vay vốn từ ngân hàng thương mại để đầu tư và hy vọng khi giải ngân số vốn vay ưu đãi sẽ bù vào. Nhưng đến năm 2015 số tiền này vẫn không giải ngân được. Trong khi với số vốn vay thương mại Vinaxuki phải chịu lãi suất cao từ 20-27%/năm.
Năm 2010, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra. Hàng nghìn ôtô tải lắp ráp xong để đấy vì ế ẩm, giá xe giảm dẫn đến lợi nhuận giảm dần. Cho đến 2012, Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng. Đây cũng là lúc Vinaxuki hoàn thành giai đoạn nghiên cứu sản xuất xe con với mục tiêu nội địa hoá trên 40%. Đầu tư xong 13 nhà máy đặt tại nhiều tỉnh, thuê các kỹ sư nước ngoài về chuyển giao công nghệ. Làm ra một mẫu xe 8 chỗ và 2 mẫu xe 5 chỗ. Chạy thử thành công và chuẩn bị đưa vào sản xuất. Đúng lúc đó thì các ngân hàng đồng loạt cắt vốn lưu động. Sang 2013 bị nợ quá hạn, từ đó không được vay vốn để tiếp tục sản xuất.
Theo kế hoạch một năm Vinaxuki trả 50 tỷ đồng lãi suất cho ngân hàng nhưng thực tế lãi suất vọt lên chỉ trong 3-4 năm. Đến 2010 và 2012 kế hoạch tài chính bị phá vỡ. Dòng tiền dự định để trả lãi suất ở mức 150 tỷ đồng, nhưng trên thực tế lãi suất cao vọt nên đẩy lên 450 tỷ đồng. Vinaxuki hết vốn làm ăn.
Đến hết năm 2014, nợ của Vinaxuki tại 4 ngân hàng lên đến 1,600 tỷ đồng, hơn 17 tỷ đồng tiền thuế và gần 10 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Năm 2015, Vinaxuki đã phải rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, thậm chí bán phần lớn phế liệu, phụ tùng, máy móc để duy trì lương công nhân.
Trong cùng ngày, BIDV cũng thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và DNTN Như Ý với giá khởi điểm hơn 934 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khoản nợ của DNTN Như Ý gần 652 tỷ đồng và Công ty TNHH Việt Can gần 283 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho DNTN Như Ý là tổng diện tích đất ODT hơn 81,955 m2 (gồm 118 nền), tổng diện tích đất SXKD gần 76,510 m2 (gồm 23 nền) và tổng diện tích đất GD-ĐT gần 785 m2 (gồm 1 nền).
Tài sản bảo đảm cho Công ty TNHH Việt Can là tổng diện tích đất ODT hơn 12,766 m2 (gồm 6 nền), tổng diện tích đất SXKD là 16,237 m2 (gồm 2 nền), tổng diện tích đất GD-ĐT là 16, 439 m2 (gồm 2 nền), tổng diện tích đất cơ quan, sự nghiệp hơn 12,534 m2 (gồm 1 nền), tổng diện tích đất trụ sở hơn 7,284 m2 (gồm 1 nền).
|
Khang Di
FILI
|