Thứ Bảy, 04/01/2020 09:08

Vì sao hai cựu phó chánh văn phòng UBND TP.HCM bị bắt giam?

Việc khởi tố, bắt tạm giam hai cựu phó chánh văn phòng UBND TP.HCM là động thái mới nhất của cơ quan chức năng trong tiến trình điều tra các sai phạm tại công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và các đơn vị liên quan tại TP.HCM.

* Nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM bị bắt để điều tra vụ án liên quan 'đại gia' Diệp Bạch Dương

Chiều nay (3/1), Cơ quan CSĐT, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM) và Lê Tôn Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao), để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Cả 3 bị can Kim Phát, Tôn Thanh và Văn Thanh bị bắt tạm giam trong vụ án xảy ra tại Cty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và các đơn vị liên quan tại TP.HCM.

Ba bị can Kim Phát, Tôn Thanh và Văn Thanh

Như vậy tính đến nay, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can. Trong đó, Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Cty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM), Trần Nam Trang (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính TPHCM), Nguyễn Thành Rum (cựu nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao), Vy Nhật Tảo (cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM) và 3 bị can vừa bị bắt tạm giam. 7 bị can này bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tối nay (3/1), một nguồn tin cho phóng viên Tiền Phong hay, Cơ quan điều tra vừa gia hạn điều tra lần 3 vụ án kể trên, thời gian gia hạn là 4 tháng.

Nguồn tin này cũng cho hay, Cơ quan điều tra đã di lý bị can Bạch Diệp ra tạm giam tại Trại giam T16, Bộ Công an (Hà Nội) để phục vụ điều tra.

Trả lời phóng viên Tiền Phong cũng trong đêm 3/1, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TPHCM) – một trong 3 luật sư bào chữa cho bị can Lê Thị Bạch Diệp xác nhận, ông vừa có buổi làm việc với thân chủ tại trại giam.

Bà Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, quê gốc Bình Định) nhưng sinh ra, học hành, lập gia đình và làm việc tại Hải Phòng. Sau năm 1975, bà vào Nam bắt đầu lập nghiệp và từng bước được biết đến là đại gia bất động sản.

Cty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương có vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ đồng, trong đó bà Diệp chiếm 57,54% vốn, phần còn lại 42,46% là của Nguyễn Thị Châu Hà-con gái bà Diệp.

'Đại gia' Dương Thị Bạch Diệp

Theo thông tin ban đầu, bà Diệp và 7 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan tới việc quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM) với Cty Diệp Bạch Dương và các cơ quan liên quan. Việc này gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Trong số 8 bị can trong vụ án này, có bị can "dính" trong các vụ án khác. Đó là cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài. Vào ngày 30/12/2019, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an, đã hoàn tất Kết luận điều tra, chuyển Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ án khu "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. Trong vụ án này, ông Tài được xác định là chủ mưu, bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước”.

Bị can Nguyễn Thành Tài.
Bị can Lê Văn Thanh (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM) ngày tòa tuyên 4 năm tù trong vụ án 'đất vàng' 15 Thi Sách. Ảnh: Tân Châu

Bị can Lê Văn Thanh (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM) vừa bị bắt tạm giam hôm nay (3/1), là người mà hôm 31/12/2019, TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm, phạt 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Vụ án này liên quan đến khu "đất vàng" 15 Thi Sách, quận 1, TPHCM.

Đáng lưu ý là vụ án xảy ra tại Cty Bạch Diệp, ngoài 8 bị can đã bị bắt tạm giam, đến nay công an vẫn đang truy nã cựu Giám đốc Sở Tài chính TPHCM bà Đào Thị Hương Lan.

Cụ thể vào ngày 18/1/2019, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố bị can đối với bà Đào Thị Hương Lan. Trong Quyết định khởi tố bà Lan, Cơ quan điều tra cho rằng, bà này đã có hành vi chỉ đạo, tham mưu, đề xuất UBND TPHCM chấp thuận cho Cty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương hoán đổi với tài sản Nhà nước trái với Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Cựu Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Đào Thị Hương Lan đang trốn nã.

Bà Đào Thị Hương Lan bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cơ quan CSĐT, Bộ Công an cũng ra Lệnh khám xét nhà bà Đào Thị Hương Lan tại quận 2, TPHCM. Lệnh bắt bị can Đào Thị Hương Lan, Lệnh bắt tạm giam ban hành vào đầu năm 2019 này, thời hạn bắt tạm giam theo Lệnh bắt giam là 4 tháng. Các Quyết định, Lệnh bắt giam, Khám xét nhà nguyên Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Đào Thị Hương Lan được chuyển cho VKS cùng cấp phê chuẩn.

Tuy nhiên sau đó, bà Đào Thị Hương Lan đã bỏ trốn và Cơ quan điều tra đã ban hành Quyết định truy nã. Lệnh truy nã này vẫn đang còn hiệu lực.

Tân Châu

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Dân mua nhà đất trong 2 dự án 12.000 tỉ của Vũ 'nhôm': Xử lý sao? (03/01/2020)

>   Vụ thâu tóm công sản Đà Nẵng: Đề nghị triệu tập cựu Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (02/01/2020)

>   Đại án Vũ 'nhôm': Hai cựu Chủ tịch TP.Đà Nẵng ra tòa (02/01/2020)

>   Đất vàng 8-12 Lê Duẩn lọt vào tay tư nhân như thế nào? (02/01/2020)

>   Nhiều sai phạm tại dự án trị giá hơn 700 tỉ đồng (02/01/2020)

>   Hà Nội chưa kiểm tra việc bán nhà ở xã hội cho người giàu (31/12/2019)

>   Bộ trưởng Xây dựng: 'Đã đủ pháp lý quản condotel' (31/12/2019)

>   Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín bị tuyên phạt 7 năm tù (31/12/2019)

>   Bị cáo Nguyễn Hữu Tín kiến nghị 'bịt' lỗ hổng công sản (31/12/2019)

>   Bi kịch mua phải dự án ma (31/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật