Thị trường ôtô 2020: Vẫn là ẩn số!
Thị trường ôtô ngoại trong năm 2020 có điều kiện để hồi sinh và ngành sản xuất ôtô trong nước cũng có nhiều động lực để phát triển.
Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô; dự kiến áp dụng từ năm 2020.
Cởi trói cho xe nhập khẩu
Theo đó, ôtô nhập khẩu có thể sẽ được kiểm tra theo kiểu, loại thay vì theo lô, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đáng lưu ý, thời gian hoàn thiện thủ tục nhập khẩu cho một lô xe có thể giảm từ 45 ngày còn 7 ngày.
Cuộc chiến giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước ngày càng khốc liệt. Ảnh: Nguyễn Hải
|
Còn trong dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung Thông tư Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô nhập khẩu do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo, một nội dung rất quan trọng được đề cập là miễn, giảm thử nghiệm đối với các kiểu, loại có 3 mẫu thử nghiệm của 3 lô hàng nhập khẩu liên tiếp cùng kết cấu. Trường hợp cơ sở nhập khẩu có kiểu, loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu thì được miễn nộp các tài liệu quy định của thông tư này.
Chưa hết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu ôtô về 0% sau 9-10 năm cũng khiến sức cạnh tranh của các dòng xe nguồn gốc châu Âu tăng dần lên. Cơ hội cho xe ngoại vào thị trường Việt Nam còn thuận lợi hơn khi chỉ sau 5 năm, kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng của EU, tức khi nhập vào Việt Nam, không cần qua bước chứng nhận nữa. Thậm chí, ngay cả khi hiệp định chưa có hiệu lực thì "tâm lý kỳ vọng" vẫn tác động không nhỏ đến giá xe và nhu cầu mua xe của người tiêu dùng.
Với những động thái chính sách trên, các đại lý ôtô dự báo xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ về nước nhanh, nhiều và giá hấp dẫn hơn. Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ một hệ thống đại lý ôtô tại TP HCM, nhìn nhận năm 2020, người tiêu dùng sẽ đặc biệt quan tâm và kỳ vọng vào chính sách giảm giá xe nhập khẩu nên nhu cầu lựa chọn xe nhập sẽ lớn hơn xe lắp ráp trong nước. Từ đó, các đại lý có thể định hướng tăng doanh số xe ngoại.
Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, cho rằng phần lớn khách hàng chuộng xe nhập khẩu bởi chất lượng cao và ổn định. Do đó, không khó hiểu nếu thị trường xe ngoại nhập sôi động trở lại với chủng loại đa dạng, số lượng lớn và mức giá hợp lý khi được tạo điều kiện thông thoáng.
Đại diện các hãng xe Ford, Toyota, Honda thừa nhận thời gian qua, nhiều mẫu xe nhập khẩu không đủ cung cấp ra thị trường. Sắp tới, nếu điều kiện được nới lỏng, các hãng sẽ điều chỉnh tăng lượng xe nhập để đáp ứng nhu cầu.
DN sản xuất lo lắng
Giai đoạn ôtô hóa sẽ diễn ra sau năm 2020 và thị trường ôtô Việt Nam được dự báo đạt quy mô 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Dư địa thị trường rất lớn và cơ hội chia đều cho các nhà sản xuất, nhập khẩu. Đầu tư để cạnh tranh được với xe nhập trong bối cảnh mở cửa thị trường là không hề dễ dàng song các chính sách giảm thuế có thể tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp (DN) nội.
"Đầu tư vào dây chuyền để sản xuất đủ số lượng, hạ giá thành luôn là bài toán đau đầu. Chúng tôi mong chờ chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo hướng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được miễn thuế TTĐB với linh kiện sản xuất trong nước. Cùng với chính sách giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô về mức 0%, giảm thuế TTĐB cũng góp phần giảm giá xe nội" - một DN kỳ vọng.
Tuy nhiên, DN này vẫn tỏ ra lo lắng trước các đối thủ trong khối ASEAN - nơi có lượng xuất khẩu ôtô lớn sang Việt Nam. Chỉ cần các điều kiện nhập khẩu được tháo gỡ, hai nước xuất khẩu ôtô lớn là Thái Lan và Indonesia sẵn sàng hạ giá để đưa xe vào Việt Nam. Chưa kể, xe sản xuất tại Thái Lan, Indonesia có chi phí thấp hơn tại Việt Nam khoảng 20% cũng là áp lực lớn lên các dây chuyền của DN nội.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam (Hyundai Thành Công), cho rằng do phải đối mặt với nhiều khó khăn nên kế hoạch tăng trưởng doanh số năm 2020 không đáng kể, từ khoảng 80.000 xe năm 2019 lên khoảng 90.000 xe năm 2020. "Không chỉ dừng ở dự báo, cuộc chiến giữa ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước với xe nhập khẩu chắc chắn sẽ ngày càng khốc liệt. Thực tế, xe nhập có nhiều lợi thế và ngay từ năm 2019 đã lấn át xe trong nước" - ông Đức nói.
Trước sức ép cạnh tranh, Hyundai Thành Công buộc phải nghĩ đến biện pháp ứng phó nhằm giữ thị phần. DN này cho biết sẽ rà soát chặt chẽ chi phí sản xuất để tối ưu hóa giá thành và lợi nhuận. Ngoài ra, DN cũng phối hợp với đối tác Hyundai để bổ sung các tính năng cho sản phẩm mới nhằm tăng sức cạnh tranh.
"Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành những chính sách liên quan đến công nghiệp hỗ trợ gắn liền với ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Năm 2020 là mốc cần thiết để đưa ra những chính sách đó, nếu không, sẽ vụt mất cơ hội xây dựng ngành công nghiệp xương sống" - ông Lê Ngọc Đức bày tỏ.
Thị trường cuối năm cũ ì ạch
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán hàng toàn thị trường trong tháng 11-2019 tăng 3% so với tháng trước nhưng giảm 3% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 11-2019, doanh số xe bán ra tăng 14% so với cùng kỳ và không đạt mong đợi.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá xe trong nhiều tháng qua giảm liên tục, nhất là trong tháng cuối năm 2019 nhưng vẫn không thu hút được người mua. Tồn kho xe có xu hướng đẩy qua năm 2020, song khả năng tiêu thụ không khả quan. Thậm chí, nhu cầu tiêu thụ xe hơi được dự báo sẽ chạm đáy vào khoảng tháng 2 đến tháng 4-2020, nên giá các mẫu xe cũ sẽ còn giảm nhiều hơn.
|
Thùy Dương - Nguyễn Hải
Người Lao Động
|