Tên lửa bay, chứng khoán rớt, dầu - vàng lên giá
Theo quy luật, khi có nguy cơ chiến tranh, vàng và dầu luôn được tiếp sức tăng giá trong khi giá chứng khoán 'mỏng manh, dễ vỡ'. Tuy nhiên, diễn biến này kéo dài bao lâu tùy vào sức nóng của cuộc đối đầu.
* Ông Trump: 'Không có thương vong nào, Mỹ sẽ tăng trừng phạt kinh tế với Iran'
* Iran - nỗi bất ổn mới của nhà đầu tư năm 2020
* Xung đột Mỹ - Iran có ảnh hưởng kinh tế Việt Nam?
Giá vàng tăng nhưng giao dịch vàng miếng không có đột biến. Người dân chủ yếu mua sắm vàng nữ trang như những ngày thường - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
|
May mắn là ở thị trường trong nước, dù giá vàng có tăng nóng nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và người dân cũng chẳng mấy ai lo phải đi mua vàng như trước.
Giá vàng vượt 1.600 USD/ounce
Sau khi Iran nã tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, giá vàng thế giới đã tăng thêm 34,7 USD/ounce chỉ sau một đêm, lên mức đỉnh 7 năm qua: 1.605 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng lên 45 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, đến cuối ngày 8-1, giá vàng thế giới đã đảo chiều, rơi xuống mức 1.582 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 44,3 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC cũng giảm 300.000 đồng/lượng, xuống 44,5 triệu đồng/lượng. Giá bán ở các tiệm vàng cũng giảm nhanh, từ 45 triệu đồng/lượng xuống 44,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán ở mức 500.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 200.000 đồng/lượng. Riêng giá vàng nhẫn bốn số chín SJC loại 1, 2 chỉ chênh lệch không đáng kể so với giá vàng miếng, bán ra ở mức 44,55 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng nhưng ghi nhận trên thị trường cho thấy nhu cầu mua vàng để cất giữ hay lướt sóng không đột biến. Cũng không có cảnh xếp hàng mua vàng hay giá vàng nhảy loạn xạ như trước, mà giá mua bán tại các tiệm vàng bám khá sát với giá niêm yết tại Công ty SJC.
Ở chiều bán ra, giao dịch cũng không sôi động do nhiều người có vàng đã đổ ra bán thời điểm giá vàng tăng mạnh giữa năm 2019, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được đẩy lên cao trào.
Chứng khoán cứ thế đỏ sàn
Thị trường chứng khoán toàn cầu một phen chao đảo trước khi chặn đứng đà giảm. Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 8-1,
VN-Index giảm gần 10 điểm. Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), phiên giao dịch hôm nay 8-1 đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường bốc hơi 30.844 tỉ đồng, tương đương 1,34 tỷ USD so với phiên hôm qua.
Đồng thời, chỉ trong 5 phiên đầu tiên của năm mới 2020, vốn hóa của thị trường giảm hơn 2,49 tỷ USD (57.485 tỉ đồng). Sàn HNX cũng không khá khẩm hơn khi mất 1,09 điểm, còn 100,33 điểm. Chung hoàn cảnh, nhóm HNX30 hôm nay giảm 1,69 điểm, chỉ còn 176,85 điểm.
Trên thế giới, theo Financial Times, chỉ số S&P 500 mất đến 1,6% trước khi trở về mức giảm 0,2% chiều 8-1, giờ Việt Nam. Các chỉ số Dow giảm 0,31%, còn Nasdaq giảm 0,24% sau khi chứng kiến mức giảm hơn 1,5%.
Còn tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 giảm 0,4%, trong khi chứng khoán Đức giảm gần 1%.
Sau một ngày lao dốc, tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật chốt mức giảm 1,2%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,8%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cũng giảm 1%. Đây là các mức giảm cao nhất trong hai tuần qua của các thị trường chứng khoán.
Trong khi các nhà đầu tư trên thế giới đã đổ xô sang đầu tư vàng, giá dầu trên thế giới cũng tăng vọt trong ngày 8-1.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trấn an "mọi việc đều ổn" trước vụ tấn công của Iran, giá dầu thô giao sau trên thị trường Mỹ trở lại mức 62,9 USD/thùng, tăng 0,4%; giá dầu Brent trở lại mức 69,64 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu Brent có lúc tăng chạm mốc 71,75 USD/thùng. Các chuyên gia lo ngại nếu căng thẳng leo thang có thể đẩy giá dầu Brent lên đến 75 USD/thùng hoặc hơn.
"Tùy vào hành động tiếp theo của Iran hoặc sự trả đũa của Mỹ, giá dầu có thể giữ ở mức này hoặc vượt hơn 80 USD/thùng" - chuyên gia Iman Nasseri của Công ty tư vấn năng lượng PGE nhận định.
Ngày 8-1, Reuters cũng dẫn lời tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo cho biết các cơ sở dầu mỏ của Iraq đã được đảm bảo an toàn, và hoạt động sản xuất dầu mỏ tại quốc gia vùng Vịnh này vẫn diễn ra bình thường.
Đầu tư: trung thành với đất, chứng khoán
Biến động này liệu có ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư ở trong nước, dẫn đến chuyển dịch xu hướng đầu tư?
Các chuyên gia nhận định trong ngắn hạn, giá vàng có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, trong trung hạn, yếu tố kinh tế không hỗ trợ giá vàng tăng, nhất là khi thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ đã đến rất gần. Do vậy, nếu xung đột giữa Mỹ - Trung và Mỹ - Iran được kiểm soát, giá vàng thế giới khó tăng phi mã như nhiều nhận định.
Mặt khác, giá vàng hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc chiến Mỹ - Iran, vì thế có thể đảo chiều rất nhanh. Biên độ biến động giá cũng rất rộng, chênh lệch giữa giá mua - bán cũng khá xa. Do vậy, người dân cần lưu ý đến yếu tố này nếu muốn đầu tư vàng ở thời điểm này. Vàng có còn hấp dẫn nhà đầu tư trong nước?
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, nhiều người đang đầu tư bất động sản và chứng khoán khó rời trận địa quen thuộc của họ để chuyển sang vàng.
Lý do, mức tăng 17% trong năm 2019 và 3% trong tuần đầu tháng 1-2020 của vàng tuy có cao hơn gửi tiết kiệm nhưng chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư chứng khoán. Còn nhà đầu tư bất động sản vẫn cảm thấy nắm nhà đất "êm" hơn vàng.
Kiểu gì cũng khó!
Khu vực sản xuất dầu Soroush ở vịnh Ba Tư, phía nam thủ đô Tehran của Iran - Ảnh: Reuters
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã làm ảnh hưởng lớn đến tiềm lực kinh tế của Iran nói chung và quan hệ thương mại Việt Nam và Iran nói riêng, bởi sự hạn chế khả năng thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Đó là nhận định của Bộ Công thương bởi theo bộ này, hiện hàng hóa giao dịch giữa hai nước đều không nằm trong hàng hóa bị cấm vận và Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản sang Iran. Ngoài ra, sự căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Iran cũng sẽ tác động đến thị trường vàng, chứng khoán... trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Bộ Công thương cũng nhận định năm 2020, Trung Đông tiếp tục là khu vực tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn rất cao, tập trung những vấn đề xung đột, bạo lực và khủng hoảng có ảnh hưởng mang tính toàn cầu như khủng hoảng Syria chưa có hồi kết, xung đột Palestine - Israel, nguy cơ chiến tranh cận kề từ căng thẳng gia tăng tại eo biển Hormuz... và hiện nay là căng thẳng quân sự xảy ra giữa Mỹ và Iran.
Những biến động ở đây không chỉ tác động đến hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam với các nước thứ ba có liên quan chặt chẽ đến tình hình khu vực, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc...
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang, khả năng xảy ra chiến tranh là khá cao, càng khiến cho quan hệ thương mại bị hạn chế và khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu dầu mỏ của Iran, tiếp tục tác động đẩy giá dầu thế giới tăng.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu VN với khu vực Trung Đông ước đạt 13,4 tỉ USD. Về xuất khẩu ước đạt 7,5 tỉ USD, giảm 8,4% so với năm 2018. Về nhập khẩu ước đạt 5,9 tỉ USD, tăng 5,9% so với năm 2018. Các đối tác thương mại chính của Việt Nam là UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Kuwait, Israel...
Năm 2019, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, xuất khẩu vào Trung Đông chiếm 3% (giảm 8,4%); nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Trung Đông chiếm 2,4% (tăng 5,9%) so với năm 2018.
NGỌC AN
|
ÁNH HỒNG - TRẦN PHƯƠNG - BÔNG MAI
Tuổi trẻ