Tăng trưởng không chỉ là số lượng!
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng năm 2020, đặt ra mục tiêu không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn phải phát triển bền vững, chất lượng.
* Ông Trần Trương Mạnh Hiếu (KIS): “Tăng trưởng kinh tế sẽ là yếu tố quyết định của thị trường chứng khoán 2020”
* Quỹ Tundra: Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tiếp theo
* Việt Nam: Chu kỳ tăng trưởng kinh tế kéo dài
Năm "Kỷ cương, liêm chính…"
Phóng viên: Giới chuyên môn cho rằng năm 2020, Việt Nam nên đưa ra mức tăng GDP là 7% để tạo động lực phấn đấu, Phó Thủ tướng nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo kinh tế thế giới năm 2020-2021 sẽ có nhiều khả năng phục hồi, song tốc độ phục hồi yếu, tăng trưởng không thấp hơn năm 2019. OECD dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 tăng trưởng 2,9% (tương đương mức năm 2019) và năm 2021 tăng khoảng 3%.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Thành Chung
|
Trước tình hình kinh tế thế giới được dự báo là khó khăn như vậy thì việc cân nhắc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,8% cho năm 2020 là hợp lý. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8% là phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác, mục tiêu chúng ta hướng tới không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn phải phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
* Theo dự báo năm 2020, tình hình thế giới cũng như khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường như thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm; căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; giá vàng tăng cao, giá dầu thô biến động mạnh hay tình hình biển Đông vẫn có thể diễn biến rất phức tạp… Chính phủ sẽ có giải pháp gì để kịp thời ứng phó với tình hình bên ngoài, thưa Phó Thủ tướng?
- Quán triệt tinh thần kết luận của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định phương châm hành động của năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" với một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; điều hành hiệu quả các công cụ quản lý, điều tiết, bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ cấu lại nền kinh tế, tìm dư địa mới cho tăng trưởng; khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế số.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế…
Thu nhập bình quân đầu người vượt 3.000 USD
* Nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và thực thi, xin Phó Thủ tướng cho biết thách thức và cơ hội từ các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA?
- Đến nay, Việt Nam đã tham gia, đã ký kết và đang tiến hành đàm phán 17 FTA, trong đó có 130 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 13 hiệp định đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn (EVFTA), 1 hiệp định kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực và 24 hiệp định đang đàm phán.
Việc Việt Nam ký kết và tham gia hai FTA thế hệ mới và tiêu chuẩn cao CPTTP, EVFTA sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế. Cụ thể, đối với CPTPP, các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam. Đối với EVFTA, ngay khi có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU…
Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hút công nghệ nguồn; cơ hội về việc làm, thu nhập và phát triển bền vững khi CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 lao động. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.
Chính các FTA cũng tạo ra sức ép để chúng ta hoàn thiện thể chế kinh tế, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế... Chính phủ kỳ vọng khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa cả về lượng và chất.
* Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện vẫn ở mức cận giữa của các nước phát triển ở trình độ thu nhập trung bình thấp, vì thế cần tạo đột phá trong giai đoạn tới, thưa Phó Thủ tướng?
- Năm 2019, GDP bình quân đạt gần 2.800 USD/người, gấp 1,32 lần năm 2015, dự kiến đến năm 2020 sẽ vượt 3.000 USD, đạt mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 đã đề ra. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và phát triển con người là hai mặt của quá trình phát triển nền kinh tế. Theo Báo cáo Phát triển con người của UNDP, năm 2018 cho thấy tác động của tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến phát triển con người tốt hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu đến 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm khoảng 7%-7,5%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 khoảng 4.000-5.000 USD. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao thuộc nhóm dẫn đầu; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 7%-8,0%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt 8.000-9.000 USD/người.
Gọi tên Việt Nam
Điểm lại những thành quả của năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 7%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%; dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD. Đi kèm với đó là năng suất lao động tăng 5,9%; doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục với 134.000 doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại thế giới giảm thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam lần đầu tiên vượt 500 tỷ USD, cao hơn gần 4 lần so với bình quân của thế giới; Việt Nam đã được "gọi tên" trong nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới.
|
Thế Dũng thực hiện
Người lao động