SSI Research: Lãi suất TPCP có khả năng giảm tiếp trong năm 2020
Theo Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ của CTCK SSI, nhu cầu đầu tư TPCP mới để tăng tài sản có thanh khoản của các NHTM và xu hướng nới lỏng tiền tệ sẽ khiến lãi suất TPCP rất có thể sẽ giảm tiếp trong 2020 nhưng mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều so với 2019.
Lãi suất có bước giảm rất mạnh trong năm 2019 nhưng quy mô phát hành thu hẹp
KBNN chỉ đấu thầu 3 phiên trong tháng 12/2019 với tổng lượng phát hành là 9,858 tỷ đồng, tương đương 63.6% khối lượng chào thầu. Lãi suất trúng thầu của kỳ hạn 10 năm và 15 năm – 2 kỳ hạn được phát hành nhiều nhất gần như đi ngang. Tuy nhiên, trong phiên đấu thầu cuối cùng của năm, lãi suất trúng thầu giảm đồng loạt ở các kỳ hạn, đặc biệt kỳ hạn 5 năm xuống chỉ còn 2%/năm – giảm 37bps so với phiên trúng thầu gần nhất trước đó, các kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 3.48% và 3.65%/năm. Dù chỉ có một lượng nhỏ TPCP được phát hành (350 tỷ đồng) trong phiên này nhưng giúp ghi nhận chốt năm ở mức lãi suất trúng thầu rất thấp, tạo thuận lợi nhất định cho việc phát hành trong năm 2020.
Tính đến ngày 15/12/2019, vốn đầu tư công giải ngân khoảng 255,088 tỷ đồng, đạt 61.8% kế hoạch. Dù đã tăng khá mạnh từ tháng 11/2019 sau khi có nghị quyết 94/NQ-CP nhưng theo KBNN, giải ngân vốn đầu tư công đến hết 31/1/2020 (thời điểm kết thúc thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách 2019) cũng chỉ đạt khoảng 88% kế hoạch. Bởi vậy, KBNN cũng chủ động giảm lượng phát hành TPCP trong năm 2019.
Tính chung cả năm 2019, có 197,769 tỷ đồng TPCP được phát hành, tăng 19.3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, TPCP đáo hạn trong năm 2019 là khoảng 115 nghìn tỷ đồng, gấp 2.25 lần lượng đáo hạn trong năm 2018 nên lượng phát hành ròng 2019 giảm 27.7% so với 2018. Kỳ hạn bình quân của các trái phiếu phát hành tăng từ 12.15 năm lên 13.57 năm trong 2019 và lãi suất trúng thầu giảm tới 220bps ở kỳ hạn 5 năm và giảm từ 125-165bps ở các kỳ hạn còn lại.
Lãi suất TPCP rất có thể sẽ giảm tiếp trong 2020
Năm 2020 có khoảng 128 nghìn tỷ đồng TPCP đến hạn (gồm cả 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ) – cao hơn 11.6% so với 2019. Nhu cầu đầu tư TPCP mới để tăng tài sản có thanh khoản của các NHTM và xu hướng nới lỏng tiền tệ sẽ khiến lãi suất TPCP rất có thể sẽ giảm tiếp trong 2020 nhưng mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều so với 2019 và nằm trong khoảng 30-50bps do lượng cung từ KBNN dự kiến cũng tăng.
Xu hướng giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất TPCP trên sơ cấp khiến cho lợi tức TPCP ở thị trường thứ cấp tiếp tục giảm trong tháng 12. Chốt năm, lợi tức các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 1.36%/năm, 1.7%/năm, 1.91%/năm, 3.39%/năm, 3.57%/năm, 4.02%/năm và 4.44%/năm. Đường cong lợi tức dịch chuyển xuống một bước dài so với mặt bằng 2017, 2018.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 14 nghìn tỷ đồng TPCP trên thứ cấp, tập trung vào 9 tháng đầu năm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 2.26 triệu tỷ đồng, bình quân 9,024 tỷ đồng/phiên, tăng 3.5% so với năm 2018.
Diễn biến lợi tức trên thị trường thứ cấp thường đồng biến với thị trường sơ cấp nên vẫn có khả năng giảm trong năm 2020 nhưng mức giảm sẽ không lớn do mặt bằng lãi suất đã ở mức rất thấp. Chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm giữa Việt Nam và Mỹ hiện ở mức 1.49%/năm – thuộc vùng thấp nhất trong lịch sử.
Hàn Đông
FILI
|