PVD ước lãi ròng 88 tỷ đồng năm 2019, giảm 56% so với năm trước
Bộ phận phân tích của CTCK SSI (SSI Research) cho rằng kết quả chính thức của PVD nhiều khả năng sẽ cao hơn đáng kể so với kết quả sơ bộ.
Năm 2019, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HOSE: PVD) ước đạt doanh thu 4,500 tỷ đồng và lãi sau thuế ước khoảng 88 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 56% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Công ty vẫn vượt các chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong năm 2019 do mặt bằng đặt kế hoạch thấp.
Trong báo cáo gửi đến nhà đầu tư tối 07/01, bộ phận SSI Research đã giải thích về việc doanh thu năm 2019 của PVD giảm là do: (1) Doanh thu thương mại giảm; (2) thiếu việc làm cho giàn khoan PV Drilling 11. Trong khi đó, lợi nhuận giảm 53% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu hồi nợ xấu từ PVEP giảm, dẫn đến các khoản hoàn nhập dự phòng giảm, chỉ đạt 32 tỷ đồng trong năm 2019 so với 121 tỷ đồng vào năm 2018.
Đáng chú ý, SSI Research cũng đưa ra quan điểm nhiều khả năng kết quả chính thức của PVD sẽ cao hơn đáng kể so với kết quả sơ bộ kể trên.
Năm 2019, giá dầu Brent duy trì ổn định ở mốc trung bình 60 USD/thùng. Với mức giá này, thị trường khoan đã trở nên bận rộn hơn, các nhà thầu dầu khí đã tự tin triển khai thêm các chiến dịch khoan dài hạn. Tuy vậy, tình hình cạnh tranh rất gay gắt do thị trường khoan thế giới và khu vực tiếp tục dư cung. Đơn giá cho thuê giàn dù có dấu hiệu tăng theo đà tăng của giá dầu nhưng vẫn ở mức thấp. Sự gia tăng chính sách bảo hộ doanh nghiệp địa phương tại các nước có tăng trưởng trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí như Malaysia, Indonesia đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí hoạt động, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của PV Drilling.
Phía PVD cho biết cả 4 giàn tự nâng (PV DRILLING I, PV DRILLING II, PV DRILLING III và PV DRILLING VI) đều đang thực hiện các hợp đồng dài hạn tại Malaysia. Do đó, để phục vụ nhu cầu khoan trong nước, PVD đã tiến hành thuê lại giàn khoan tự nâng HAKURYU-11 của Japan Drilling (JDC) và giàn IDUN của Borr Drilling thực hiện các chiến dịch khoan của đối tác kể từ tháng 11/2019.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Kế hoạch phát triển thị trường năm 2020
Theo PVD, Công ty đã chốt được hợp đồng khoan cho hầu hết các giàn khoan tự nâng đến cuối 2020, đầu năm 2021 với giá cho thuê có chuyển biến tích cực. Trong năm 2020, doanh nghiệp này kỳ vọng nhu cầu giàn khoan sẽ gia tăng và giá cho thuê giàn được cải thiện.
Tại thị trường trong nước, Ban lãnh đạo PVD đang theo sát tiến độ dự án tại mỏ Cá Voi Xanh, dự án Lô B- Ô Môn. Tổng giám đốc PVD Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, trong thời gian này, PVD chủ động xem xét các phương án hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác để gia tăng số lượng, chủng loại giàn khoan nhằm mở rộng thị trường, cũng như nghiên cứu phương án thuê/mua giàn khoan, thay giàn cũ bằng giàn mới để đảm bảo tính cạnh tranh.
Bên cạnh thị trường trong nước, PVD đang tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài. Doanh nghiệp này đã đặt văn phòng đại diện tại các thị trường truyền thống như Myanmar, Thái Lan, Malaysia và chuẩn bị mở chi nhánh tại Brunei nhằm theo dõi và tìm kiếm các cơ hội việc làm mới.
SSI Research dự phóng PVD có thể đạt doanh thu 5,270 tỷ đồng và lãi ròng 212 tỷ đồng trong năm 2020, tương ứng các mức tăng trưởng 17% và 140% so với năm 2019 nhờ vào các giả định:
- Công suất giàn khoan JU đạt 95% vào năm 2020 (so với 90% vào năm 2019).
- Giàn khoan thuê lại Harukyu-11 sẽ hoạt động từ quý 4/2019 - quý 3/2020, trong khi giàn khoan Idun sẽ do Hoàng Long JOC thuê vào quý 1/2020.
- Giá thuê trung bình sẽ là 64,500 USD trong 2020, tăng 12% so với năm 2019.
- Các dịch vụ kỹ thuật khác ước tính đạt tăng trưởng doanh thu từ 5-10%, nhờ khối lượng công việc cho các giàn khoan JU tăng (bao gồm các giàn thuộc sở hữu của PVD và các giàn cho thuê).
Thừa Vân
FILI
|