Nữ tỉ phú giàu nhất châu Phi 'kiếm chác' từ Angola như thế nào?
Đài BBC ngày 19-1 dẫn các tài liệu rò rỉ về đế chế kinh doanh của tỷ phú Isabel dos Santos tiết lộ rằng người phụ nữ giàu nhất châu Phi này đã làm giàu nhờ tham nhũng và bóc lột chính đất nước của bà.
Nữ tỉ phú giàu nhất châu Phi Isabel dos Santos - Ảnh: GETTY IMAGES
|
Bà Santos đã tiếp cận các hợp đồng sinh lợi liên quan đến đất đai, dầu mỏ, kim cương và viễn thông trong thời gian cha bà, ông José Eduardo dos Santos, làm tổng thống Angola (1979-2017), một quốc gia ở khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên thuộc miền nam châu Phi.
Các tài liệu đài BBC có được, hầu hết là từ tổ chức Bảo vệ Người thổi còi tại châu Phi (PPLAAF), cho thấy bà Santos cùng chồng được phép mua các tài sản nhà nước có giá trị bằng những thỏa thuận rất đáng ngờ.
Có tổng cộng 37 tổ chức truyền thông bao gồm đài BBC, tờ Guardian (Anh) và tờ Expresso của Bồ Đào Nha đã vào cuộc điều tra các tài liệu của PPLAAF.
Ông Andrew Feinstein, đứng đầu tổ chức Corruption Watch, nói rằng các tài liệu trên cho thấy cách mà bà Santos đã bóc lột đất nước của chính mình như thế nào.
"Mỗi lần bà ta xuất hiện trên bìa của một số tạp chí ở đâu đó trên thế giới, mỗi lần bà ta tổ chức một trong những bữa tiệc sang trọng của mình ở miền nam nước Pháp, bà ta đều làm được nhờ chà đạp lên khát vọng của người dân Angola" - ông Feinstein nói.
ICIJ gọi tài liệu này là Vụ rò rỉ Luanda (The Luanda Leaks).
Đài BBC cho biết một trong những thỏa thuận đáng ngờ nhất liên quan đến một công ty con tại Anh của công ty dầu mỏ nhà nước Angola là Sonangol. Bà Santos được giao quản lý công ty Sonangol vào năm 2016 nhờ một sắc lệnh từ tổng thống Santos.
Tài liệu cho thấy trước khi rời Sonangol vào năm 2017, sau khi cha bà nghỉ hưu và không làm tổng thống Angola nữa, bà Santos đã phê duyệt khoảng thanh toán đáng ngờ trị giá 58 triệu USD cho công ty tư vấn Matter Business Solutions ở Dubai.
Bà Santos nói rằng bà không có lợi ích tài chính tại công ty Matter nhưng tài liệu rò rỉ cho thấy quản lý kinh doanh của bà là người điều hành Matter và công ty tư vấn này thuộc sở hữu của một người bạn của bà.
Bà Santos cùng chồng Sindika Dokolo thường xuất hiện tại các liên hoan phim với các ngôi sao nổi tiếng thế giới - Ảnh: GETTY IMAGES
|
Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) và đài BBC cũng phát hiện các chi tiết mới về các thỏa thuận kinh doanh góp phần làm nên sự giàu có của bà Santos.
Phần lớn tài sản của bà có được nhờ sở hữu cổ phần công ty năng lượng Bồ Đào Nha Galp, một trong những công ty mà bà Santos đã mua cổ phần thông qua Sonangol vào năm 2006. Khi mua số cổ phần này, bà Santos chỉ phải trả trước 15% số tiền và phần còn lại được chuyển thành những khoản vay lãi suất thấp tại Sonangol.
Cổ phần của nữ tỉ phú tại Galp hiện nay trị giá hơn 750 triệu euro (khoảng 832 triệu USD). Một công ty của bà Santos đã đề nghị hoàn trả các khoản vay tại Sonangol vào năm 2017.
Lẽ ra lời đề nghị này đã bị từ chối do không bao gồm khoản nợ lãi suất gần 9 triệu euro. Tuy nhiên tại thời điểm này, bà Santos đang phụ trách Sonangol nên bà đã chấp nhận lời đề nghị này như khoản thanh toán đầy đủ cho các khoản nợ của bà.
Bà Santos đã bị sa thải 6 ngày sau đó và ban quản lý mới của Sonangol đã trả lại khoản thanh toán trên.
Bà Santos nói rằng bà đã khởi xướng việc mua cổ phần của Galp và Sonangol cũng đã kiếm lời từ thỏa thuận này.
Điều tương tự cũng xảy ra trong ngành công nghiệp kim cương. Chồng bà Santos, ông Sindika Dokolo, đã ký một thỏa thuận một phía với công ty kim cương nhà nước Angola là Sodiam vào năm 2012.
Theo đó, họ là đối tác 50-50 trong một thỏa thuận mua cổ phần của công ty kim hoàn xa xỉ De Grisogono của Thụy Sĩ.
Dù vậy, các tài liệu cho thấy 18 tháng sau thỏa thuận, Sodiam đã trả tới 79 triệu USD trong khi ông Dokolo chỉ bỏ ra 4 triệu USD. Ngoài ra, Sodiam cũng đã thưởng cho ông Dokolo 5 triệu euro (khoảng 5,5 triệu USD) vì đã đứng ra môi giới cho thỏa thuận này. Như vậy, ông Dokolo vẫn có cổ phần của De Grisogono nhưng không phải bỏ ra đồng nào.
Bà Santos nói với đài BBC rằng bà không thể bình luận về thỏa thuận kim cương trên vì bà không phải là cổ đông của De Grisogono. Dù vậy, theo các tài liệu rò rỉ, các cố vấn tài chính của bà Santos đã mô tả bà là một cổ đông của nhà kim hoàn Thụy Sĩ này.
Ngoài ra, bà Santos cũng đã có nhiều thỏa thuận mua đất của nhà nước với giá rất hời cũng như kiếm được lợi nhuận từ ngành viễn thông ở Angola nhờ vào sự sự giúp đỡ từ cha bà.
Bà Santos nói rằng những cáo buộc chống lại bà là hoàn toàn sai lầm và cho rằng đó là một cuộc vạch lá tìm sâu có động cơ chính trị của chính phủ Angola.
Hiện tại con gái của cựu tổng thống Santos đã đến Anh sinh sống và sở hữu các tài sản đắt tiền tại trung tâm London. Các nhà chức trách Angola đang mở một cuộc điều tra hình sự chống lại bà với cáo buộc tham nhũng và đã đóng băng các tài sản của bà Santos tại nước này.
ANH THƯ
Tuổi trẻ