Những doanh nhân truyền cảm hứng
LTS: Những doanh nhân hiện diện trên Doanh nhân dù kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau nhưng họ chính là những người “thắp lửa” cảm hứng cho những doanh nhân thế hệ tiếp nối.
Ông Phạm Nhật Vượng - Vingroup: Hiện thực hóa giấc mơ make in Vietnam
Không chỉ dừng lại ở slogan “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng với Vingroup đang viết tiếp giấc mơ Make in Vietnam và ngày càng khẳng định vị thế của một doanh nghiệp công nghệ- công nghiệp – dịch vụ hàng đầu.
Dồn lực cho VinFast và VinSmart, vị doanh nhân sinh năm 1968 đã ghi dấu ấn tại thị trường Việt Nam và nước ngoài với 3 mẫu xe ô tô được giao đến tay khách hàng, 8 mẫu điện thoại thông minh Vsmart và 5 mẫu smart TV. Đồng thời chính thức điền tên Việt Nam vào danh sách những quốc gia khi có thể tự sản xuất thiết bị 5G. Các lĩnh vực khác như bất động sản, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục,… của tập đoàn cũng được ông dẫn dắt và ngày càng phát triển. Mới đây, Vinpearl Air – mảnh ghép mới, nhân tố mới - cũng cho thấy nỗ lực mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm/dịch vụ của tập đoàn.
Với vị doanh nhân này, làm được một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chứ không phải riêng Vingroup.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk: Niềm tự hào sữa Việt-công thức việt phù hợp với thể trạng người Việt
Là người phụ nữ nữ tính, chân chất, giản dị nhưng trong kinh doanh, “Nữ tướng” của Vinamilk mang phong cách lãnh đạo “QUYẾT ĐOÁN – DÂN CHỦ - TUÂN THỦ”.
Hơn 40 năm gắn bó, điều bà Mai Kiều Liên tự hào nhất về Vinamilk không phải là những danh hiệu mà là Vinamilk đã xây dựng được thương hiệu sữa của Việt Nam khi tự chủ được từ nguyên liệu chăn nuôi, quy trình sản xuất, phân phối đến những công thức sữa. Để rồi, thay vì phải làm sữa hoàn toàn thủ công thì bây giờ đã rất nhiều nhà máy tự động hoá và Vinamilk đã viết nên câu chuyện sữa Việt-công thức Việt- phù hợp với thể trạng người Việt.
Ở phương diện cá nhân, dấu ấn của bà tại Vinamilk là tư tưởng đổi mới, sáng tạo, khả năng hoạch định chiến lược đúng đắn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết người lao động để cống hiến vì mục tiêu chung đưa công ty phát triển.
Dưới sự dẫn dắt của “người đàn bà sữa” Vinamilk đi được từ con số zero sơ khai đến một công ty tự chủ được hết và đang đứng trong top 50 công ty sữa trên thế giới.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC): Điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim
Nụ cười rộng mở, phong thái tự tin, khoáng hoạt, lúc nào trong ông cũng toát ra sức hút mạnh mẽ bởi một bản lĩnh cương cường và tầm nhìn nhạy bén.
Luôn nhấn mạnh vai trò tiên phong của doanh nhân để vượt qua thách thức, ông Đặng Văn Thành cho rằng: “Doanh nhân là sự phân công của xã hội, lý tưởng kinh doanh phải thấm vào trong máu, đó là luôn phải nghĩ làm sao để tạo giá trị gia tăng cho xã hội, cho khách hàng, cho nhân viên, cho nhà đầu tư và cho ngân sách Nhà nước. Nếu doanh nhân không giải mã được 5 chức trách đó sẽ khó tồn tại.
Vẫn lý tưởng đó, ông nhấn mạnh: Đã là doanh nhân, phải chịu trách nhiệm sinh mạng chính trị của ngành nghề, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, trách nhiệm với đồng vốn của rất nhiều người vất vả lắm nhưng có thú vị của nó. Đó là khát vọng của doanh nhân, nếu giải mã được nó sẽ giúp ích rất nhiều cho xã hội, nếu có tâm thế và khát vọng, chúng ta sẽ vượt qua tất cả.
Đồng hành cùng vị «thuyền trưởng», tập đoàn Thành Thành Công cũng có nhiều bước tiến mạnh mẽ, xây dựng thương hiệu ở 5 ngành kinh doanh trụ cột: mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, giáo dục.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải: Người biến ước mơ xuất khẩu ôtô việt thành sự thật
Sẻ chia, giúp nhau hướng về một tương lai tốt hơn luôn được ông Dương tâm niệm trong nghiệp kinh doanh của mình.
Từ chỗ dựa vào ô tô và phát triển cơ khí, Thaco đang chuyển mình, mở rộng hoạt động sang cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí máy công nghiệp. Hướng đi này cũng vô cùng thuận lợi nếu xét trên cơ sở vật chất mà Thaco đã đầu tư bấy lâu cho ngành cơ khí tại Chu Lai.
Ngày 28-12, lô xe buýt 15 chiếc mang thương hiệu thuần Việt Thaco Bus được xuất khẩu sang Philippines giúp thỏa giấc mơ người Việt có thể làm ra và đưa chiếc xe của mình ra thế giới. Hiện, THACO dẫn đầu thị trường ôtô Việt Nam với doanh số trên 90.000 xe/ năm và thị phần trên 30%. THACO Chu Lai đã có tên trên bản đồ sản xuất, lắp ráp ôtô của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, được xem là Trung tâm liên kết Công nghiệp ôtô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc tốp đầu trong khu vực ASEAN.
Là người đứng đầu Thaco với tầm nhìn dài hạn, có khát vọng phát triển vì mục đích tốt đẹp của đất nước, tỷ phú Trần Bá Dương đã trở thành cảm hứng cho nhiều người khởi nghiệp và những người trong giới kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG: Hiện thực về một thành phố thông minh
Hơn 10 năm không ngừng mơ ước đến một Hà Nội hiện đại, sánh ngang với các thành phố tiên tiến trên thế giới, bà Nguyễn Thị Nga đã thực hiện được tâm huyết đó khi động thổ Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội vào tháng 10/2019 vừa qua. Điều đặc biệt ở chỗ, Dự án này không sao chép hình mẫu của bất cứ thành phố nào, mà sẽ là một dự án thật đẹp, áp dụng những công nghệ 4.0 mới nhất, cùng đem đến chất lượng sống mới cho người dân.
Tại lễ động thổ, nữ tướng BRG Nguyễn Thị Nga với một quyết tâm mãnh liệt đã cam kết với Thủ tướng “hoàn thành tiến độ từng giai đoạn, không sai một lời”.
Dù đưa ra lời hứa một cách chắc nịch nhưng rõ ràng, những thách thức mà người phụ nữ ấy phải đối mặt cũng không hề nhỏ bởi dự án có quy mô rất lớn, lĩnh vực bất động sản không những đòi hỏi nguồn vốn lớn mà còn liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp. Tuy nhiên, sự tự tin của bà Nga không hình thành ngẫu nhiên vì những lời hứa tương tự trước đây đã được bà thực hiện một cách trọn vẹn.
Là một trong những doanh nhân giàu có và thành công nhất Việt Nam, Madame Nga từng được tạp chí Forbes bầu chọn trong Top 50 Phụ nữ Quyền lực nhất châu Á, Top 10 người quyền lực nhất làng golf châu Á năm 2017, Top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam theo bình chọn của Tạp chí Forbes Việt Nam năm 2019, Top 20 doanh nhân tiêu biểu nhất năm 2019, Người có tầm ảnh hưởng nhất châu Á trong lĩnh vực gôn”, Giải vàng Doanh nhân lĩnh vực gôn châu Á - Thái Bình Dương,…
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: Thép vẫn là bánh mỳ của công nghiệp
Luôn khiêm nhường khi tự nhận “tôi bình thường hơn tất cả những người bình thường” nhưng doanh nhân Trần Đình Long đã làm được những điều vĩ đại khi vươn lên vị trí số 1 về thị phần trong làng thép xây dựng tại Việt Nam.
Chia sẻ về tương lai của ngành thép, vị tỷ phú nhiều năm đứng trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đầy lạc quan cho rằng thép vẫn được coi là bánh mì của công nghiệp và tại những nước công nghiệp hoá mới như chúng ta, nhu cầu thép vẫn còn tăng.
Định hướng của Hòa Phát từ trước tới nay không thay đổi, đó là trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam với thép là lĩnh vực cốt lõi. Thành tích của Hòa Phát, một phần bắt nguồn từ việc tập trung cao độ cho sản xuất kinh doanh. Và dưới sự dẫn dắt của thuyền trưởng Trần Đình Long, Hòa Phát như một chiếc xe lu, cứ thế tiến lên.
Bà Thái Hương - Nhà sáng lập tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á: Làm mẹ hay làm doanh nhân đều chăm chút bằng tấm lòng của người phụ nữ
Phát biểu tại Diễn đàn tri thức thế giới (World Knowledge Forum 2019) diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc) hôm 26/9, bà Thái Hương khi được tôn vinh với giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực đã xúc động chia sẻ rằng ở TH, sau thực phẩm, giờ chúng tôi tiến sang lĩnh vực giáo dục và sức khỏe, bệnh viện… đều là những thứ xuất phát từ sự lo lắng của một người mẹ dành cho con mình. Thế nên công việc nào cũng cho tôi niềm hạnh phúc và sự đam mê.
Tại Việt Nam, bà Thái Hương được coi là nhà kiến tạo cho sự thay đổi bản chất của ngành sữa Việt Nam, khi giúp thay đổi tỷ trọng sữa bột pha lại trên thị trường sữa từ 92% năm 2008 xuống chỉ còn 60% như hiện nay. Được coi là người “tìm ra chiếc chìa khóa vàng cho nông nghiệp Việt Nam”, bà đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm thực phẩm, sữa tươi sạch, hữu cơ.
Năm qua, TH được ghi nhận có nhiều đóng góp cho thị trường, là nhà sản xuất các sản phẩm từ sữa tươi sạch cao cấp vì sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, TH là nhà đầu tư Việt Nam vào Nga lớn nhất từ trước tới nay với dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao trị giá 2,7 tỷ USD. Tháng 10/2019 TH cũng là doanh nghiệp đầu tiên được
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu hai nhóm sản phẩm sữa.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời: Vẽ thương hiệu gạo trên bản đồ lúa gạo quốc tế
Mạnh dạn đầu tư lợi nhuận của mình trước để cho có cái thay đổi cục diện, diện trong sản xuất để có được sự bền vững trong ngành nông nghiệp, ông Thòn cùng Lộc Trời đã đồng hành cùng người nông dân với chiến lược “3 Cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Kết quả là mỗi một kỹ sư trẻ của Lộc Trời trở thành “sứ giả”, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân ngay trên đồng ruộng. Nhờ đó, ông Thòn cùng Lộc Trời được nông dân tin tưởng và ủng hộ trong suốt thời gian qua.
Là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế của SRP, ngày 23/7/2019 vừa qua, Tập đoàn đã đánh dấu mốc quan trọng trong sản xuất khi công bố việc nông dân Việt Nam sản xuất thành công hạt giống dưa hấu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán SSI; Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN: Thắp sáng tăng trưởng hữu cơ
Được biết đến là “ông trùm chứng khoán” với vai trò là chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), vài năm trở lại đây, người ta lại thấy ông bắt đầu mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh sang nông nghiệp.
Nông nghiệp là một ngành nhiều rủi ro khi đầu tư. Tuy nhiên, quan niệm đầu tư vào nông nghiệp không phải để làm thay người nông dân mà trở thành cầu nối giữa nhà tài chính, nhà khoa học, nhà nông nghiệp và nông dân. Chắp nối được những người đó với nhau đã trở thành công thức thành công của PAN thời gian qua.
Dưới sự dẫn dắt của ông Hưng, từ công ty chứng khoán tư nhân duy nhất và nhỏ nhất, SSI đã phát triển thần tốc, trở thành công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam sau gần 2 thập kỷ, với vốn điều lệ tăng hơn 800 lần, lên mức 5.100 tỷ đồng, tổng tài sản chạm mốc 1 tỷ đôla. Còn với PAN, nổi lên với nhiều điểm sáng đến từ các mảng kinh doanh bánh kẹo, giống cây trồng, nông nghiệp hữu cơ…
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC: Nhân tố mới trong cuộc chơi “Big four”
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại một năm nhiều biến động nhưng cũng có nhiều dấu ấn bất ngờ. Top những người giàu nhất có sự trở lại của ông Trịnh Văn Quyết với sự ra mắt của Bamboo Airways và FLCHomes.
Năm 2019 là một năm bận rộn của ông Trịnh Văn Quyết khi Bamboo Airways chính thức cất cánh. Trong năm đầu tiên, BamBoo đã mở 34 đường bay nội địa và quốc tế, thực hiện gần 20 nghìn chuyến bay, phục vụ gần 3 triệu lượt hành khách với tỷ lệ đúng giờ trung bình 94%, cao nhất ngành hàng không Việt Nam.
Với sự góp mặt của Bamboo Airways, đã mang lại cho thị trường hàng không Việt Nam một sự khởi sắc, một xu hướng vận động và phát triển tích cực với chất lượng dịch vụ ngày càng một tốt hơn.
Từ lâu, việc khai thác vận tải hàng không được định hình thành thế “chân vạc”, “kiềng ba chân” giữa Vietnam Airlines - Vietjet Air - Jestar Pacific. Dù thế “chân vạc” đã được định hình, nhưng với sự vào cuộc đầy mạnh mẽ của Bamboo Airways, sớm hay muộn, sẽ sớm chuyển thành cuộc chơi của 4 ông lớn - “big four”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VietJet Air: Tham vọng về hãng bay phục vụ một nửa dân số thế giới
CEO Vietjet đã quá quen mặt truyền thông và công chúng với những danh xưng như “người làm nên lịch sử trong ngành hàng không” hay “nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam”, nằm trong danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019” do Forbes bình chọn.
Bà Thảo đã làm nên kỳ tích khi trở thành người phụ nữ duy nhất trong lịch sử nước nhà khởi nghiệp và điều hành hãng hàng không thương mại của chính mình – Vietjet Air, nơi mà trước đó là sân chơi của riêng phái mạnh với khối tài sản 2,5 tỷ USD.
Vietjet Air, hãng hàng không thành lập năm 2007 hiện đã chuyên chở lượng khách nội địa nhiều hơn cả hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. “Chiến lược của chúng tôi là mở rộng mạng bay tới các thị trường trong bán kinh 2.500 dặm. Như thế chúng tôi có thể phát triển các căn cứ, từ đó phục vụ một nửa dân số thế giới”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ tham vọng của mình.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Thế giới di động: Khách hàng là số 1
Triết lý khách hàng là số 1 được chủ tịch Thế giới di động thường xuyên khẳng định nhất quán
từ 16 năm nay. Ông Nguyễn Đức Tài luôn đặt phương châm: Khách hàng là vị trí số 1, nhân viên là vị trí số 2, những người bỏ ra 1 tỷ USD đầu tư cổ phiếu là vị trí số 3.
Vị doanh nhân này cho biết những thứ Thế giới đi động đang làm có vẻ ngược ngạo với sách vở, ngược ngạo với các thứ đang chạy ngoài kia. Để đánh nhân viên, người ta nhìn vào doanh số bán hàng, còn Thế giới di động nhìn vào sự hài lòng của khách hàng.
Hơn một thập kỷ khuynh đảo thị trường bán lẻ di động, điện tử Việt Nam Thế giới Di động vươn mình trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực và hình thành một “hệ sinh thái bán lẻ” khi vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh,…
Những ngày cuối năm 2019, Thế Giới Di Động vừa khai trương cửa hàng BigPhone+ chuyên bán điện máy tại Campuchia, khởi đầu cho chiến lược nắm vị trí Quán quân thị trường này.
Thế Giới Di Động với tốc độ phát triển như “một con báo gấm săn mồi” đã và đang dẫn đầu thị phần điện thoại và điện máy trên toàn quốc.
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.
Nhóm PV
Diễn đàn doanh nghiệp