Giảm nhậu, giá bia Tết vẫn tăng
Đang vào cao điểm nên lượng tiêu thụ rượu, bia tại nhà máy sản xuất và kênh phân phối sỉ, siêu thị vẫn tăng.
Mười ngày sau khi Nghị định 100 về xử phạt lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn chính thức áp dụng, tiêu thụ bia, rượu tại nhà hàng, quán nhậu giảm hẳn. Mặc dù vậy, giá bia ngoài thị trường lại tăng, có hiện tượng hút hàng một số mẫu bia.
Có dấu hiệu găm hàng
Ngày 10-1 (16 tháng chạp), phóng viên Báo Người Lao Động khảo sát một đại lý bia trên địa bàn TP HCM và nhận thấy giá bia thùng các loại đều tăng khoảng 10.000 đồng/thùng so với tháng trước. Theo đó, bia lon Tiger dao động 335.000-340.000 đồng/thùng, bia 333 từ 235.000-240.000 đồng, Heineken 395.000-400.000 đồng. Riêng bia chai, theo các đại lý, không tăng giá vào thời điểm này.
Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ một cửa hàng bán bia và nước giải khát tại quận 10, nói do đại lý cấp 1 thông báo tăng giá bia thùng nên cửa hàng phải tăng theo chứ cũng không giải thích vì sao. Theo chủ cửa hàng này, bia Tết (bao bì mới) được các hãng tung ra từ vài tháng trước nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây, nguồn cung bất ngờ giảm hẳn, đại lý nào còn thì tranh thủ bán giá cao. Nghịch lý là quán nhậu vắng khách nhưng nguồn cung bia lại có vấn đề. Có thể ai đó đang cố tình tạo khan hiếm để nâng giá" - bà Thảo nghi vấn.
Giá bia lon các loại trên thị trường vẫn tăng dù lượng tiêu thụ bia, rượu tại các quán nhậu, nhà hàng đang giảm.Ảnh: TẤN THẠNH
|
Một số đại lý khác cho biết không chỉ bia Tết hụt hàng mà bia thường (bao bì thường ) của một số hãng cũng đang cạn dần và chưa được hãng hay đại lý cấp 1 "rót" xuống.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm này, hầu hết các đại lý cấp 1 đều báo hết hàng bia Tiger và bia Heineken bao bì Tết, chỉ còn bia 333 của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Riêng bia Heineken bao bì thường vẫn còn hàng nhưng mỗi đại lý cấp 1 chỉ được hãng "rót" đúng 100 thùng/ngày để chia cho các khách hàng của mình. "Không rõ đây là chủ trương của ai mà khi tôi đặt mua bia thì đại lý cấp 1 nói hết hàng, phải chờ thêm vài ngày nữa" - ông Hùng, kinh doanh bia tại quận Phú Nhuận, đặt vấn đề.
Siêu thị vẫn bán tốt
Trong khi đó, ghi nhận tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM từ 10 ngày nay cho thấy nguồn cung bia Tết vẫn bảo đảm, sức tiêu thụ mặt hàng này đang tăng nhẹ do trong thời điểm người tiêu dùng mua bia rượu, thực phẩm, nước giải khát làm quà biếu Tết. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị thuộc chuỗi bán lẻ tư nhân tại TP HCM, cho biết đối tượng khách hàng của siêu thị là người tiêu dùng mua để dùng trong gia đình hoặc làm quà biếu tặng, doanh nghiệp mua làm tiệc tất niên, sự kiện… nên sức mua chưa bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100. Đến thời điểm này, kinh doanh bia tại siêu thị vẫn ổn định, chưa có biến động về giá hay sản lượng. "Trong tháng 12-2019, Nhà máy Bia Việt Nam có thông báo ngưng 1 tuần, bia Heineken và Tiger hút hàng thời điểm đó nhưng từ đầu tháng 1-2020 đã bình thường trở lại" - ông Tuấn thông tin.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, sức mua mặt hàng bia trên toàn hệ thống Co.opmart vẫn tốt. Từ nay đến Tết là cao điểm tiêu thụ rượu bia, nước giải khát do người tiêu dùng mua các mặt hàng này để biếu tặng, tiếp khách, sử dụng trong gia đình nên khó có thể quan sát mức độ ảnh hưởng bởi quy định xử phạt. "Có thể sau Tết, mức tiêu thụ rượu, bia nói chung sẽ giảm nhiều" - ông Huy dự đoán.
Trong khi đó, đại diện Heineken Việt Nam khẳng định hãng này vẫn sản xuất, cung cấp bia ra thị trường theo kế hoạch đã đề ra, tức nguồn cung vẫn được bảo đảm. Đại diện hãng bia này lý giải có thể các đại lý muốn trữ hàng cho Tết, lượng đặt hàng nhiều hơn nên một số nhà phân phối không đáp ứng kịp. Sabeco cũng xác nhận tình hình sản xuất, phân phối, tiêu thụ các dòng bia thuộc Sabeco vẫn tốt, sản lượng cung ứng bảo đảm nhu cầu thị trường và chưa có phản hồi nào từ các nhà phân phối về việc bị ảnh hưởng do tiêu thụ chậm hay khách hàng giảm uống bia.
Đại diện hãng bia Sapporo (Nhật Bản)thừa nhận thực tế quán nhậu khá vắng khách. Tuy nhiên, hãng cần thời gian quan sát thêm diễn biến thị trường mới có thể nhận định chính xác vấn đề, từ đó có những giải pháp đối với các kênh phân phối sắp tới cho phù hợp hơn. Cũng theo đại diện hãng này, kênh phân phối bia đang có xu hướng dịch chuyển từ tiêu thụ hàng quán sang tại chỗ nhiều hơn, nghĩa là tiêu thụ tại nhà, do đó kênh phân phối tại các siêu thị đang tăng khá mạnh.
Điều chỉnh kế hoạch sản xuất
Theo phân tích từ các công ty nghiên cứu thị trường, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 vừa có hiệu lực sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp bia. Nếu như năm 2019, sản lượng bia cả nước đạt 4,6 triệu lít, tăng hơn 10% so với năm 2018 thì sang năm 2020, mức tăng trưởng có thể chỉ còn 1 con số chứ không phải 2 con số như kỳ vọng. Đại diện các hãng bia cũng thừa nhận khó có thể tăng trưởng như kỳ vọng vì thị trường bia đã bắt đầu thay đổi, người tiêu dùng sẽ hạn chế sử dụng bia. Do đó, các hãng cũng bắt đầu siết chặt quản lý chi phí, như cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng và vận chuyển, điều chỉnh kế hoạch sản xuất. G.Hưng
|
Quán nhậu vắng khách
Khảo sát các quán nhậu tại TP HCM dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến đường Trần Não, Song Hành (quận 2), Phạm Hùng (quận 8 và huyện Bình Chánh), Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), Mạc Đĩnh Chi (quận 1)... cho thấy khá vắng khách so với trước đây. Ông Hùng - chủ quán nhậu trên đường Trần Não - than thở từ đầu tháng tới giờ, lượng khách giảm khoảng 50%, khách đến quán giờ chỉ dám uống một vài lon vì sợ bị phạt khi ra đường. Ông Châu - chủ quán nhậu ở quận Bình Thạnh - nói dù quán có thông báo nếu khách nhậu say sẽ có nhân viên đưa về tận nhà nhưng nhiều người vẫn ngại uống vì không muốn bỏ xe lại quán. Ngay cả những nhà hàng tiệc cưới hay trung tâm hội nghị cũng hạn chế đãi bia, rượu vì lo ngại ảnh hưởng đến công ty khi để khách uống bia, rượu bị CSGT phạt.
Một số đại lý bia cho biết sau khi có quy định xử phạt người uống bia, rượu, các quán nhậu đặt hàng bia với số lượng giảm hẳn, có ngày giảm hơn 50%, trong khi bia cung cấp tận nhà lại có chiều hướng tăng. L.Giang
|
NGUYỄN HẢI - PHƯƠNG AN
Người lao động