Giả mạo ngân hàng cho vay để trộm tiền trong tài khoản
Các ngân hàng liên tục đưa ra khuyến cáo những thủ đoạn mà kẻ lừa đảo đã thực hiện trong thời gian qua để khách hàng cảnh giác.
* Các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền tài khoản cuối năm
* Thủ đoạn rút trộm tiền tỷ ở các trụ ATM của nhóm tội phạm xuyên quốc gia
Vietcombank cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo hiện nay. Ảnh: Quỳnh Trang
|
Theo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), kẻ gian có nhiều thủ đoạn để lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng để truy cập vào tài khoản chiếm đoạt tiền. Đó là mạo danh người thân của khách hàng thông báo chuyển tiền và gửi một đường link yêu cầu khách hàng xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử như tên truy cập, mật khẩu, mã OTP hoặc các thông tin về thẻ như số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP. Chiêu lừa khác được kẻ gian áp dụng là giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.
Thủ đoạn khác được kẻ lừa đảo áp dụng là lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng và sử dụng logo, hình ảnh, các bài viết được sao chép từ website/fanpage chính thức của ngân hàng. Rồi từ đó đối tượng lừa đảo tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp. Để cho vay, kẻ lừa đảo yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dung đen. Theo Vietcombank, ngân hàng không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn sử dụng các thủ đoạn để khách hàng tự chuyển tiền như mạo danh nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông, hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho; giả mạo công an yêu cầu chuyển tiền phục vụ công tác điều tra; giả mạo nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng trúng thưởng và yêu cầu chuyển phí trước khi nhận thưởng…
Đánh vào nhu cầu thị trường cuối năm nhiều người vay tiền, kẻ lừa đảo đã giả mạo ngân hàng cho vay. Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) vừa đưa ra cảnh báo gần đây xuất hiện nhiều website như vaytienngay.vn; vaytientinchap.com.vn; azvay.com; alovay.vn sử dụng đường link gắn logo, tên “GPBank”, “Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu” để phục vụ mục đích kinh doanh, gây hiểu lầm cho khách hàng, trong đó, có cả website cung cấp dịch vụ cho vay tiền mang nội dung “GPBank cho vay tín chấp”, “GPBank cho vay không lãi suất”. GPBank khẳng định không liên kết hay hợp tác với các website nêu trên dưới bất kỳ hình thức nào, khách hàng cảnh giác và tránh rủi ro khi giao dịch với các website này.
Thanh Xuân
Thanh niên