Cuối năm, nhà đầu tư ngậm ngùi 'bán tháo' đất nền
Không ít nhà đầu tư chạy theo đám đông lướt sóng phải ngậm ngùi bán cắt lỗ đất nền vào cuối năm do không có kinh nghiệm điều tiết cán cân tài chính.
* Bộ Xây dựng lên tiếng về tình trạng 'cò đất' làm náo loạn thị trường
* Nhà đất 'đứng hình' vì bảng giá đất
* 'Vẽ' dự án khu dân cư trên đất rừng rồi bán
Nhiều nhà đầu tư đất nền ôm nợ do thiếu cân nhắc khi sử dụng đòn bẩy tài chính. Ảnh: Phương Uyên.
|
Mua 2,4 ha đất tại huyện Long Thành, Đồng Nai với giá gần 4,5 tỷ đồng vào tháng 4/2019, ông N.T.V (ngụ tại Tây Thạnh, Tân Phú) đang đau đầu vì gần 3 tháng nay không sang nhượng được dù đã giảm giá xuống còn 4 tỷ đồng.
Ngậm ngùi rao bán cắt lỗ
Nhà đầu tư này cho rằng mình đã sai lầm khi mua vào thời điểm giá đất đạt đỉnh và không kịp bán ra ngay sau đó.
"Cuối năm luôn là thời điểm giao dịch tốt, giá đất tăng nên tôi dự kiến đến tháng 11 mới bán. Tuy nhiên năm nay thị trường ảm đạm, sợ giữ lâu càng khó nên tôi rao bán ngay trong tháng 6, vậy mà mãi vẫn không ra được hàng. Tôi phải bán ra bằng được lô đất này để trả nợ ngân hàng và người thân vì không thể gánh nổi lãi suất ngày càng phình to", ông V. lo lắng.
Những ngày cuối năm, tình trạng bán tháo, bán lỗ đất nền càng phổ biến hơn, đặc biệt là tại các thị trường vùng ven TP.HCM. Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, chạy theo cơn sốt đất nền cục bộ tại thị trường tỉnh giờ đối mặt với thua lỗ, mất vốn, nợ nần…
Bà N.T. Thu, một tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại quận 8 cho biết, bà theo chân người quen "lướt sóng" đất nền tại Bình Phước hồi tháng 8. Khi đó, bà mua 2 lô đất, mỗi lô 150 m2 tại TX. Đồng Xoài với giá gần 1,9 tỷ đồng, nhưng 4 tháng nay, bà Thu không bán lại được lô nào dù đã giảm gần 200 triệu/lô.
Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường sau đó đã qua thời điểm nóng, giao dịch giảm nhiệt, giá bán nằm ở ngưỡng cao nên nhà đầu tư khó ra hàng.
Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều nhà đầu tư đang phải bán tháo đất nền trong các tháng cuối năm, nhất là tại các thị trường nóng như Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đất nền phân lô, đất dự án đã giảm giá từ 100-500 triệu/lô, tùy vị trí nhưng ít người hỏi mua.
Tại Long An, thời điểm tháng 5/2019 giá rao bán nhiều nơi rẻ nhất từ 8-16 triệu/m2 hiện có những lô chào bán lại giá chỉ tầm 6,5-14 triệu/m2. Với loại đất chưa có sổ riêng, giá còn giảm sâu hơn nữa, xuống tầm 5-7 triệu/m2 nhưng rất ít giao dịch.
Ngay cả đất nền gần các khu đô thị tại Đồng Nai cũng được một số nhà đầu tư rao bán với giá giảm từ 300-500 triệu/lô tùy diện tích.
Khó cầm cự chờ thị trường
Dữ liệu nghiên cứu từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, so với thời điểm tháng 10/2019, giao dịch của phân khúc đất nền trong tháng 12 giảm nhiệt thấy rõ.
Cụ thể, lượt quan tâm tìm mua đất nền tại Bình Dương giảm 3,5 lần, Đồng Nai giảm 1,5 lần, Long An giảm gấp 4 lần và TP.HCM giảm 3,6 lần. Lượng sản phẩm giao dịch thành công giảm từ 3-5 lần so với quý 2/2019.
Những nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng gặp khó khăn nhiều nhất khi buộc phải bán lỗ "xả hàng" trước áp lực nợ lãi. Tuy nhiên, khi giá đất nền giảm, người mua sẽ chưa vội xuống tiền vì có tâm lý chờ giá xuống nữa.
Hơn nữa, động thái siết tín dụng của các ngân hàn vẫn chưa kết thúc, mà lộ trình sẽ giảm tiếp 40%-37%-34%-30%, đồng thời tăng hệ số rủi ro với kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến cho việc vay vốn của cả doanh nghiệp và cá nhân đều khó khăn hơn.
Thực tế, thị trường đất nền đã bắt đầu giảm nhiệt từ cuối quý 2/2019. Nhiều dự án lớn trước đó dù bán hết hàng, nhưng khách hàng sau đó lại gặp khó khăn khi chuyển nhượng trên thị trường thứ cấp.
Theo lãnh đạo một Công ty môi giới Bất động sản tại TP.HCM, phần nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận cắt lỗ để nhanh chóng ra hàng do áp lực tài chính. Những nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính vẫn có thể cầm cự, đợi thị trường hồi phục. Khó khăn chỉ thực sự diễn ra với nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng trước áp lực lãi suất có thể nuốt chửng khoản đầu tư.
"Ngay cả khi thị trường hồi phục, nhà đầu tư bán được giá cũng chưa chắc đủ bù lại khoản lãi phát sinh. Vậy nên càng để lâu nhà đầu tư càng lỗ nặng và giải pháp hiện nay là chấp nhận lỗ để ra hàng" – vị lãnh đạo này cho hay.
Tiền phong