4.000 ngày thay đổi Việt Nam
Nếu có khát vọng trở thành đất nước giàu mạnh để thực hiện các cải cách cần thiết và các chính sách thích hợp thì thập niên 2020 sẽ là giai đoạn tăng trưởng cao của Việt Nam.
Từ đầu 2020 đến cuối 2030 là 11 năm, tức là khoảng 4.000 ngày, nếu có chiến lược, chính sách đúng đắn, kèm theo là những cải cách cần thiết thì 4.000 ngày có thể làm thay đổi Việt Nam, thay đổi diện mạo Việt Nam trên trường quốc tế và thay đổi hẳn cuộc sống của người Việt Nam cả chất và lượng.
Xuất phát từ cơ cấu kinh tế hiện nay, từ các thuận lợi của dòng chảy tư bản và công nghệ thế giới, nếu có khát vọng trở thành đất nước giàu mạnh để thực hiện các cải cách cần thiết và các chính sách thích hợp thì thập niên 2020 sẽ là giai đoạn tăng trưởng cao của Việt Nam.
Kết quả sẽ lớn hơn dự tưởng
Dĩ nhiên nói về thành quả phát triển mà chỉ dựa vào GDP hoặc GDP đầu người thì quá thiếu sót, đôi khi làm lu mờ những mặt quan trọng hơn.
Tuy nhiên cho đến nay các chỉ tiêu này vẫn có tính tổng hợp nhất, có thể dùng để khởi đầu khi đánh giá trình độ phát triển. Thật ra trong dài hạn, dù còn nhiều hạn chế, sự thay đổi của chỉ tiêu GDP thường đi song song với những thay đổi về chất như chỉ số phát triển nguồn nhân lực, về điều kiện sức khỏe...
Nhưng để tránh tình trạng chạy theo thành tích, tư duy nhiệm kỳ mà hậu quả là hi sinh chất lượng để đạt mục tiêu tăng trưởng, cách tiếp cận tốt nhất là giải phóng các nguồn lực, có chiến lược, chính sách thích hợp tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước sẽ thấy kết quả có thể lớn hơn dự tưởng.
Từ cách tiếp cận này, ta sẽ xem đâu là các yếu tố trong và ngoài nước đang là tiềm năng phát triển và cần có chiến lược, chính sách gì để khơi dậy tiềm năng.
Trước hết là nhóm các yếu tố đang trở thành dư địa để tăng năng suất và làm cho kinh tế phát triển cao:
Thứ nhất, lao động dư thừa trong nông nghiệp còn rất lớn. Còn tới trên 40% lao động làm việc trong nông lâm ngư nghiệp là khu vực mà năng suất rất thấp.
Trong khi đó, công nghiệp hóa còn ở mức thấp (giá trị công nghiệp trong GDP mới khoảng 20%), hơn nữa cơ cấu công nghiệp còn rất mỏng (lắp ráp là chủ đạo, công nghiệp hỗ trợ yếu, Việt Nam còn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu).
Do đó, thời gian qua, xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng càng xuất khẩu càng phụ thuộc vào sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc.
Trong thời gian tới ta phải đẩy mạnh sản xuất thay thế những mặt hàng trung gian đang nhập khẩu. Cùng với nỗ lực theo chiều sâu này, công nghiệp hóa cũng cần được đẩy mạnh theo diện rộng và kết quả là lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng sang khu vực công nghiệp, đưa năng suất toàn xã hội lên cao.
Thứ hai, khu vực kinh tế cá thể còn chiếm tới 30% GDP và hơn 90% số lượng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ, nhiều doanh nghiệp tiềm năng còn trong khu vực phi chính thức.
Từ các con số này, ta thấy rất rõ rằng chỉ cần dịch chuyển lao động từ khu vực cá thể sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn thì năng suất lao động của toàn xã hội sẽ tăng lên rất nhanh. Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ không thể đầu tư lớn với công nghệ, máy móc hiện đại và do đó năng suất rất thấp. Bài toán ở đây là tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển lên quy mô lớn.
Thứ ba, dòng chảy của tư bản công nghệ, tri thức quản lý kinh doanh theo kênh đầu tư trực tiếp (FDI) và các hình thức khác đang hướng vào Việt Nam. Nếu Việt Nam không để cho các dòng chảy tự phát vào mà có chính sách tích cực định hướng và chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng và nguồn nhân lực thì đây là cơ hội lớn để phát triển nhanh. FDI phải được thu hút theo hướng thúc đẩy quá trình chuyển dịch của hai yếu tố đầu tiên.
Ai cũng có việc làm
Ba yếu tố vừa kể nếu giải quyết tốt, năng suất lao động sẽ tăng nhanh và kinh tế phát triển với tốc độ cao. Nhưng đó mới là những tiềm năng. Để tiềm năng trở thành hiện thực cần nhanh chóng thực hiện các cải cách, các chính sách gì? Trong khuôn khổ của bài báo, tôi chỉ sơ lược mấy điểm chính:
Về chiến lược phát triển, trước hết đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng thay thế nhập khẩu các sản phẩm trung gian, các ngành thuộc công nghiệp hỗ trợ, nhất là những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao đang nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Đó là bề sâu của công nghiệp hóa, chủ yếu tập trung trong những ngành liên quan các loại máy móc như ôtô, xe máy, đồ điện gia dụng, máy tính, máy in...
Một đất nước 100 triệu dân, công nghiệp hóa cũng cần và có thể mở ra theo bình diện rộng. Chẳng hạn công nghiệp thực phẩm có tiềm năng lớn, với nguồn lực nông thủy sản phong phú, với thị trường trong và ngoài nước ngày càng đòi hỏi chất lượng cao, cần có chiến lược yểm trợ hình thành các dây chuyền cung ứng thực phẩm bằng công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, tạo môi trường đầu tư tốt, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tự tìm ra các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế.
Công nghiệp hóa không thôi sẽ không tạo đủ công ăn việc làm cho người dân. Cần phát triển nhiều ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có thế mạnh như du lịch, công nghệ thông tin phần mềm...
Việt Nam có cảnh quan biển và nhiều di sản văn hóa nhưng chưa đủ nguồn nhân lực để tổ chức và vận hành dịch vụ du lịch một cách có văn hóa, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai và cải cách hành chính để chuyển dịch khu vực cá thể, và yểm trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ vì môi trường kinh doanh khó khăn (phí tổn hành chính quá lớn) và khó tiếp cận với vốn và đất để đầu tư.
Cần cải cách hành chính để giảm xin - cho, giảm kiểm tra và hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai. Việc này đã được bàn luận nhiều nhưng tiến triển chậm. Nếu có khát vọng phát triển phải khẩn trương cải cách các lĩnh vực này. Ngoài hoàn thiện cơ chế thị trường cần các biện pháp chính sách hỗ trợ cụ thể hơn.
Bộ máy phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương và địa phương phải phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ.
Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng mới. Mấu chốt của chiến lược phát triển ở đây có 2 vế: một là toàn dụng lao động để ai cũng có việc làm, không ai bị buộc phải ra nước ngoài tìm việc làm một cách bất đắc dĩ, và hai là dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực cá thể, phi chính thức sang khu vực tiên tiến có quy mô lớn.
Đầu xuân, chúng ta cần đưa ra một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng làm cho Việt Nam bước vào một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và bền vững. Làm sao để vào đầu thập niên 2040, các nhà nghiên cứu nhìn lại thập niên cũ sẽ cảm thán bằng câu: 4.000 ngày đã thay đổi Việt Nam!
GS TRẦN VĂN THỌ
|
Trong thời cận đại, những nước thành công trong việc rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước hầu như đều trải qua một giai đoạn tăng trưởng cao (trên dưới 10%) trong một thời gian dài. Điển hình là Nhật Bản 18 năm (1955 - 1973), Hàn Quốc 13 năm (1982 - 1995) và Trung Quốc gần 30 năm (1983 - 2011). Việt Nam chưa bao giờ có một giai đoạn phát triển cao như vậy.
|
GS TRẦN VĂN THỌ
Tuổi trẻ