Viện phí tăng với người không dùng bảo hiểm y tế
Từ 1.1.2020, hàng loạt tỉnh, thành sẽ áp dụng mức giá các dịch vụ y tế tối đa với người không dùng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh. Theo đó, nhiều loại dịch vụ sẽ tăng giá.
Không có BHYT người mắc bệnh nặng, bệnh nan y khó gánh nổi viện phí. Ảnh: Duy Tính
|
Việc điều chỉnh là theo Thông tư số 14/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở KCB của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.
Nhiều giá dịch vụ tăng cao
Tại TP.HCM, có 10 giá khám bệnh, 38 giá giường bệnh, 1.937 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) và xét nghiệm được điều chỉnh. Quy định trong Thông tư 14 lần này so với hiện hành thì giá nhiều loại giường ngày bệnh tăng 11 - 14%, giá các DVKT và xét nghiệm tăng 3 - 4%.
TP.HCM đề xuất thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ KCB theo Thông tư 14 (bắt đầu từ đầu năm 2020), mức giá này được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc KCB và thực hiện các DVKT. Đó là các chi phí trực tiếp tính trong mức giá khám bệnh, ngày giường các DVKT y tế, tiền lương... “Mức giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT quy định tại Thông tư 14 hiện nay mới được tính 2/4 yếu tố chi phí bao gồm: chi phí trực tiếp (thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế, điện, nước, nhiên liệu, duy tu bảo dưỡng, xử lý chất thải...); tiền lương, phụ cấp (theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng); chưa được tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản”, một cán bộ tài chính Sở Y tế TP.HCM cho biết.
UBND TP.HCM chỉ đạo ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, nắm được; vận động và có giải pháp phù hợp để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT (hiện tỷ lệ bao phủ BHYT tại TP.HCM là 87,6%). Các bệnh viện (BV) niêm yết công khai bảng giá dịch vụ tại cơ sở KCB; cải tiến khâu thu, thanh toán viện phí; bố trí khu vực đón tiếp và nhân viên hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân khi làm thủ tục KCB. Các cơ sở y tế tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, phục vụ.
* Tại Nghệ An, giá dịch vụ giường điều trị tăng khá cao, trong đó BV hạng đặc biệt tăng 15,2%, BV hạng 1 tăng 14,6%, BV hạng 2 tăng 5%, BV hạng 3 tăng 10,5% và BV hạng 4 tăng 7,1%. Giá DVKT và xét nghiệm tăng khoảng 5%... Với mức tăng này, có hơn 300.000 người không tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng. Nghệ An có gần 3 triệu người tham gia BHYT (gần 90% dân số) và hơn 300.000 người chưa tham gia BHYT (chủ yếu là tiểu thương, kinh doanh cá thể, có thu nhập và mức sống trung bình trở lên).
* Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho biết bắt đầu từ ngày 1.1.2020, tỉnh này sẽ áp dụng tăng giá các DVKT y tế đối với người không dùng BHYT. Giá các DVKT tăng trung bình từ 1 - 4%. Theo ông Nam, hiện Bạc Liêu có khoảng 12% người dân không tham gia BHYT (chủ yếu họ có thu nhập trung bình trở lên).
* Ngày 6.12, Nghị quyết về giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết hiện tỉnh Cà Mau có khoảng 10% người dân chưa có BHYT. Đối với người bệnh bắt đầu điều trị tại cơ sở KCB trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực thì được tiếp tục áp dụng mức giá quy định ở thời điểm bắt đầu điều trị cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.
|
Tương tự, từ 1.1.2020, mức giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (áp dụng trong các cơ sở KCB của nhà nước thuộc TP.Hà Nội quản lý) đã được HĐND TP.Hà Nội phê duyệt sẽ chính thức có hiệu lực. Danh mục các dịch vụ điều chỉnh giá, gồm: giá 10 dịch vụ KCB; giá 6 dịch vụ ngày giường; giá 1.937 DVKT và xét nghiệm áp dụng cho các hạng BV.
Theo đó, giá khám tại BV hạng đặc biệt và hạng 1 của các cơ sở y tế của TP.Hà Nội là 38.700 đồng; BV hạng 2 là 34.500 đồng; BV hạng 3 là 30.500 đồng; BV hạng 4 và trạm y tế xã là 27.500 đồng. Giá này đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.
Giá ngày giường được quy định với giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc áp dụng các mức: 753.000 - 678.000 - 578.000 đồng khi điều trị các BV hạng đặc biệt, 1, 2.
Với giường bệnh hồi sức cấp cứu, giá ngày giường mà người bệnh phải chi trả, theo các mức giá: 441.000 - 411.000 - 314.000 - 272.000 - 242.000 đồng (áp dụng tại 5 hạng BV: hạng đặc biệt, 1, 2, 3, 4). Giường bệnh nội khoa loại 1 (các khoa: truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học; nội tiết; dị ứng (nặng): 232.000 - 217.000 - 178.000 - 162.000 - 144.000 đồng, tương ứng áp dụng cho 5 hạng BV nêu trên.
Ngoài ra, các dịch vụ chụp chẩn đoán cũng có mức giá tự chi trả khá cao, như: chụp cộng hưởng từ (MRI) gan với chất tương phản đặc hiệu mô: 8,656 triệu đồng; chụp MRI tưới máu - phổ - chức năng: 3,156 triệu đồng; chụp MRI không có thuốc cản quang: 1,308 triệu đồng...
Một số giá dịch vụ khám bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT TP.HCM
Cần hỗ trợ người dân mua BHYT
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho rằng việc điều chỉnh viện phí với người không BHYT sẽ khuyến khích người dân mua BHYT. Nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn vì tới đây chi phí KCB ngày càng tăng. Mua BHYT, lỡ không may mắc bệnh sẽ có nguồn chi trả, đặc biệt là được cho trả DVKT cao, có lợi cho người bị ung thư, bệnh mãn tính…
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người nghèo muốn làm BHYT nhưng lại gặp không ít khó khăn, dẫn đến không có BHYT. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Đức (51 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang điều trị tại Khoa Nội 2, BV Ung bướu, TP.HCM. Ông Đức cho biết bị hạch trong bụng, gia cảnh rất nghèo, đi nhặt củi cao su bán, mới vô viện 10 ngày đã tốn gần 20 triệu đồng. “Bệnh xuống tiền hết mà không có BHYT. Tôi đi mua BHYT người ta đòi giấy khai sinh, CMND, nhưng tôi đã mất giấy khai sinh nên không làm CMND được, do vậy tôi không thể có BHYT dù có nhà cửa, có hộ khẩu”, ông Đức nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay người có nhu cầu mua BHYT chỉ cần có hộ khẩu thì cơ quan BHXH sẽ bán. Tuy nhiên, khi đi KCB thì cần giấy tờ tùy thân có hình ảnh và đóng dấu nổi của BHXH để chứng minh mình là chủ thẻ BHYT. "Với trường hợp Báo Thanh Niên phản ánh không mua được BHYT, BHXH VN sẽ cho xác minh lại. Nếu mua BHYT chỉ cần có sổ hộ khẩu, không cần CMND vẫn mua được bình thường", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, đến thời điểm này, còn khoảng hơn 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Trong số chưa tham gia, hầu như không có người nghèo hay cận nghèo, vì người nghèo và cận nghèo đều được nhà nước mua thẻ BHYT hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT. Nhóm chưa tham gia hiện chủ yếu là tiểu thương, chủ sử dụng lao động nhưng không mua BHYT cho người lao động và một số là học sinh, sinh viên… “Người tham gia BHYT liên hệ với đại lý BHXH để được hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi tối đa”, ông Sơn khuyến nghị.
Thanh Niên
Thanh niên