Sức mua hàng tết vẫn 'đủng đỉnh'
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Canh Tý 2020, loạt sản phẩm chuyên dùng cho tết đã được chất lên kệ các siêu thị và chợ. Tuy nhiên, sức mua vẫn yếu, người mua vẫn còn thưa thớt...
Chỉ còn một tháng đến tết, song mãi lực tại chợ và siêu thị còn khá “yếu ớt”
Ảnh: Nguyên Nga
|
Mới chỉ người bán thấy Tết
Chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) là chợ đầu mối chuyên cung cấp hàng khô không chỉ cho thị trường TP.HCM mà gần như toàn khu vực miền Nam. 12 giờ trưa chủ nhật (22.12), một số kiện hàng khô đã được đóng gói gọn gàng chờ đẩy ra ngoài cổng chợ để những chiếc xe ôm chở hàng ra xe đò gửi. Lần lượt kiện hàng này đến kiện hàng khác, 13 giờ, hầu như không khí mua bán, đóng gói rộn ràng lúc sáng không còn nữa.
Bà Tiểu Phương, chuyên bán hàng khô từ 20 năm nay tại chợ này, cho biết: “Hàng đi tỉnh tập trung đóng buổi sáng để kịp gửi xe về miền Tây, người ta nhận hàng ngay trong ngày. Chiều chỉ bán lai rai hoặc khách vãng lai nhiều hơn khách mối”.
Nấm đông cô loại nhỏ giá 400.000 đồng/kg, loại đặc biệt của Cao Bằng, Thái Nguyên giá lên đến 600.000 đồng/kg; mộc nhĩ giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg; măng khô miền Bắc giá từ 220.000 - 280.000 đồng/kg tùy loại; miến dong giá từ 70.000 đồng/kg, loại miến ngon của người dân tộc làm (theo quảng cáo của người bán -NV) giá đến 90.000 - 100.000 đồng/kg, nhưng muốn mua phải đặt hàng trước.
Với các mặt hàng hải sản khô như tôm, mực, cá… đến giờ này người mua vẫn chưa mấy mặn mà. Ông Thành, chuyên bán hải sản khô tại chợ, cho biết giá các loại tôm, mực khô tăng hơn 30.000 - 50.000 đồng/kg so với dịp này năm ngoái. Tuy nhiên, lượng hàng bán ra so cùng kỳ chưa bằng một nửa. Mực khô loại 1 bán giá sỉ từ 450.000 - 600.000 đồng/kg, tôm khô từ 400.000 - 750.000 đồng/kg, có nơi báo loại tôm biển đặc biệt giá lên đến 1 triệu đồng/kg.
Bà Tiểu Phương cũng như nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại dãy hàng khô như nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, miến, tôm khô, cá khô... cho biết hàng về bán quanh năm, nhưng trữ bán tết vẫn còn dè dặt, không nhiều bằng năm ngoái. “Giá cả có thể nhỉnh hơn năm ngoái vài ba giá nhưng chợ bán còn chậm lắm. Chỉ có người bán biết tết, chứ người mua hình như chưa thấy tết”, bà Bảy Hoa cho biết.
Trong khi đó, hàng hóa bán tết tại siêu thị bắt đầu rộn ràng. Những sản phẩm dành riêng cho ngày tết như bánh mứt, kẹo, trái cây sấy khô, bia, rượu, nước giải khát... được trưng bày phong phú, đa dạng. Tại siêu thị Lotte (Q.7, TP.HCM) đã dành riêng một khu vực bán hàng tết như mứt gừng, dừa, me, thơm, vỏ bưởi hay các loại hạt điều, hạt dẻ, hạt dưa, hạt óc chó, nho khô...
Giá thịt heo sẽ không tăng đột biến
Sở Công thương TP.HCM cho biết, theo kế hoạch, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 19.027,3 tỉ đồng, tăng 602,5 tỉ đồng (3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019 (18.424,8 tỉ đồng). Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.244,9 tỉ đồng. Đặc biệt, vào tháng cao điểm phục vụ tết (tháng chạp 2019) tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị hơn 10.000 tỉ đồng; trong đó, hàng bình ổn 4.000 tỉ đồng. Như vậy, lượng hàng doanh nghiệp chuẩn bị bán tết dự kiến tăng hơn 15 - 17% so với kế hoạch thành phố giao và tăng hơn 20% so với năm ngoái.
Năm nay thành phố tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Trong đó, có một số doanh nghiệp chủ lực như: C.P Việt Nam (thịt gia súc, trứng gia cầm), Bình Minh (thịt gia cầm), Vinamit (rau củ quả tươi, trái cây sấy)… Số liệu từ Sở Công thương Hà Nội cũng cho thấy, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân Hà Nội trong dịp tết năm 2020 đạt khoảng 31.200 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa tết năm 2019.
Đại diện Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An nhận định sức mua của thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) dịp tết tăng trưởng gấp 2 lần so với ngày thường. Hàng dùng làm biếu tặng cũng là đòn bẩy chính thúc đẩy mức tăng trưởng này. Năm nay, công ty này cũng đã sản xuất lượng hàng hóa tăng từ 12 - 15% so với tết năm 2019.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết mùa cuối năm và tết cổ truyền doanh số luôn tăng mạnh 30 - 40% so với những tháng còn lại trong năm. Riêng năm nay, công ty kỳ vọng mức tăng cao hơn, lên đến 50%.
“Hàng mùa tết sẽ không tăng giá bán so với ngày thường, bởi giữa năm 2019, sau một đợt giá điện tăng mạnh cùng với các chi phí khác như lương, bảo hiểm xã hội đều đi lên thì Saigon Food đã có một đợt tăng giá bán ra. Trong khi đó, hiện nay giá nguyên liệu đầu vào không biến động nhiều nên giá bán sản phẩm ra thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn giữ nguyên”, bà Lâm nói.
Thịt heo là mặt hàng gây nhiều lo lắng nhất cho người bán lẫn người mua khi giá cả liên tục tăng như ngựa không cương trong thời gian vừa qua. Nguồn cung thịt heo bình ổn thị trường vào tháng tết hơn 5.000 tấn, tăng hơn 1.000 tấn so với những tháng thường. Đại diện Vissan dự báo, giá thịt vào dịp cận Tết Nguyên đán chắc chắn có tăng nhưng không có hiện tượng tăng giá đột biến như lo ngại của người dân. Vissan cũng đã có kế hoạch dự trữ 3.600 tấn thịt heo trong thời gian 45 ngày và nhập khẩu thịt heo nếu thị trường có biến động.
Mai Phương
Thanh niên