Sự trở lại của ngân hàng ngoại trên đường đua tăng vốn?
Liệu cái bắt tay giữa BIDV và KEB Hana Bank có đánh dấu cho sự trở lại của các cổ đông chiến lược sau thời gian dài vắng bóng các dòng vốn mới từ nhà băng ngoại tại thị trường Việt Nam.
Ngân hàng luôn là lĩnh vực được các nhà đầu tư ngoại quan tâm và mạnh tay rót vốn, nhất là các ngân hàng ngoại. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, đã có nhiều trường hợp cổ đông chiến lược là ngân hàng ngoại thoái sạch vốn khỏi các nhà băng nội sau thời gian dài hợp tác, làm dấy lên thông tin có cuộc “tháo chạy” của các nhà băng ngoại khỏi thị trường Việt Nam.
Cùng điểm lại những cuộc chia tay đình đám một thời làm tốn giấy mực của biết bao truyền thông. Còn nhớ mối quan hệ hợp tác giữa Techcombank (TCB) và HSBC từ những năm 2005 và đến năm 2012, HSBC không còn tham gia vào hoạt động vận hành kinh doanh của ngân hàng. Cho đến cuối năm 2017, HSBC thoái sạch 19.4% vốn (tương đương hơn 172.35 triệu cp) của TCB, dứt tình sau 12 năm gắn bó.
Rồi đến Commonwealth Bank Group (CBA) đã chuyển nhượng hoạt động của chi nhánh CBA TPHCM cho VIB vào đầu tháng 7/2017, kết thúc gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008. Tuy nhiên, Commonwealth Bank Group vẫn nắm 20.85% vốn tại VIB.
Hay như cuối năm 2018, Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hong Kong) thoái sạch 154 triệu cp ACB cho các nhà đầu tư khác đồng thời rút người đại diện vốn tại HĐQT của ACB.
IFC là tổ chức tài chính quốc tế thành viên thuộc Ngân hàng Thế Giới (World Bank). Đơn vị này có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ đầu tư, tư vấn và quản lý tài sản nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tại những quốc gia ít phát triển. IFC đầu tư vào VietinBank kể từ năm 2011.
|
Và gần đây nhất, Công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC) vừa thông báo đã cùng quỹ đầu tư IFC Capitalization (Equity) bán tổng cộng gần 57.4 triệu cp của VietinBank (CTG) vào ngày 13/11/2019.
Sau khi các cổ đông ngân hàng ngoại rút lui, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng nhảy vào nhưng sở hữu số lượng cổ phần nhỏ lẻ, không thể trở thành cổ đông chiến lược. Hầu hết nhà băng chọn biện pháp tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Thế nhưng, một thương vụ đình đám gần đây cho thấy sự trở lại của dòng vốn từ các ngân hàng ngoại khi BIDV thông báo đã hoàn tất thủ tục bán 603.3 triệu cp, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm cho đối tác KEB Hana Bank vào ngày 31/10/2019 vừa qua. Như vậy, ngân hàng ngoại đến từ Hàn Quốc đã chính thức trở thành cổ đông lớn của BIDV.
Sau chào bán, BIDV tăng vốn điều lệ từ hơn 34,187 tỷ đồng lên mức hơn 40,220 tỷ đồng và trở thành ngân hàng lớn nhất về vốn điều lệ trong hệ thống.
Nhận định về thương vụ này, TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế cho rằng, BIDV là một ngân hàng lớn, trong nhiều năm qua đã tạo được chiều rộng, thậm chí chiều sâu và họ đã có một chỗ đứng nhất định trong nhóm Big 4 ngân hàng. Xét về góc độ nào đó, BIDV còn rất nhiều tiềm năng cho hệ thống mạng lưới cũng như đội ngũ nhân sự. Tuy nhiên, vừa qua BIDV cũng có một số yếu kém trong đầu tư những dự án lớn. Ngoài ra, việc đầu tư vào hệ thống cũng chưa được trau chuốt do Ngân hàng quá tập trung vào những dự án lớn, nên hệ thống mạng lưới, ATM… chưa được tốt lắm so với những ngân hàng khác trong nhóm Big 4. Cho nên BIDV vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng thêm nữa.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu cái bắt tay giữa BIDV và KEB Hana Bank có đánh dấu cho sự trở lại của các cổ đông chiến lược sau thời gian dài vắng bóng?
Trên thực tế, ngay từ đầu năm, đã có nhiều ngân hàng hé lộ thông tin sẽ chào bán cổ phần để tăng vốn trong năm nay hoặc đầu năm sau,nhưng khi chào bán, liệu có thể thu hút được các ngân hàng ngoại, hay có thể chào bán được hết như kỳ vọng không còn tùy thuộc vào chiến lược cũng như quy mô của từng ngân hàng chào bán.
Như ngay trong ĐHĐCĐ 2019, cổ đông Vietcombank cũng thông qua lộ trình tăng vốn điều lệ giai đoạn 2019 – 2020, khi chào bán thêm cổ phần ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ với quy mô tương đương 6.5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán. Mức vốn điều lệ dự kiến trước khi chào bán là hơn 51,924 tỷ đồng và còn tùy thuộc vào kết quả đợt phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nếu chào bán thành công mức vốn điều lệ tối đa, Vietcombank có thể đạt đến hơn 55,299 tỷ đồng. Vốn dĩ là “anh cả” của hệ thống ngân hàng, cộng với tiềm lực và quy mô của Vietcombank, đây chắc chắn sẽ là một trong những thương vụ được mong chờ nhất của các nhà đầu tư. Đại diện Vietcombank cho biết, việc chào bán hiện nay khá thuận lợi vì có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm muốn mua. Nhiều khả năng Mizuho Bank sẽ tiếp tục mua vào trong đợt phát hành riêng lẻ này để duy trì tỷ lệ sở hữu 15%.
Nhà băng còn lại trong Big 4 là VietinBank đã cạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài (room), nhưng lại đang có nhu cầu bán cổ phần để tăng vốn. Cổ đông chiến lược The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ, Ltd cũng bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần khi từng đề nghị nâng tỷ lệ góp vốn vào VietinBank từ mức 20% hiện nay lên 50%.
Không chỉ riêng các ngân hàng “gốc” Nhà nước mà ngay cả những ngân hàng TMCP cũng thể hiện được sức hấp dẫn của mình khi tìm kiếm đối tác chiến lược ngoại. Có thể kể đến như NCB đang làm việc với các nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore cho đợt phát hành tăng vốn điều lệ sắp tới, MBBank được các nhà đầu tư ngoại săn đón khi công bố thông tin chào bán riêng lẻ 7.5% vốn hay gần đây nhất là thông tin Ngân hàng phát triển Hà Lan FMO đang cân nhắc tài trợ thương mại 40 triệu USD vào HDBank.
Đâu là rào cản?
Vấn đề cạn room ngoại tại VietinBank hay một số nhà băng khác cũng chính là một trong rất nhiều nguyên nhân mà các nhà đầu tư ngoại, nhất là các ngân hàng ngoại dường như dè chừng khi rót vốn vào các nhà băng Việt.
Mặc dù gần đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhiều lần “manh nha” muốn bán 100% vốn ở những ngân hàng yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài, nhằm giúp các ngân hàng này nhanh chóng tăng cường nội lực tài chính và cũng đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu để phục hồi sớm, điển hình là OceanBank - một trong ba ngân hàng bị mua lại “0 đồng”, nhưng trường hợp những ngân hàng còn lại thì vẫn chưa đề cập đến khả năng sẽ nới room ngoại.
Một đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho biết những quy định chặt hơn trong Basel II về quản trị rủi ro khiến những khoản đầu tư 20% vốn vào một tổ chức sẽ không được tính vào nền tảng vốn của các ngân hàng lớn nước ngoài. Điều này khiến những nhà băng ngoại không còn mặn mà với việc trở thành cổ đông chiến lược của các ngân hàng Việt.
Hiện nay, theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Do đó, nếu tỷ lệ giới hạn room ngoại được tăng lên sẽ làm tăng tính hấp dẫn và khả năng huy động vốn của các ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ có kết quả kinh doanh tốt thể hiện được tiềm năng tăng trưởng vì nhiều đối tác không chỉ muốn dừng lại ở việc sở hữu mà còn muốn trực tiếp tham gia điều hành và để làm được điều này thì cần phải nắm tỷ lệ sở hữu đủ lớn.
Cát Lam
FILI
|