Sau một năm hạ nhiệt, bất động sản năm 2020 sẽ chứng kiến sự sàng lọc mạnh?
Tại hội nghị Bất động sản Việt Nam 2019 (VRES 2019) vừa diễn ra ngày 06/12, các chuyên gia hàng đầu đã đào sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến sự hạ nhiệt của bất động sản năm 2019. Qua đó, năm 2020 được dự báo không phải là một năm dễ dàng cho cả doanh nghiệp bất động sản cũng như chủ đầu tư có nguồn vốn khiêm tốn.
Quang cảnh Hội nghị VRES 2019 diễn ra ngày 06/12
|
Đà tăng của bất động sản chững lại trong năm 2019
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn (thuộc Tập đoàn PropertyGuru) - cho biết, năm 2019 chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cung bất động sản cả lượng chào bán và đưa vào sử dụng. Tổng số diện tích sàn xây dựng nhà ở nói chung dự báo đạt gần 5 triệu m2 cho tới hết tháng 12/2019, khiêm tốn hơn hẳn con số hơn 14 triệu m2 trong năm 2018.
Tại TP.HCM, tiến độ xây dựng hạ tầng trì trệ cùng nhiều thay đổi trong luật đất đai khiến các chủ đầu tư gặp không ít khó khăn trong việc triển khai các dự án.
Số lượng tin đăng mua bán bất động sản ghi nhận tăng 42% so với năm trước nhưng mức độ quan tâm chỉ tăng chưa tới 3%. Những thông số này phản ánh cung cầu thị trường đang có sự chênh lệch đáng kể.
Tuy vậy, nhu cầu nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM vẫn còn rất lớn khi tốc độ tăng dân số ở 2 khu vực này vẫn đang giữ mức 2.2 - 2.3% mỗi năm. Thực tế từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng giá nhà tại Tp.HCM đạt 12%, cao hơn lãi suất vay ngân hàng hay tốc độ tăng của VN-Index (kênh chứng khoán).
2020 là năm chông gai với bất động sản nghỉ dưỡng
Năm 2020 được dự báo sẽ là một năm không dễ dàng đối với bất động sản khi sự chững lại vào cuối năm 2019 có thể sẽ tiếp diễn. Nhà riêng, nhà mặt phố và đất nền vẫn được dự báo khả quan. Trong khi đó, chung cư và biệt thự liền kề đang dần khan hiếm nguồn cung mới. Đối với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, năm 2020 khả năng là một năm đầy chông gai khi mà niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư đang đi xuống rõ rệt.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - đánh giá kinh tế thế giới năm 2019 - 2020 có nhiều thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đã chậm lại và thể hiện không đồng đều.
Về chiến tranh thương mại, ông Lực cho rằng điều này tiếp tục khiến thương mại tăng trưởng thấp, gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính do sự phân hóa và yếu tố tâm lý. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi xuất khẩu đến các thị trường Trung Quốc, EU,... Bên cạnh đó, việc giá nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc (có thể) gia tăng sẽ ảnh hưởng đến khoản chi phí cho doanh nghiệp và dẫn đến lạm phát.
Nhìn chung, Việt Nam vẫn có lợi thế hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới trong tác động của cuộc thương chiến này, ví dụ như việc tranh thủ cơ hội xuất khẩu sang Mỹ (chủ yếu hàng tiêu dùng). Tuy vậy, điều này không quá đáng mừng trong dài hạn.
Theo đánh giá của ông Cấn Văn Lực, những thông tin nói trên đều có sự ảnh hưởng lớn lên thị trường bất động sản Việt Nam. Chẳng hạn, thương chiến sẽ làm gia tăng nhu cầu bất động sản khu công nghiệp và nhà ở, trong khi nhu cầu về mặt bằng bán lẻ và văn phòng có thể tăng nhẹ.
Riêng đối với thông tư 22/NHNN (tháng 11/2019), sau nhiều nghiên cứu chi tiết, vị chuyên gia đánh giá mức độ tác động đến thị trường bất động sản là không đáng lo ngại.
Song, những vướng mắc về rà soát, thanh tra, tăng yêu cầu quy hoạch, không cấp phép dự án mới,... đã và đang khiến nhiều dự án chậm so với kế hoạch hoặc chuyển sang khu vực khác; nguồn cung và giao dịch mua - bán phân khúc đất nền, nhà liền kề, chung cư cấp trung sụt giảm.
Chủ đầu tư nào “chịu nhiệt” kém hơn sẽ rời bỏ cuộc chơi
Về tổng quan, ông Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên cho phía doanh nghiệp bất động sản cần chú trọng việc thích ứng, xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp cũng như tận dụng cơ hội để vượt lên.
Bà Nguyễn Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land - nhận định bất động sản Việt Nam vẫn đang hấp dẫn nguồn lực đầu tư lớn. Tuy nhiên, vị CEO này đánh giá 2020 sẽ là năm sàng lọc mạnh. Các chủ đầu tư “chịu nhiệt” kém hơn sẽ rời bỏ cuộc chơi nhường lại sân cho các chủ đầu tư có thương hiệu, nguồn lực và chiến lược bền vững trong dài hạn. Các dự án có pháp lý đầy đủ, bên chủ đầu tư có năng lực triển khai theo cam kết về chất lượng sản phẩm, dịch vụ kết hợp với hoàn thiện cảnh quan, tiện ích đầy đủ sẽ được nhà đầu tư tin tường lựa chọn hơn.
Bà Hương cho rằng để giữ vững sự phát triển và ứng phó kịp thời với thị trường, các doanh nghiệp bất động sản cần tập trung 3 điều: (1) nắm vững xu thế phát triển và xây dựng chiến lược kinh doanh trong dài hạn, (2) quản trị tài chính chặt chẽ ứng phó với các kịch bản thị trường, (3) có giải pháp nguồn lực bền vững.
Xuân Nghĩa
FILI
|