Hơn 70% công ty Việt Nam có doanh thu tăng hơn 5% trong năm 2019
Theo Grant Thornton, mặc dù có sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu và môi trường kinh doanh ngày càng nhiều thách thức, nhưng vẫn có hơn một nửa trong số 10,000 doanh nghiệp được khảo sát ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trên 5% trong nửa đầu năm 2019. Tại Việt Nam, hơn 70% các công ty được khảo sát có doanh thu tăng hơn 5% trong 12 tháng qua.
Tuy nhiên, chỉ số lạc quan của nửa cuối năm 2019 ghi nhận từ đối tượng khảo sát đã giảm 10 điểm phần trăm so với nửa đầu năm 2019, với nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngược lại, chỉ số lạc quan ở Việt Nam lại là cao nhất trong số 30 quốc gia được khảo sát (trước Indonesia, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Trung Quốc), với trên 90% doanh nghiệp được khảo sát có kỳ vọng tăng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Kỳ vọng về xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng, với 75% đối tượng được khảo sát trả lời lạc quan so với chỉ 66% ở nửa đầu năm 2019. Việt Nam đang là một trong những bên hưởng lợi chính từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, và trở thành nơi sản xuất thay thế có chi phí thấp và không chịu các loại thuế như đối với Trung Quốc.
Tỷ lệ lạc quan kinh doanh cao của Việt Nam cũng được phản ánh qua các kế hoạch đầu tư của các công ty được khảo sát, theo đó mức độ đầu tư vào nhà xưởng mới đang đứng thứ nhất toàn cầu với 67% và đứng thứ 2 sau Nigeria về kế hoạch đầu tư vào máy móc trang thiết bị (76%).
Kết quả khảo sát xem xét chung cho toàn cầu thì cứ mỗi 5 doanh nghiệp lại có 1 doanh nghiệp cho rằng sự bất ổn về kinh tế là một chướng ngại đối với tăng trưởng và 41% xem việc thiếu đơn hàng là mối trở ngại chính.
Điều này cũng được phản ánh trong kết quả xem xét riêng cho thị trường Việt Nam khi các công ty ngày càng cảnh giác hơn với những rủi ro hiện hữu, bao gồm thiếu hụt đơn hàng (51%), bất ổn kinh tế (47%), tệ quan liêu (54%) và thiếu hụt tài chính (54%); tất cả đều ghi nhận mức tăng từ 9-12% so với giai đoạn nửa đầu năm 2019. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra các lo ngại đáng kể về nguồn cung và chi phí năng lượng.
Tuy nhiên, một trong những mối quan ngại lớn nhất và xếp hạng cao nhất trên toàn cầu (46%) chính là sự gia tăng chi phí lao động và tiền lương, một vấn đề vô cùng quen thuộc đối với chúng ta.
Khang Di
FILI
|