Thứ Ba, 10/12/2019 09:26

Hoa mắt với gạo ngon nhất thế giới

Từ chợ đến bán hàng trên mạng, đâu đâu cũng có thể thấy ST25 - gạo ngon nhất thế giới, nhưng... mỗi nơi một kiểu. Với các loại gạo khác, người tiêu dùng cũng không thể biết xuất xứ, thật giả, gạo có trộn lẫn hay không...

* Việt Nam đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới

Hoa mắt với gạo ngon nhất thế giới - Ảnh 1.
Gạo ST25 chính gốc được bán tại cửa hàng gạo Phương Nam trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ghé một cửa hàng chuyên bán gạo nằm trong chợ Phú Nhuận (TP.HCM), khi hỏi mua gạo ST25, người bán liền đon đả mời chào và khẳng định muốn mua là có. Nói rồi, người này lấy ra một bao gạo chưa được 5kg đóng trong bao PP dệt, thường dùng đựng lúa, gạo, cám giá rẻ. Bao đựng gạo "ST25" này có ghi bằng bút lông chữ ST25 ở bên hông, cột bằng sợi nilông. 

Trước thắc mắc vì sao không bán loại ST25 trong bao bì đẹp như hàng công ty, người này nói đến tết mới vào bao bì đẹp, còn bây giờ chỉ lấy bán thử. "Hàng này còn rẻ chứ vô bao bì đẹp tính thêm 2.000 đồng/kg" - người bán giải thích.

Chúng tôi đến một điểm bán khác trong chợ này và cũng hỏi gạo ST25, người bán hàng liền khẳng định có bán, nhưng phải chờ để lấy ra. Chờ vài phút thì người này mang ra 1 bao gạo đựng trong bao PP dệt và quảng cáo đây là ST25 hạt dài, thơm ngon, tuyệt vời, bảo đảm. 

Khi đề nghị mua gạo đựng trong bao bì đóng gói cẩn thận, có nhãn mác rõ ràng, người này nói: "Cái bao vô mấy hồi, muốn lấy thì tui kêu nhà đem bao ra cho, đâu quan trọng". Nói rồi, người này rút ra một túi nilông loại đựng 10kg, bên trên ghi chữ loằng ngoằng kèm dòng tiếng Anh "Premium Quality Thai Jasmine Rice".

Hỏi nguồn gốc, người bán nói đây là gạo Campuchia chứ không phải Thái. "Gạo ST25 chính là gạo Campuchia, người ta gọi điện nói ST25 là nó, chứ có thấy ai để bao ST25 không? Chỉ là mình đặt tên ra thôi. Bảo đảm, bao luôn, ST25 đúng rồi" - người phụ nữ bán gạo tự khẳng định. Thậm chí người này còn khẳng định: "Hàng này (ST25) có lâu rồi, tết bán vì người ta muốn ăn gạo ngon, qua tết người ta không ăn giá cao, bán ít lại. Ai chịu ăn mới lấy ra bán".

Ghi nhận tại một điểm bán gạo khác ở Q.Bình Thạnh, ngoài các loại gạo chất trong xô thì có thêm vài mẫu đóng bao bì nilông. Trong đó có bịch gạo Nhật Japonica ghi xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, còn bao gạo bên cạnh ghi chữ "Gạo đặc sản", "Thơm Nhật" giá 110.000 đồng/bịch 5kg, ngoài tiếng Việt thì trên bịch này còn có nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng không ghi cụ thể công ty nào sản xuất hay nhập khẩu. 

Chúng tôi không hỏi ST25 nữa, chỉ vào xô gạo gắn chữ "Gạo Đài Loan" và hỏi nguồn gốc thì chị chủ tiệm trả lời: "Mỗi chỗ bán đặt tên khác nhau, như chỗ tôi ghi Đài Loan, kế bên họ ghi Tám xoan hoặc Hải Hậu, nhưng cũng là một giống gạo thôi".

Sự nhập nhằng của các loại gạo cũng được ghi nhận khi ghé chợ Tân Định (Q.1). Khi hỏi về xuất xứ của bịch gạo được gắn nhãn "Lài Thái" giá 17.000 đồng/kg, người bán hàng cho hay đây là gạo ST21, cửa hàng để tên "Lài Thái" cho dễ bán. Theo người này, với sự thành công của gạo ST25, một số chỗ bán khác sẽ lợi dụng cách đặt tên gạo liên quan như ST20, ST21... chứ không dùng tên khác nữa.

Hiện tại trên một số trang thương mại điện tử cũng xuất hiện các gian hàng bán gạo ST25, giá từ 140.000-190.000 đồng/5kg. Ngoài ra, có gian hàng còn bán gạo ST24 với tiêu đề "Gạo ngon nhất thế giới 2019". Trên một trang thương mại rao gạo ST túi 5kg giá bán 150.000 đồng nhưng không để đầy đủ tên thương hiệu, địa chỉ sản xuất cụ thể.

Đi rất nhiều nơi, ai cũng khẳng định gạo mình bán là ST25 chính hiệu, nhưng chỉ có chị Dung (bán gạo trên đường Bùi Hữu Nghĩa, chợ Bà Chiểu) thì nói: "Gạo ST25 mới đi thi về thôi, làm gì có ra chợ. Nguyên một dãy không ai có hết. Nói có là xạo, công ty chưa phân phối mà, phải cẩn trọng vì có thể đó là ST20 hoặc các loại gạo khác".

Đại diện một cửa hàng bán gạo tại Q.Phú Nhuận cho biết gạo ST có nhiều chủng loại. Trong đó, phổ biến nhất là ST24 có hạt trắng, trong, thon dài và ST20 hạt dài nhất trong nhóm gạo thơm hiện có của Việt Nam. Do đó, việc thị trường quảng cáo nhiều loại gạo này là bình thường. Tuy nhiên, người này khẳng định gạo ST phần lớn chỉ đóng bao, do đó bán xá (không có bao bì) ngoài thị trường là gạo nhái thương hiệu ST25.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-12, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - cho biết thời gian gần đây lực lượng quản lý thị trường đã làm việc với chủ thương hiệu gạo ST25 sau khi có phản ánh về tình trạng bị làm nhái thương hiệu bán ngoài thị trường, sau đó cũng đã có kiểm tra.

Tuy nhiên, theo ông Linh, nếu đúng gạo ST25 có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận liên quan đến việc đã đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu này thì sẽ có cơ sở để cơ quan quản lý thị trường “làm mạnh tay” đối với các đơn vị sản xuất, phân phối sản phẩm làm nhái trong thời gian tới.

“Việc nhái thương hiệu ST25 nếu có là hành vi trái quy định pháp luật. Thậm chí, với một thương hiệu mang đến sự tự hào cho Việt Nam như ST25 thì việc bảo vệ thương hiệu càng quan trọng” - ông Linh nhấn mạnh.

BÔNG MAI - NGUYẼN TRÍ

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Giảm thuế nhập thịt heo, gà Mỹ: Kẻ cười, người mếu (10/12/2019)

>   Giá heo hơi ngày 9/12: Tiếp đà tăng sốc đạt đỉnh 82.000 đồng/kg (09/12/2019)

>   Ngao nuôi chết hàng loạt, 'nhuộm' trắng các bãi triều Thanh Hóa (08/12/2019)

>   Siêu thị, doanh nghiệp cam kết không tăng giá thịt heo Tết (06/12/2019)

>   Giá heo hơi ngày 6/12: Tăng sốc! (06/12/2019)

>   'Chuột cõng quất cảnh' chơi Tết giá tiền triệu (06/12/2019)

>   Giá heo hơi ngày 5/12: Miền Trung tăng mạnh, miền Nam giảm sâu (05/12/2019)

>   300.000 đồng một trái xoài 'nhả chữ' (04/12/2019)

>   Heo 'tăng tốc' giá, gà 'đua' theo, chân gà da với xương cũng 45.000-55.000đ/kg (03/12/2019)

>   Chính phủ cam kết đảm bảo nguồn cung để tết này không thiếu thịt heo (02/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật