Dịch vụ
Chủ tịch TNG: Hướng tới bán sản phẩm tự thiết kế, 2020 có thể ghi nhận mảng bất động sản
Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó lường khiến tâm lý các nhà sản xuất e dè, đơn đặt hàng ngành dệt may bị chia nhỏ và giảm so cùng kỳ. Các doanh nghiệp dệt may niêm yết ghi nhận kết quả kém khả quan trong 9 tháng với tổng doanh thu giảm 1.6%, lợi nhuận giảm 13.8% so cùng kỳ, báo cáo của CTCK VNDirect cho hay.
Trong bối cảnh đó, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vẫn ghi nhận kết quả khả quan, đơn hàng dồi dào. Dưới đây là những trao đổi liên quan của ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TNG.
|
Tổng cầu dệt may không đổi mà chỉ chuyển dịch vào đối tượng đủ tiêu chuẩn
Ông nhìn nhận thế nào về việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm đơn hàng dệt may sụt giảm? Yếu tố nào giúp TNG duy trì được lượng đơn hàng tốt?
Ông Nguyễn Văn Thời: Thực tế, tổng cầu dệt may không thay đổi mà chỉ chuyển dịch vào những đối tượng đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Bản thân TNG năm 2019 đã kín đơn hàng và năm 2020 cũng đã có đủ, các khách hàng lớn của Công ty như Decathlon, Nike, Levi’s… đã lên kế hoạch đơn hàng cho năm tới và yêu cầu TNG tăng đơn hàng.
Điểm khác biệt của TNG là theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, đã được cấp chứng nhận 4 năm liền nằm trong tốp 10 doanh nghiệp phát triển bền vững. Các doanh nghiệp bền vững không những đáp ứng tiêu chuẩn về nhà xưởng, máy móc thiết bị, mà còn vấn đề môi trường và chính sách xã hội cho người lao động. Đây là những yêu cầu khắt khe của khách hàng. Chính vì thế, khách hàng đến TNG càng nhiều, đơn hàng ngày càng tăng.
Đồng thời, thời gian qua, TNG tiến hành cơ cấu lại danh mục khách hàng, tập trung vào khách hàng có thương hiệu lớn, uy tín như Decathlon, The Children’s Place, Sport Master, Nike… Hiện nay, Công ty hướng tới mục tiêu giảm giá vốn mà yếu tố quan trọng nhất là hàng tồn kho.
TNG đang nghiên cứu phần mềm đo được thời gian của từng vật tư nằm ở kho, ứng dụng 4.0 trong quản lý hàng tồn kho. Nguyên vật liệu chiếm 50% giá thành nên giảm được một phần nhỏ là có thể giúp Công ty tăng lợi nhuận nhiều.
Thứ 2 là về mặt quản trị, Công ty là đơn vị trên sàn nên luôn đảm bảo minh bạch thông tin để khách hàng có thể tin tưởng.
Cái khó của ngành dệt may hiện nay là gì? Khả năng hưởng lợi khi các hiệp định CPTPP, EVFTA có hiệu lực ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thời: Ngành dệt may có hai nút thắt là nguyên vật liệu và nguồn nhân lực cao để sản xuất ra hàng ODM (thiết kế, tạo ra sản phẩm theo chỉ định của khách hàng).
Từ năm 2007-2012, giai đoạn tham gia Quốc hội, tôi đã phát biểu vấn đề này. Chính phủ có chính sách hỗ trợ như đưa ra nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Công Thương thì ra nghị định hỗ trợ 6 mặt hàng cốt lõi trong đó có dệt may. Tuy nhiên, thực tế hỗ trợ không hiệu quả.
Tôi cho rằng bản thân TNG có chế độ lương, thưởng cho người lao động rất tốt nên vấn đề nguồn nhân lực không đáng lo. Song, vấn đề nguyên vật liệu quả là khó khăn. Để được hưởng lợi khi CPTPP có hiệu lực, dệt may Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi và với EVFTA là từ vải trở đi.
Bản thân doanh nghiệp dệt vải cũng phải nhập sợi từ bên ngoài. Một số khách hàng như Costco yêu cầu TNG cung cấp chứng nhận từ sợi trở đi. Song, hiện chưa có quy định cụ thể, doanh nghiệp cũng không dám tự chứng nhận. Do vậy, cái khó của ngành dệt may hiện nay vẫn là nguyên vật liệu và chờ cơ quan Nhà nước quy hoạch cụ thể.
Ngoài ra, ngành dệt may còn vướng một vấn đề là một số tỉnh gần như không muốn cho đầu tư dệt nhuộm vì môi trường. Một số đối tác muốn liên doanh cùng TNG cùng đầu tư và đơn vị đang xem xét.
TNG theo đuổi chiến lược phát triển bền vững và đang nghiên cứu triển khai dự án nhà máy xanh hướng tới tiêu chí nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hợp lý nguồn nước và vật liệu thân thiện môi trường.
Đẩy mạnh sản xuất hàng ODM, tăng tỷ lệ doanh thu nội địa
Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh của công ty thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Thời: Trong 5 năm tiếp theo, Công ty định hướng ngành may mặc vẫn giữ vai trò chủ đạo. Giai đoạn từ năm 2020-2024, doanh thu kỳ vọng tăng 12% và lợi nhuận tăng 15% mỗi năm. Đến năm 2024, doanh thu cán mốc 7,247 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 442 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2020-2024 chỉ bao gồm hoạt động cốt lõi dệt may, chưa xét đến nguồn thu từ hoạt động bất động sản. Tăng trưởng doanh thu đến từ việc Công ty đầu tư chuyền may, tăng công suất.
Năm nay, Công ty đã tăng đầu tư 150 tỷ đồng vào nhà máy may TNG Đồng Hỷ giai đoạn 1 với 16 chuyền may, nâng tổng chuyền may toàn Công ty lên 252 chuyền may. Nhà máy đã có khách hàng đặt thuê và gia công, dự kiến năm 2020 sẽ có lãi. Trong tháng 11, Công ty dự kiến khởi công nhà máy may TNG Võ Nhai tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng và quy mô 32 chuyền may nhưng lắp đặt trước 16 chuyền may, hết quý 1/2020 có thể đi vào hoạt động.
Xin ông cho biết thêm về chiến lược đẩy mạnh kinh doanh nội địa và phát triển thương hiệu TNG?
Ông Nguyễn Văn Thời: Mục tiêu là phải bán sản phẩm mang thương hiệu của mình, do vậy, Công ty phải đẩy mạnh bán hàng nội địa trước mới đẩy mạnh xuất khẩu được. Đây là chiến lược dài hạn không chỉ của TNG mà cả ngành dệt may. Hiện nay, Công ty đã có 30 cửa hàng thời trang trong nước kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu TNG. Doanh thu nội địa mới đóng góp khoảng 5% tổng doanh thu và TNG đặt mục tiêu nâng lên 10-15%.
Đồng thời, Công ty cũng đang đẩy mạnh sản xuất ra hàng ODM (thiết kế, tạo ra sản phẩm theo chỉ định của khách hàng). TNG đã có đơn hàng từ thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger, tỷ trọng doanh thu đóng góp khoảng 3-4% nhưng biên lợi nhuận cao. Việc hợp tác với hai đối tác trên cho thấy sản phẩm do chính Công ty thiết kế đã có thể cạnh tranh với các đơn vị khác trên thế giới.
Về mặt xuất khẩu, đến 40% doanh thu đến từ việc xuất khẩu sang châu Âu, chủ yếu là Decathlon - thương hiệu hàng hóa thể thao của Pháp. Tiếp theo là Mỹ với 37% tỷ trọng, hai khách hàng chính là The Children’s Place và Nike.
Năm 2020 có thể ghi nhận nguồn thu từ bất động sản
Công ty dự tính phát triển mảng bất động sản như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thời: Bất động sản ở Thái Nguyên đang thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tại Hà Nội lên khai thác. Bản thân TNG là doanh nghiệp tại Thái Nguyên mà không khai thác thì lãng phí lớn.
Công ty có dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm diện tích 70.53ha, kỳ vọng hoàn thiện giải phóng mặt bằng vào quý 1/2020 và có thể ghi nhận doanh thu, lợi nhuận. Dự án có tổng đầu tư 500 tỷ đồng và biên lợi nhuận lên đến 40%. Tôi cho rằng dự án sẽ thành công bởi nhu cầu đầu tư rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp dệt nhuộm ở Trung Quốc đóng cửa và dịch chuyển sang Việt Nam.
Dự án TNG Village được chuyển đổi công năng từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại với tổng đầu tư 170 tỷ đồng. TNG đã mở bán từ tháng 10/2019, biên lợi nhuận khoảng hơn 20%. Công ty đã thu được 40 tỷ đồng từ dự án này.
Ngoài ra, TNG dự kiến đầu tư trung tâm thương mại TNG Tower vốn 550 tỷ đồng, dự án khu tái định cư và nhà ở xã hội thuộc cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 vốn 500 tỷ đồng với thời gian tiến hành sau năm 2021.
FILI
|