Thứ Sáu, 13/12/2019 08:26

Bỏ trần, giá vé máy bay sẽ tăng?

Bỏ trần vé máy bay, các hãng hàng không sẽ tự do tăng giá vé, người dân mất cơ hội mua vé rẻ.

* VietnamAirlines muốn bỏ trần giá vé máy bay nội địa

* Giá vé máy bay tết Canh Tý: Khách hàng hoa mắt, xuất ngoại còn rẻ hơn

Bỏ trần, giá vé máy bay sẽ tăng?
Bỏ giá trần, các hãng tự do tăng giá vé. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Chưa đủ cạnh tranh để bỏ trần

Một dạng độc quyền tương đối

TS Đinh Thế Hiển bình luận: “Hiện nay trên thị trường, chỉ có một mình VNA định hình phân khúc khách cao cấp và vẫn là DN chiếm thị phần cao nhất, gần như một dạng độc quyền tương đối. Bỏ trần giá vé, có lợi lớn nhất là VNA, các hãng khác có chăng hưởng lợi theo, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt”.

5 năm sau khi đề xuất bỏ trần vé máy bay của cơ quan chức năng không được thông qua, tại diễn đàn cao cấp du lịch lần thứ 2 vừa được tổ chức mới đây, đại diện Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) một lần nữa nhắc lại mong muốn này.

Cụ thể, theo ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc VNA, trần giá vé máy bay đang là một điểm trói buộc doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh thị trường đã có dấu hiệu mở cửa. Điểm nghẽn trần giá cần được tháo gỡ để các hãng hàng không VN có thể thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn, đặc biệt những giai đoạn cao điểm của thị trường, bên cạnh việc đa dạng dải giá, tạo điều kiện cho khách hàng.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên hãng hàng không quốc gia đề xuất được “phá rào” giá vé tối đa. Năm 2016, khi khung giá trần các tuyến nội địa được điều chỉnh giảm 4%, có giá tối đa 1,6 - 3,75 triệu đồng/khách, VNA đã đề xuất Cục Hàng không xem xét yêu cầu này vì giá vé hạng phổ thông linh hoạt của hãng thời điểm đó đã ở mức xấp xỉ giá trần. Từ đó đến nay, dù có thêm nhiều cạnh tranh từ các hãng hàng không khác nhưng giá vé của hãng hàng không quốc gia vẫn luôn ở mức cao, chạm đỉnh vào những dịp cao điểm.

TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả - Bộ Tài chính, khẳng định ông vẫn bảo lưu quan điểm của mình từ 5 năm trước: Muốn người dân còn cơ hội đi máy bay giá rẻ thì phải áp giá trần. Theo ông, trước đây, trong bối cảnh thị trường hàng không chủ yếu bị chi phối bởi 1 - 2 hàng hãng không, giá vé lại do hãng quyết định, nhà nước buộc phải áp dụng chính sách giá trần để quản lý giá vé, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, thị trường hàng không VN đã thay đổi, được đánh giá có tốc độ phát triển “nóng” với sự tham gia của các hãng hàng không mới sau nhiều năm yên ắng. Tuy nhiên thực tế, VNAVietjet vẫn là 2 hãng hàng không chiếm thị phần chi phối. Trong đó, VNA và Jetstar Pacific cạnh tranh với Vietjet trong phân khúc giá rẻ, nhưng Jetstar Pacific lại là công ty con của VNA. Bamboo Airways dù được đánh giá tiềm năng nhưng cũng chỉ là “tân binh”, phạm vi hoạt động còn đang bị bó hẹp nên mức độ ảnh hưởng đến thị trường còn thấp, chưa đủ sức tác động. “Thị trường hàng không có tăng sức cạnh tranh nhưng về cơ bản 2 ông lớn vẫn nắm quyền chi phối. Giá vé tuy đã có xu hướng giảm nhưng không loại trừ một số thời điểm các hãng sẽ vì lợi nhuận mà đẩy giá vé tăng cao. Khi chưa có cạnh tranh thật sự, giá trần vẫn là công cụ cần thiết để kiểm soát độc quyền, đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, về lý thuyết, có thêm nhiều hãng hàng không, thêm cạnh tranh thì giá vé sẽ giảm. Không lẽ muốn bỏ giá trần để cạnh tranh tăng giá vé?”, TS Vũ Đình Ánh đặt vấn đề.

Khách hàng chịu thiệt

Lý do chính khiến các hãng hàng không bao năm theo đuổi đề xuất bỏ trần vé là để được rộng cửa mở các dải giá, thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn, đặc biệt những giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, hiện nay giá vé máy bay gần như lúc nào cũng đã ở mức cao, giai đoạn nào các hãng cũng có cớ để không giảm giá. Vé các chặng “hot” như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng... luôn ở mức kịch trần.

Đáng nói, kể cả trong mùa thấp điểm, khách hàng cũng khó mua được vé giá rẻ vì các hãng hàng không sẽ giảm tải để đưa máy bay đi bảo hành sửa chữa, đào tạo tiếp viên, phi hành đoàn... chuẩn bị phục vụ mùa cao điểm. Dù thị trường có nhộn nhịp hơn với sự xuất hiện của các hãng mới thì khách hàng vẫn chưa được hưởng lợi gì về giá vé. Các DN luôn biết cách để đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Điều này cũng được minh chứng thông qua kết quả kinh doanh của các hãng.

Đơn cử, dù được đánh giá là năm có sự cạnh tranh cao nhất nhưng báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của VNA vẫn cho ra kết quả ngoài mong đợi. Doanh thu hợp nhất 9 tháng của hãng đạt hơn 76.705 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.291 tỉ đồng, đạt 97,9% kế hoạch cả năm. So với cùng kỳ, lợi nhuận của VNA tăng 46,5%. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà hãng này đạt được trong 5 năm qua.

Tương tự, hết quý 3, Vietjet cũng báo lãi trước thuế mảng vận tải hàng không tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10.415 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 13.577 tỉ đồng. Hãng Jetstar Pacific cũng đã vươn lên với thành tích 3 năm liên tiếp báo lãi sau chuỗi dài thua lỗ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, các hãng hàng không vẫn đua nhau báo lãi, kể cả các hãng định hình là hàng không giá rẻ, chứng tỏ trần giá vé chưa phải điểm nghẽn quá lớn như đại diện một số hãng kêu than. Ông Hiển cho rằng trong nền kinh tế thị trường, bỏ trần giá, để thị trường quyết định là đúng. Tuy nhiên hiện DN chiếm lĩnh thị trường là VNA vẫn chịu sự chi phối của nhà nước, mang tính dịch vụ công nên chưa hoàn toàn là nền kinh tế thị trường. Về lý thuyết, các dịch vụ công thường được hưởng nhiều ưu đãi, lợi thế về hạ tầng cơ sở, chính sách... nên giá sẽ thấp hơn dịch vụ do tư nhân phải bỏ tiền đầu tư. Trong lĩnh vực hàng không lại ngược lại, DN nhà nước lại có giá dịch vụ cao hơn. Nếu bây giờ xóa bỏ giá trần, tạo thêm cơ hội cho tăng giá vé tự do nữa thì sẽ bất hợp lý, có phần “ăn gian”.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Năm 2020, sẽ kiểm toán các dự án BT thuộc Khu đô thị Thủ Thiêm (13/12/2019)

>   Hàng loạt sai phạm ở công ty môi trường Đăk Lăk (13/12/2019)

>   Từ hôm nay, người dân có thể mua điện bằng hợp đồng điện tử (12/12/2019)

>   37.000 phương tiện giao thông bị thu giữ đã biến thành sắt vụn (12/12/2019)

>   Ông Huỳnh Đức Thơ: Năm 2019, Đà Nẵng không bán tấc đất nào (12/12/2019)

>   Hụt thu hơn 13.000 tỉ đồng do cam kết các FTA (12/12/2019)

>   Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên về với đội bay của Bamboo Airways (12/12/2019)

>   Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD/năm (12/12/2019)

>   Diễn biến mới nhất về 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam (12/12/2019)

>   Lương, thưởng Tết Dương lịch 2020, người lao động cần biết (12/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật