Bỏ một bộ sofa cũ không dễ đâu, tốn 700.000 đồng!
700.000 đồng để chở bộ sofa cũ đi xử lý; vứt bỏ một chiếc tủ nhỏ: 250.000 đồng, đồ dùng lớn hơn 400.000 đồng... Giá chót cũng 200.000 đồng!
Người dân quẳng luôn cả những chiếc ghế sofa cũ ngay dưới gầm cầu Sài Gòn - Ảnh: THU HIẾN
|
Nhu cầu thải rác cồng kềnh như tủ, bàn, nệm, sofa... ngày càng nhiều nhưng chúng thuộc loại rác gì, đơn vị nào thu gom, giá cả xử lý ra sao... hiện còn khá tù mù.
Rác cồng kềnh ngày càng nhiều
6h sáng 1-12, vừa mở cửa cổng, bà Nguyễn Thị Nga ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã thấy một chiếc ghế sofa cũ bị bỏ ngay trước cổng nhà mình. Bà Nga cho biết mới vài ngày trước bà phải thuê người dọn mấy tấm nệm cũ không rõ ai vứt trước nhà bà.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc các tuyến đường như Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Mai Chí Thọ (quận 2), xa lộ Hà Nội, gầm cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh)... rác thải rắn cồng kềnh được người dân tập kết thành những bãi lớn, chủ yếu là giường, tủ kính, nệm cũ, gỗ... trộn chung với rác thải sinh hoạt, gây cản trở giao thông, ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.
Một người dân sống tại khu vực đường Mai Chí Thọ cho biết thường xuyên thấy nhiều người mang rác thải rắn cồng kềnh vứt ra ven đường. Có lần anh này bức xúc liền nhắc nhở thì bị họ lớn tiếng quát mắng.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến (quận 1) chia sẻ: "Nhà ở hẻm nhỏ, mỗi lần có rác cồng kềnh để trước nhà thì nhân viên vệ sinh không thu gom, để lâu gây cản trở giao thông, tôi phải đập nhỏ ra rồi thuê người đến thu gom. Bỏ một chiếc tủ nhỏ cũng phải mất gần 250.000 đồng, đồ dùng lớn hơn thì phải trả 400.000 đồng/lần".
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, lượng rác thải xây dựng, rác cồng kềnh chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt. Như vậy, với hơn 9.300 tấn rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày thì lượng rác cồng kềnh và rác thải xây dựng chiếm hơn 1.800 tấn/ngày và còn tiếp tục tăng trong tương lai.
Nhiều phế liệu, rác thải cồng kềnh và rác thải sinh hoạt trộn lẫn với nhau tại cầu Sài Gòn gây mất mỹ quan đô thị - Ảnh: THẢO LÊ
|
Đang xây dựng đơn giá
Mặc dù lượng rác cồng kềnh phát sinh ngày càng nhiều nhưng thực tế cả người phát thải (người dân) và người thu gom khá lúng túng vì chưa rõ rác trên thuộc loại rác gì, lực lượng nào chuyên thu gom, giá cả thu gom cũng không có quy định cụ thể.
Đề cập chuyện giá thu gom rác cồng kềnh cao, ông Huỳnh Thanh Sơn - hộ thu gom rác dân lập trên đường Phùng Văn Cung, quận Phú Nhuận - cho biết khi thu gom rác cồng kềnh phải "xả" ra nhỏ mới đưa đi được. Vì vậy sẽ mất công hơn, chưa kể phải trả thêm phí cho các trạm trung chuyển, tiền xăng đi lại... nên giá chót cũng phải 200.000 đồng/lần chở.
Ngoài lý do giá cao thì hiện chưa có lực lượng chuyên thu gom rác thải cồng kềnh nên không ít trường hợp, người dân lén lút mang rác cồng kềnh ra bỏ ven đường, các bãi đất trống, vứt xuống kênh rạch...
Bàn về giải pháp, ông Lê Văn Quang - chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh - cho hay ngoài phối hợp với các cơ quan liên quan tuần tra, xử lý nghiêm thì cũng sẽ tuyên truyền cho người dân có rác thải cồng kềnh nên báo công ty dịch vụ công ích hoặc các hộ thu gom rác dân lập, tránh đem bỏ ra đường.
Ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết đơn vị này có triển khai dịch vụ xử lý rác thải cồng kềnh. Khi người dân có rác cồng kềnh (tủ, giường gỗ, nệm mút, xà bần) có thể gọi số (028) 38208666 để được xử lý, giá cả theo thỏa thuận.
Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường cho hay rác thải cồng kềnh được xem là rác thải sinh hoạt. Các đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt có trách nhiệm phải thu gom loại rác thải này. Vấn đề là trước khi thu gom phải được tháo dỡ, chia nhỏ ra, mất thời gian, công sức nên thường giá thu gom cao hơn giá rác thải sinh hoạt.
"Để tránh tình trạng người thu gom hét giá cao khi thu gom loại rác thải cồng kềnh, chúng tôi đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan chức năng để xây dựng đơn giá cụ thể. Sau khi xây dựng xong sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian sớm nhất", đại diện Sở Tài nguyên và môi trường cho biết.
TP.HCM xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện
Tất cả lượng rác sinh hoạt thu gom (kể cả rác cồng kềnh) có khoảng 76% được đưa đi chôn lấp. TP.HCM đặt mục tiêu giảm còn 50% lượng rác chôn lấp vào năm 2020. Để đạt được điều này, mới đây Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar đã khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện, mỗi nhà máy công suất xử lý 1.000-2.000 tấn/ngày, đồng thời chuẩn bị tiếp tục khởi công thêm một số nhà máy đốt rác phát điện khác.
|
LÊ PHAN - THU HIẾN - THẢO LÊ
Tuổi trẻ