"Vỡ trận" trung tâm triển lãm 800 tỉ đồng
Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được xây dựng trên khu đất 18.000 m2, cao 5 tầng, tổng mức đầu tư 35 triệu USD (tức hơn 800 tỉ đồng) khởi công hơn 6 năm, nay vẫn còn dang dở.
Không chỉ chậm tiến độ, dự án đã dừng thi công từ mấy tháng qua
Ảnh: Đình Sơn
|
Trong khi Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM - được xem là biểu tượng của TP - khởi công hơn 6 năm nay vẫn dang dở, thì TP.HCM lại chuẩn bị mời thầu một dự án trung tâm triển lãm mới với tổng vốn đầu tư lớn gấp đôi, lên gần 1.700 tỉ đồng.
Triển lãm thành nơi nuôi gà, vịt
Sáng 5.11, ghé vào khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) nơi dự án hiện diện, chúng tôi phải rất vất vả mới tìm được đường vào, vì bốn bề đều bị lau sậy bít lối đi. Công trình nằm sát bờ sông, đối diện khu vực đường Nguyễn Huệ (Q.1), được xem là khu đất vàng của Thủ Thiêm, nhưng không có bóng dáng một người công nhân nào, chỉ còn lại hai người bảo vệ. Những người này nói, muốn liên hệ gì thì đến địa chỉ 98 Trần Quang Khải (Q.1) vì họ không biết gì.
Một số người bán cà phê gần khu vực đó cho hay dự án đã dừng thi công khoảng 8 tháng nay, những năm trước đó cũng thi công cầm chừng. Hiện trong công trình chỉ có bảo vệ ở trông coi và trở thành nơi nuôi gà, vịt của những hộ gần đó.
Theo quan sát, công trình đã cơ bản hoàn thành được khoảng 80% khối lượng công việc. Tuy nhiên, do bị bỏ hoang khá lâu nên công trình có vẻ hoang tàn, nhiều hạng mục đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, các bức tường đã chuyển thành màu đen, toàn bộ các tầng hầm bên dưới đã trở thành hầm chứa nước...
“Tôi là dân ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, khi nhà bị giải tỏa, tôi quay về đây làm cái chòi tạm bán cà phê phục vụ cho công nhân của công trình. Họ nói do thiếu vốn nên từ lúc dự án khởi công đến nay triển khai ì ạch, cầm chừng”, ông Bảo, một người dân bán cà phê gần công trình, cho biết.
Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được xây dựng trên khu đất 18.000 m2, cao 5 tầng, tổng mức đầu tư 35 triệu USD (tức hơn 800 tỉ đồng). Địa điểm xây dựng thuộc lô I-19, khu đô thị Thủ Thiêm, nằm kế bên lô I-21 là khu đất dự kiến xây dựng nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, dự án khởi công vào quý 1/2013 và hoàn thành vào năm 2015 để trở thành nơi triển lãm quy hoạch, kiến trúc, khu văn phòng cũng như điểm tham quan của người dân và khách du lịch khi đến TP.HCM.
Do năm 2015 không kịp về đích, nên UBND TP.HCM đã dời ngày khánh thành qua 30.4.2016. Thậm chí, UBND TP đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp Ban Quản lý xây dựng trung tâm và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức và thực hiện các nội dung triển lãm nhân dịp khánh thành trung tâm.
Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức hội thảo khoa học “TP.HCM quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng hướng tới phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và tổ chức triển lãm về quá trình phát triển của TP nhân dịp khánh thành trung tâm… Nhưng như nói trên, tới thời điểm này, công trình vẫn dang dở, chưa biết đến bao giờ hoàn thành.
“Vỡ trận” do quá nhiều nhà thầu
Đáng nói, trong khi dự án chậm gần 7 năm, thì nhu cầu trung tâm triển lãm ở TP đang rất bức thiết.
Ông Nguyễn Thanh Đảo, Tổng giám đốc Công ty CP quảng cáo và xúc tiến thương mại Đông Nam, nêu ý kiến: Hiện nay ở VN địa điểm tổ chức các hội chợ, triển lãm rất khan hiếm. Cả nước chỉ có mỗi Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) đạt tiêu chuẩn quốc tế, nên luôn ở trạng thái “kín lịch”. Nhưng ngay cả SECC diện tích trong nhà cũng chỉ khoảng 8.000 m2. Nếu triển lãm cần quy mô lớn hơn thì phải che thêm lều bạt bên ngoài. Ở các quốc gia lớn tại châu Âu, hay như Mỹ, Trung Quốc, các trung tâm triển lãm quy mô lên đến hàng trăm nghìn mét vuông. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng xây dựng nhiều khu triển lãm chuyên ngành rất lớn để hỗ trợ kịp thời, thu hút tối đa doanh nghiệp.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết đang có một “trục trặc” giữa TP và các nhà thầu khiến dự án bị kéo dài. Không chỉ dự án này, nhiều công trình khác của TP cũng chậm do không trú trọng về hợp đồng, thúc ép tiến độ nên cứ để thời gian trôi đi, dự án chậm, dở dang.
“Những tổn thất này ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng TP quản lý không nghiêm nên kéo dài. Không chỉ làm dự án đội vốn, không khai thác ngay cũng khiến TP phải trả lãi ngân hàng, đồng vốn không được quay vòng cũng là một tổn hại. TP phải có chỉ đạo quyết liệt hơn trong giải quyết các vướng mắc của công trình để sớm hoàn thành”, TS Võ Kim Cương nói.
Một nhà thầu tham gia xây dựng dự án tiết lộ công trình này có đến hơn 40 nhà thầu trực tiếp tham gia thi công các hạng mục khác nhau. Điều này khiến họ giẫm chân lên nhau, chồng chéo, đan xen, nhà thầu này phải chờ nhà thầu kia bàn giao mặt bằng mới có thể triển khai thi công khiến phát sinh vướng mắc, mâu thuẫn giữa các nhà thầu. Cá biệt, có nhà thầu đã ký hợp đồng từ năm 2015, đã mua vật tư thiết bị để thi công nhưng hiện vẫn chưa có mặt bằng để triển khai. Đó là nguyên nhân khiến dự án bị “vỡ trận”.
Đình Sơn
Thanh niên